Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp (nhân tố khách quan)

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lí tài sản tại Công ty cổ phần Khuôn mẫu chính xác và máy Computer Numeric Control (Trang 27 - 30)

1.3.2.1. Sự biến động của nền kinh tế

Đối với bất kì một quốc gia nào, môi trường xã hội và chính trị luôn có những tác động nhất định đến hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng tại quốc gia đó, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế nước khác hoặc nền kinh tế toàn cầu. Những sự kiện như chiến tranh, biến động chính trị hay hệ thống luật pháp trong và ngoài nước có thể tạo ra những thay đổi về môi trường kinh doanh, làm tăng thêm sự bất ổn định cho nền kinh tế. Các yếu tố trên có thể tác động làm cho nền kinh tế bị suy thoái, dẫn tới ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, doanh thu sụt giảm, chu kì kinh doanh kéo dài, ứ đọng vốn, người lao động bị cắt giảm tiền lương hoặc bị thất nghiệp... Những vấn đề nêu trên đều tác động rất lớn đến mọi mặt của quá trình sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, khiến họ không có nhiều vốn để đầu tư đổi mới vào tài sản, khiến cho hiệu quả quản lí tài sản bị giảm sút.

1.3.2.2. Các chính sách vĩ mô của Nhà nước

Các điều kiện kinh tế vĩ mô bao gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Chính phủ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của một nước. Các điều kiện về kinh tế do các chính sách này tác động sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành và các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Chính sách tài khóa như miễn giảm thuế có thể sẽ khuyến khích tiêu dùng, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ nhiều hơn và nhanh hơn, qua đó giảm

lượng hàng tồn kho, tốc độ luân chuyển vốn nhanh và ổn định, làm cho hiệu quả quản lí tài sản của doanh nghiệp cao hơn.

Chính sách tiền tệ cũng tạo ra những thay đổi kinh tế tương tự. Một chính sách tiền tệ thắt chặt với tốc độ cung tiền giảm sẽ làm giảm việc cung cấp vốn lưu động và sẽ hạn chế việc mở rộng sản xuất kinh doanh đối với tất cả các doanh nghiệp, qua đó làm giảm hiệu quả quản lí tài sản trong doanh nghiệp, ngoài ra có thể làm tăng lãi suất thị trường và do vậy chi phí vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng, doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư đổi mới, mua sắm tài sản... qua đó làm cho hiệu quả quản lí tài sản cũng bị tác động.

1.3.2.3. Sự phát triển của thị trường chứng khoán

Sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng là một trong những nhân tố khách quan có ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp. Thông thường, khi nền kinh tế phát triển tốt, thị trường chứng khoán sẽ đi lên, điều này làm cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến cổ phiếu của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát hành cổ phiếu để thu hút vốn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư vào tài sản, qua đó làm cho hiệu quả quản lí tài sản được nâng cao. Ngược lại, khi nền kinh tế sa sút, biểu hiện rõ rệt nhất là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, thì thị trường chứng khoán đi xuống. Điều này đồng nghĩa với tình trạng ảm đạm đối với cổ phiếu của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ gặp phải hạn chế trong việc thu hút vốn của các nhà đầu tư để phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh của mình.

1.3.2.4. Sự phát triển của khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư mua sắm máy móc hay tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp. Các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ luôn muốn tránh những hao mòn vô hình do lạc hậu về kĩ thuật, do đó sẽ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và thiết lập những kế hoạch, những dự án đầu tư tài sản theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Họ sẽ cân nhắc giữa chi phí bỏ ra để đổi mới tài sản và những lợi ích thu được do tài sản đó đem lại so với tài sản cũ đã lạc hậu và ít tính năng hơn. Khoa học công nghệ tiến bộ sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất ra

sản phẩm mà ít tiêu hao nguyên vật liệu hơn, tiết kiệm nhiên liệu, thời gian sản xuất nhanh chóng, qua đó làm tăng sản lượng và đẩy nhanh tốc độ luân chuyển, nhờ vậy mà hiệu quả quản lí tài sản cũng được tăng lên.

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ QUẢN LÍ TÀI SẢN TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN KHUÔN MẪU CHÍNH XÁC VÀ MÁY COMPUTER NUMERIC

CONTROL

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lí tài sản tại Công ty cổ phần Khuôn mẫu chính xác và máy Computer Numeric Control (Trang 27 - 30)