4. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu
3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA
3.2.1. Giải pháp về kỹ thuật
Các giải pháp về kỹ thuật bao gồm việc xác định cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng, xác định lượng phân bón và bảo vệ thực vật... Muốn nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cần hiểu rõ về kỹ thuật để có biện pháp tác động phù hợp. Thế nhưng trên địa bàn xã người nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để sản xuất. Do đó việc tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân là thật sự cần thiết.
Về cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng: Đây là yếu tố quyết định đến năng suất và giá trị sản phẩm bởi mỗi giống lúa có một đặc tính khác nhau, cho năng suất khác nhau và chi phí giống cũng khác nhau. Qua thực tế điều tra chúng tôi nhận thấy trên địa bàn xã hiện nay vẫn sử dụng rất nhiều giống lúa cho sản xuất trong mỗi vụ, chính điều này đã làm cho chất lượng giống nhanh chóng bị thoái hoá bởi khi gieo trồng nhiều loại lúa trên những diện tích gần nhau sẽ dẫn đến việc giống bị lai tạo không còn thuần chủng nữa làm năng suất giảm rõ rệt. Hơn nữa do giá lúa giống ở trạm giống tương đối cao (thường cao gấp 2 lần giá lúa thường) do vậy nông hộ thường ít thay giống mới mà chủ yếu tự để giống cho các vụ sau. Một điều nữa là hiện nay nông hộ vẫn sử dụng một số giống lúa có năng suất tương đối cao như IR38 tuy nhiên khả năng chống chịu sâu bệnh kém, cần nhiều chi phí đầu tư. Còn giống lúa khác như Khang dân là giống lúa cho năng suất, chất lượng gạo kém, giá sản phẩm thấp nhưng nông hộ vẫn đưa vào sản xuất. Trong thời gian tới xã cần có biện pháp du nhập các giống mới khắc phục những hạn chế của các giống lúa trên. Tuy nhiên việc đưa giống mới về cũng cần xem xét nhiều yếu tố trong đó có yếu tố thị trường tiêu thụ. Trên thực tế hiện nay có nhiều nông hộ sử dụng một số giống lúa mới cho năng suất tương đối cao nhưng sản phẩm rất khó tiêu thụ .Cần có biện pháp
64
khuyến khích nông hộ mua giống cấp 1 đưa vào sản xuất và có chính sách hỗ trợ hợp lý về giá cả và tiêu thụ sản phẩm. Về thời vụ gieo trồng cần xác định đúng thời điểm gieo trồng để lúa trổ đúng thời vụ, thu hoạch đúng lúc tránh những ảnh hưởng xấu do điều kiện ngoại cảnh. Vụ Đông Xuân thời điểm thu hoạch vào khoảng từ ngày 10/05 đến ngày 25/05, vụ Hè Thu vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Để đảm bảo thời vụ thì chủ nhiệm HTX cần lên lịch mùa vụ cụ thể và quán triệt thực hiện trong các hộ nông dân.
Đối với phân bón: Chúng ta biết rằng đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, nếu biết sử dụng hợp lý thì độ phì của đất có thể tăng lên, như vậy việc bón phân không chỉ mục đích cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn mục đích cải tạo đất nếu ta sử dụng chúng lâu dài. Qua điều tra chúng tôi nhận thấy rằng mức độ đầu tư phân bón của nông hộ còn bất hợp lí. Các loại phân bón như đạm, Kali có ảnh hưởng rất lớn đối với năng suất lúa nhưng do giá các loại phân vô cơ trong thời gian qua tăng rất cao đã làm nông hộ giảm lượng phân bón. Thêm vào đó, do sự thiếu hiểu biết của nông hộ về tầm quan trọng của từng loại phân bón đã dẫn đến tình trạng bón phân không hợp lý làm làm cho hiệu quả kinh tế đạt được không cao. Trong thời gian tới xã cần có những buổi tập huấn kỹ thuật cho nông hộ, nâng cao trình độ kỹ thuật giúp nông hộ sản xuất có hiệu quả hơn. Riêng phân chuồng, phân xanh, ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho lúa, phân chuồng còn có tác dụng tăng kết cấu đất, cải tạo đất, tăng khả năng giữ ẩm cho đất, tuy nhiên lại không được các hộ sử dụng, xã cần có biện pháp khuyến khích nông dân tạo và sử dụng loại phân này, hạn chế các loại phân vô cơ. Như vậy việc tập huấn kỹ thuật đối với nông hộ rất có ý nghĩa trong việc sản xuất lúa. Xã cần tăng cường công tác khuyến nông bởi vì thông qua khuyến nông, việc tiếp cận các kỹ thuật cũng dễ dàng hơn. Thêm vào đó việc đào tạo các cán bộ kỹ thuật có trình độ cần được chú trọng hơn nữa, cần có người "làm mẫu" để dân làm theo.
Giải pháp về công tác bảo vệ thực vật: Qua điều tra chúng tôi thấy rằng phần lớn các hộ sử dụng giống lúa IR38 đều cho rằng việc chống sâu
bệnh đối với giống lúa này còn khó khăn. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật với chất lượng và giá cả khác nhau. Một số loại thuốc trừ cỏ có chất lượng giống nhau nhưng giá cả rất chênh lệch. Vì vậy trong thời gian tới chính quyền xã cần tìm hiểu về thông tin chất lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật và có biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nông hộ lựa chọn loại thuốc phù hợp diệt sâu hiệu quả mà gây hại ít nhất cho môi trường, hạn chế những tổn thất do thuốc bảo vệ kém chất lượng gây ra. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh giúp nông dân phản ứng kịp thời, tích cực diệt chuột bảo vệ đồng ruộng.
3.2.2. Giải pháp về đất đai
Vấn đề quy mô ruộng đất hiện nay của xã còn manh mún, phân tán gây khó khăn cho việc sản xuất của các nông hộ (khó khăn trong đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, tăng các khoản phụ phí, làm giảm hiệu quả sản xuất), 60% các hộ nông có nhu cầu được tập trung ruộng đất để đầu tư sản xuất. Do vậy xã cần xúc tiến thực hiện các giải pháp nhằm cho nông dân được tập trung ruộng đất trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng kết quả và hiệu quả đầu tư góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
3.2.3. Giải pháp về cơ sở hạ tầng
Giao thông: Không chỉ giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại mà còn giúp nông hộ rất nhiều trong việc vận chuyển tư liệu sản xuất cần thiết và vận chuyển sản phẩm trong mùa thu hoạch. Hiện nay giao thông trên địa bàn xã chủ yếu là đường đất chất lượng kém, chủ yếu là những con đường nhỏ, việc đi lại và vận chuyển của nông hộ bị hạn chế. Chi phí vận chuyển trên đồng ruộng khá cao do chỉ có thể vận chuyển bằng sức người là chủ yếu. Do đó cần xây dựng và nâng cấp các tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc và vận chuyển.
Thủy lợi: Hệ thống kênh mương trên đồng ruộng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong thời gian tới chính quyền cần có các chủ trương tổ chức xây dựng và nạo vét hệ thống kênh
66
mương nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu thuận lợi. Tiến tới bê tông hoá các tuyến mương nội đồng đảm bảo việc tưới và tiêu nước một cách đầy đủ nhất cho đồng ruộng.
3.2.4. Giải pháp về công tác khuyến nông
Công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa. Nó giúp nông dân hiểu biết về kỹ thuật canh tác từng loại giống, về các loại sâu hại và cách phòng trừ, cũng có thể giúp nông dân bao tiêu sản phẩm. Vì vậy đội ngũ cán bộ khuến nông cần nhận thức đúng và đủ vai trò, trách nhiệm của mình nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ.
3.2.5. Giải pháp về vốn
Trong những khó khăn mà nông hộ gặp phải thì khó khăn về vốn cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Thiếu vốn sản xuất làm cho lượng đầu tư không đảm bảo đáp ứng nhu cầu của cây trồng gây ảnh hưởng xấu đến kết quả và hiệu quả. Những biểu hiện của những khó khăn này là việc mua sắm máy móc, nông cụ của nông hộ rất hạn chế và việc phải mua chịu phân bón cho sản xuất. Hiện nay có rất nhiều nguồn vốn để nông hộ có thể vay. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn còn rườm rà trong khi họ hạn chế về giao tiếp, về kiến thức tín dụng ngân hàng, khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng này chưa cao do vậy việc vay vốn sản xuất của nông hộ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới chính quyền cần có các biện pháp nông dân tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn. Cần liên kết với hệ thống tín dụng tạo cơ hội cho nông dân. Các ngân hàng cũng cần có biện pháp đưa dịch vụ ngân hàng về với nông hộ vì đây cũng là nhóm khách hàng tiềm năng.
3.2.6. Giải pháp về thị trường tiêu thụ
Qua phân tích trên ta thấy rằng việc tiêu thụ sản phẩm của nông hộ trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Có đến một nửa số hộ được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn xã chưa có cơ sở thu mua lúa gạo lớn mà chủ yếu là những tư thương mua đi bán lại. Họ thường bị tư
thương ép giá khi trao đổi (là người chấp nhận giá) do sản phẩm bán ra của nông hộ phụ thuộc rất nhiều vào các tư thương này.
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này là do việc nắm bắt các thông tin thị trường của nông hộ rất hạn chế dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội. Hệ thống kênh tiêu thụ kém phát triển. Để giảm bớt những khó khăn này, nông hộ thường đầu tư lúa gạo cho chăn nuôi gia cầm hoặc lợn (rất ít hộ nuôi lợn), tuy nhiên thu nhập từ chăn nuôi của nông hộ cũng không cao.
Do vậy cần tìm các giải pháp giúp sản phẩm của nông dân đến với thị trường dễ dàng hơn. Các cấp chính quyền cần có biện pháp liên hệ với các cơ sở chế biến sản phẩm giúp người dân chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Cung cấp thường xuyên các thông tin về thị trường có liên quan cho nông dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Mặt khác, việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ là những giải pháp giúp phát triển sản xuất lúa trong tương lai.
3.2.7. Giải pháp về cải tiến công nghệ sau thu hoạch
Việc bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Sản phẩm được bảo quản tốt bao giờ cũng bán được giá hơn. Hầu hết các nông hộ vẫn thường làm khô lúa bằng các phương pháp thủ công truyền thống là đem phơi nắng đã làm chất lượng lúa giảm sút do lúa khô không đều và hư hỏng nhiều. Như trong vụ Hè Thu do thu hoạch vào mùa có mưa bão nên lúa không phơi được, có hộ có lúa thu hoạch nhưng cũng coi như mất trắng. Do đó, việc đưa được máy sấy về với các xã nông nghiệp nếu được thực hiện sẽ là một bước đột phá trong sản xuất và chế biến lúa trên địa bàn xã. Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì chi phí của việc sấy lúa cũng không cao, từ 70 đến 80 nghìn đồng/tấn, như vậy khả năng mà người dân sử dụng dịch vụ này nhiều là tương đối cao. Bởi ngoài việc tiết kiệm được thời gian phơi thì lúa sấy còn đảm bảo chất lượng hơn và cho giá bán cao hơn.
68
Bên cạnh đó, việc bảo quản lúa sau thu hoạch của các hộ còn nhiều hạn chế. Thông thường sau khi phơi khô, các hộ cho vào bao tải rồi cất vào một góc nhà hoặc cho vào rương hay sập để cất. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu của Việt Nam, độ ẩm không khí cao thì cách bảo quản như vậy sẽ không giữ được chất lượng lúa. Lúa bị “vô hơi”, đổi màu hoặc bị mọt. Do vậy cần tìm phương pháp bảo quản mới hoặc cải tiến phương pháp bảo quản nhằm đảm bảo giá trị lúa gạo. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thu mua nông sản trên địa bàn.
3.2.8. Một số giải pháp khác
Giải pháp về lao động: Lao động là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Đối với các hộ trong xã, việc sử dụng công lao động vào sản xuất lúa rất ít. Công chăm sóc, làm cỏ không đáng kể mà chủ yếu sử dụng các hóa chất. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải tạo đất và giảm lượng hóa chất sử dụng tên đồng ruộng thì cần tăng cường đầu tư công lao động, làm cỏ sục bùn... thì cây lúa mới cho năng suất cao. Nghĩa là tăng cường đầu tư tham canh bằng cách tăng sử dụng lao động.
Hiện nay, trên địa bàn xã có rất ít các ngành nghề khác để nông hộ có thể tham gia nhằm nâng cao thu nhập, do vậy, lao động tham gia hoạt động nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Qua điều tra thực tế cho thấy lao động nông nghiệp tại địa phương hoàn toàn "không nông nhàn", mặc dù không phải ngày mùa tuy nhiên hoạt động sản xuất vẫn diễn ra liên tục, hoàn toàn không có ngày nghỉ. Tuy nhiên giá trị tạo ra của lao động trong thời gian này rất thấp. Việc tạo ra các ngành nghề tại địa phương, hạn chế tính nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân là rất cần thiết và cần được tiến hành ngay để nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị hao phí lao động mà nông dân bỏ ra.
Giải pháp về chủ trương chính sách
Thời gian qua, các chính sách cho nông nghiệp ở địa phương không đáng kể và vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Chính sách dồn điền đổi thửa
đã được triển khai thực hiện nhưng kết quả mang lại chưa cao. Trong thời gian tới, địa phương và nhân dân phải phối hợp để thực hiện tốt công tác này, đảm bảo sản xuất lúa theo quy hoạch vùng tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư và bảo vệ.
Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân có thể khai hoang mở rộng diện tích canh tác ở những vùng có điều kiện phù hợp, khuyến khích nông dân tích cực đầu tư thâm canh bằng nhiều cách để nâng cao năng suất lúa. Đồng thời làm tốt công tác thông tin, dự báo giúp nông dân ổn định sản xuất.
Nâng cao kiến thức và thay đổi tập quán canh tác của nông hộ cũng là giải pháp tốt góp phần làm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa, cải thiện điều kiện sống cho người dân.
Hiện nay, các nông hộ sản xuất chủ yếu dựa vào kiến thức, kinh nghiệm của bản thân hoặc được truyền lại. Họ ít tuân theo các quy trình kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất lúa không cao. Mặc dù địa phương đã tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật nhưng đó mới chỉ là lý thuyết, chưa có mô hình thực tế nên rất khó khăn cho nông dân khi áp dụng vào thực tế sản xuất. Do đó cần tập huấn cho các nông dân qua các mô hình để nâng cao hiệu quả hoạt động. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để họ tự nâng cao hiểu biết, kiến thức, giúp họ tự nhận ra cái lợi để thực hiện một cách tự nguyện, thay đổi dần tập quán canh tác cũ kém hiệu quả. Nông dân cần phải biết vận dụng những kiến thức, kỹ thuật mới vào sản xuất nâng cao năng suất lúa.
Tóm lại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa cùng lúc nên để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, phải đặt chúng trong mối quan hệ tổng thể. Không thể tánh rời