Để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh trong trường hợp có rủi ro xảy ra Agribank chi nhánh Thị xã Hoàng Mai đã tuân thủ nghiêm ngặt quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 và 469/QĐ-HĐTV-XLRR ngày 30/03/2012, 450/QĐ-HĐTV-XLRR ngày 30/5/2014 Về việc Phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong hệ thống. Việc trích lập dự phòng tổn thất cho vay bao gồm: dự phòng chung và dự phòng cụ thể:
- Dự phòng chung được trích hàng quý và được xác định bằng 0,75% số dư cuối kỳ của các khoản tín dụng.
- Dự phòng cụ thể: Vào cuối mỗi quý dựa theo kết quả phân loại nợ và sau khi khấu trừ giá trị tài sản thế chấp, NHTM trích lập dự phòng cụ thể theo số dư các khoản tín dụng với tỷ lệ như sau: nhóm 1 – Nợ đủ tiêu chuẩn: 0%; nhóm 2 – Nợ cần chú ý: 5%; nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn: 20%; nhóm 4 – Nợ nghi ngờ: 50%; nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn: 100%
Việc trích lập dự phòng rủi ro định kỳ hàng quý tạo hành lang pháp lý cho ngân hàng tạo ra nguồn tài chính nhằm vào việc xử lý nợ xấu. Thực tế trong giai đoạn 2010 – 2014 tại Agribank chi nhánh Thị xã Hoàng Mai việc giải quyết nợ xấu bằng phương pháp này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giải pháp xử lý nợ xấu. Do vậy cần chú trọng hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả của giải pháp này bằng việc tăng cường trích lập và sử dụng hợp lý, kịp thời. Việc sử dụng quỹ dự phòng đối với các khoản nợ xấu theo thứ tự ưu tiên: những khoản nợ không có khả năng thu hồi, những khoản nợ có khả năng thu hồi thấp và những khoản nợ có khả năng thu hồi cao hơn. Ngân hàng có thế định ra một khoảng thời gian tối đa để xử lý nợ xấu bằng các phương pháp khác trước khi sử dụng quỹ dự phòng rủi ro.