Vai trò của kinh tế đối ngoại

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế đối ngoại của Sở Ngoại vụ tỉnh Điện Biên (Trang 32 - 33)

- Tạo vốn cho tăng trưởng kinh tế: Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh kinh tế giữa các nước đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, mức tích lũy tư bản (vốn) trong nước còn hạn chế nên phải đương đầu với nạn thiếu vốn gay gắt và trầm trọng. Do vậy, việc thu hút nguồn vốn bên ngoài để bù đắp thiếu hụt bên trong do nhu cầu phát triển kinh tế đặt ra, cũng như việc làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ấy là vấn đề hết sức quan trọng.

- Hình thành cơ sở công nghệ phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển: Với việc mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, các nước đang phát triển có điều kiện thu hút hiệu quả công nghệ chuyển giao từcác nước tư bản phát triển. Với công nghệ chuyển giao đó, các quốc gia đã xây dựng cho mình một cơ sở sản xuất với kỹ thuật và phương pháp quản lý tiên tiến, những cơ sở công nghệ thích hợp với điều kiện kinh tế nước mình. Những cơ sở công nghệ ấy đã có tác động dây chuyền tới nhiều lĩnh vực kinh tế trong các quốc gia đang phát triển.

- Tạo điều kiện khai thác triệt để lợi thế so sánh của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội: Thương mại quốc tế đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia khi mở cửa giao lưu kinh tế với bên ngoài cho dù các năng lực sản xuất có lợi thế tuyệt đối hay không. Việt Nam nói chung rất phong phú về tiềm năng, tuy nhiên tính hiện thực của sự giàu có lại được quyết định ở sự khai thác trên thực tế tiềm năng ấy. Cho nên, dừng lại ở tiềm năng là chưa đủ, vì nếu hiệu ích của sự khai thác đó không cao thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Nói cách khác, hiệu suất sinh lợi đem lại sẽ rất thấp nếu như công nghệ khai thác, việc lựa chọn hình thức đối tác

và bạn hàng xác định không phù hợp. Và điều này có liên quan đến vai trò của nhiều hoạt động, trong đó có vai trò của kinh tế đối ngoại.

- Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế đối ngoại được coi là một trong những điều kiện tiền đề cho sự phát triển, là đòn bẩy quan trọng góp phần thúc đẩy sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đảng ta cho rằng nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế trong chặng đường đầu tiên trước đây, cũng như sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật và công nghiệp hoá đất nước trong giai đoạn hiện nay của nước ta nhanh hay chậm, điều đó phụ thuộc một phần rất quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Thông qua chủ động tham gia hội nhập trên cả ba lĩnh vực: thương mại, đầu tư và dịch vụ, đưa quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới lên một trình độ mới. Nhiều khu công nghiệp lớn và các khu chế xuất ra đời thông qua hợp tác liên doanh với nước ngoài. Nguồn vốn quốc tế đã hỗ trợ, tạo điều kiện khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nước như tài nguyên, nhân lực... hình thành lên những ngành nghề mũi nhọn có thể cạnh tranh với các nước phát triển. Các hình thức kinh tế đối ngoại không những góp phần giải quyết việc làm mà còn tạo điều kiện thuận lợi nâng cao trình độ nghề nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện tiếp thu kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội theo mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế đối ngoại của Sở Ngoại vụ tỉnh Điện Biên (Trang 32 - 33)