Đối tượng nghiên cứu là bùn cặn lắng đọng và trầm tích trong sông Tô Lịch và hồ Tây.
Sông Tô Lịch dài 12 km, từ cống Bưởi đến đập Thanh Liệt, bao gồm dòng chảy chính với các cống xả nước thải và nước mưa lưu vực thoát nước S2 và S3 đổ vào và các hợp lưu của sông Lừ, sông Kim Ngưu. Thực hiện đề tài: Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật tổng hợp để BVMT nước sông nội đô TP. Hà Nội, mã số: 01C- 09/01-2016-3, thuộc Chương trình 01C-09 về TN&MT, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Xây dựng) đã lấy mẫu bùn lắng trên dòng chính sông Tô Lịch từ cống Bưởi đến Kim Giang tại 7 điểm: Cống Bưởi, cầu Dịch Vọng, cầu Giấy, cầu Cót, cầu Trung Hòa, cống Mọc và cầu Mới vào thời điểm mùa khô (tháng 3/2017).
Hồ Tây có diện tích mặt nước là 527,51 ha. Trầm tích hồ Tây là bùn lớp mặt và lớp đáy được Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lấy tại 30 điểm phân bố trong hồ vào tháng 1/2018. Để lấy lõi mẫu trầm tích ở các độ sâu khác nhau dùng thiết bị lấy mẫu theo độ sâu core piston.
Bùn cặn và trầm tích các sông hồ được lấy và bảo quản theo các phương pháp TCVN 6663 - 3:2000 - Chất lượng nước - Lấy mẫu. Phần 13: Hướng dẫn lấy mẫu bùn nước, bùn nước thải và bùn liên quan và TCVN 6663 - 15: 2004 - Chất lượng nước - Lấy mẫu. Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu bùn và trầm tích.
Phương pháp xác định giá trị các thông số chất lượng trầm tích As, Cd, Cr, Cu, Pb và Zn thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc gia sau:
- TCVN 6496:2009 - Chất lượng đất - Xác định crom, cadimi, coban, đồng, chì, mangan, niken, kẽm trong dịch chiết đất bằng cường thủy. Các phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa và không ngọn lửa.
- TCVN 8467:2010 (ISO 20280:2007) - Chất lượng đất - Xác định asen, antimon và selen trong dịch chiết đất cường thủy bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử theo kỹ thuật nhiệt điện hoặc tạo hydrua.
Các quy chuẩn kỹ thuật được dùng để đánh giá: - Đánh giá chất lượng trầm tích cho mục đích bảo vệ đời sống thủy sinh theo QCVN 43:2012/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích;
- Đánh giá mức độ nguy hại của bùn cặn và trầm tích theo 50:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải quá trình xử lý nước và QCVN 07: 2009/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại.
- Đánh giá khả năng tái sử dụng bùn trầm tích theo QCVN 03-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất.