> Nhân tố khách quan
Trong 03 năm khảo sát từ năm 2009 - 2010 và 06 tháng đầu năm 2012 tình hình kinh tế nước ta và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Khủng hoảng tài chính của một số nền kinh tế lớn trong năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của nước ta.
• Đầu tiên đó là việc huy động vốn của ngân hàng. Lạm phát cao vừa là khó khăn vừa là thuận lợi cho việc huy động vốn. Khó khăn ở chỗ, là đồng nội tệ mất giá và do nhiều hệ quả của nó, các nhà sản xuất ngừng hoạt động, dòng tiền gửi trong thanh toán giảm, thu nhập lao động của người lao động giảm tiền gửi tiết kiệm cùng giảm. Trong những năm qua giá vàng liên tục tăng cao đặc biệt trong năm 2011, người dân rút tiền gửi đổ xô đi mua vàng tích trữ và kinh doanh kiếm lời thay vì gửi vào ngân hàng. Thuận lợi ở chổ để kiềm chế lạm phát một trong những công cụ hiệu quả đó là lãi suất. Chính vì vậy lãi suất huy động cao nên lượng vốn huy động cũng tăng. Thậm chí một số doanh nghiệp bán cơ sở sản xuất để gửi tiền tiết kiệm. Thị trường chứng khoán xuống dốc, nên thay vì đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn.
• Kế tiếp đó là hoạt động tín dụng của ngân hàng. Để kiềm chế lạm phát Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, đưa lãi suất lên cao chính vì vậy mà việc cho vay gặp nhiều khó khăn. Những người đi vay hạn chế đi vay vì chi phí sử dụng vốn cao, hoặc đã đi vay nhưng nhiều nguyên nhân mà hoạt động sản xuất không sinh lời, hoặc có lời nhưng không bù đắp chi phí vốn. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nợ xấu gia tăng.
• Thêm vào đó là thị trường bất động sản đóng băng, các dự án công trình lớn bị đình trệ mà vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, nợ xấu lại tăng thêm. Trong khi cấu trúc nguồn vốn của ngân hàng phần lớn khoản tiết kiệm dưới 12 tháng, chủ yếu là 1 - 3 tháng. Hiện tượng mất cân bằng này kéo dài dẫn tới ngân hàng mất khả năng thanh khoản. Chính vì vậy mà có việc hợp nhất giữa các ngân hàng: ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FCB), ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa
(TNB) và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong năm 2011 do thiếu khả năng thanh khoản.
• Cùng với những tác động đó, số lượng ngân hàng nước ngoài ở nước ta ngày càng gia tăng có thế mạnh về vốn và dịch vụ tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ, trước những khó khăn đó một số ngân hàng đã rẽ trái, bất chấp sự điều tiết của Ngân hàng trung ương, hiện tượng lách trần lãi suất đã tạo thêm nhiều áp lực cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng.
> Nhân tố chủ quan
• Một số quy định về tín dụng
Khách hàng vay vốn của chi nhánh phải đảm bảo các nguyên tắc và điều kiện vay vốn sau:
Nguyên tắc: sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng; phải hoàn trả gốc và lãi tiền vay đúng hạn đã thỏa thuận tín dụng; tiền vay được phát bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo mục đích sử dụng tiền vay đã thỏa thuận tín dụng.
Điều kiện: có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật; mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời gian cam kết; có dự án, phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi, có hiệu quả hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống kèm phương án trả nợ khả thi; thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của chính phủ, NHNN và hướng dẫn của NHNo&PTNT Việt Nam
• Căn cứ xác định lãi suất cho vay, lãi suất ưu đãi, lãi suất quá hạn
Căn cứ vào lãi suất do NHNN công bố, chi nhánh sẽ công bố biểu lãi suất cho vay của mình cho khách hàng biết. Chi nhánh và khách hàng thỏa thuận, ghi vào hợp đồng tín dụng mức lãi suất cho vay trong hạn và mức lãi suất áp dụng đối với nợ quá hạn:
Mức cho vay trong hạn được thỏa thuận phù hợp với quy định của NHNN và quy định của NHNo&PTNT Việt Nam về lãi suất cho vay tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng;
Mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do Giám đốc chi nhánh quyết định theo nguyên tắc cao hơn lãi suất trong hạn nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng.
• Quy định trả nợ gốc và lãi vay
Các kỳ hạn trả nợ (gốc và lãi) của khoản vay được thỏa thuận giữa chi nhánh và khách hàng căn cứ vào:
- Đặc điểm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Khả năng tài chính, thu nhập và nguồn trả nợ của khách hàng
Các thông báo về khoản nợ gốc, lãi đến hạn được chi nhánh gửi tới khách hàng trước ít nhất 05 ngày.
Khách hàng có khả năng trả nợ trước hạn, số lãi phải trả chỉ tính từ ngày vay đến ngày trả nợ và Giám đốc chi nhánh được quyết định và thỏa thuận về điều kiện, số phí (nếu có) đối với số tiền vay trả nợ trước hạn (cho thời gian còn lại theo hợp đồng tín dụng) nhưng không quá mức lãi và phí đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Chi nhánh có thể thu nợ trước kỳ hạn nếu
- Khách hàng đồng ý trả nợ trước hạn - Khách hàng sử dụng vốn sai mục đích
- Khách hàng vi phạm các cam kết về quản lý, sử dụng tài sản bảo đảm tiền vay được chi nhánh giao cho quản lý
Lãi tiền vay được tính theo số ngày thực tế nhận nợ và số dư nợ của khoản vay.
• Đội ngũ nhân viên
Tiến hành sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng chức năng, sở trường của từng cán bộ, phù hợp với trình độ, yêu cầu chuyên môn; công tác quản lý được thực hiện chuyên nghiệp, chính sách khen thưởng khuyến khích nhân viên thi đua hoàn thành công việc được giao, tạo nên sự đoàn kết trong chi nhánh góp phần đưa hiệu quả hoạt động được nâng cao
Trên đây là một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các NHTM nói chung và chi nhánh nói riêng. Để cụ thể hơn nữa tác động của nó, ta tiến hành phân tích hoạt động kinh doanh của chi nhánh đặc biệt là hoạt động tín dụng.