Việc tăng cường quản lí các khoản phải thu cũng là một giải pháp giúp Công ty nâng cao hiệu quả quản lí tài sản. Công ty có thể thành lập các tổ, nhóm làm nhiệm vụ thu hồi công nợ của khách hàng, đốc thúc khách hàng chậm trả nợ, đẩy nhanh tốc độ thu hồi vốn, làm cho quá trình luân chuyển vốn được nhanh hơn, qua đó làm cho tài sản lưu động của Công ty được quản lí có hiệu quả hơn.Để quản lý các khoản phải thu thực sự có hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của bộ phận kế toán – tài chính mà cần sự phối hợp của nhiều phòng ban khác trong Công ty.
Các tổ, nhóm làm nhiệm vụ thu hồi khoản phải thu sẽ bao gồm những nhân viên am hiểu về pháp luật, về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, những nhân viên có kinh nghiệm đàm phán và khả năng thuyết phục khách hàng...
Ngoài ra, Công ty có thể tiến hành phân loại các nhóm khách hàng để có thể thiết lập cho mình chính sách quản lí khoản phải thu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cập nhật và theo dõi lịch sử tín dụng của khách hàng cũng giúp giảm việc trì hoãn thanh toán. Công ty có thể nghiên cứu sử dụng hệ thống cho điểm tín dụng và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, để quyết định có nên cho khách hàng tiếp tục sử dụng tín dụng của mình hay không. Mặt khác, Ban Lãnh đạo Công ty có thể xem xét thay đổi mức độ bán chịu để kiểm soát khoản phải thu sao cho phù hợp với sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro của Công ty mình. Hạ thấp tiêu chuẩn bán chịu có thể kích thích được nhu cầu dẫn tới gia tăng doanh thu và lợi nhuận, nhưng vì bán chịu sẽ làm phát sinh khoản phải thu, và do bao giờ cũng có chi phí đi kèm theo khoản phải thu nên cần xem xét cẩn thận sự đánh đổi này. Do vậy, nghiên cứu kĩ từng nhóm đối tượng khách hàng cũng là một trong những giải pháp của quá trình quản lí khoản phải thu.
Bên cạnh đó, Công ty cũng cần chú trọng đến điều khoản bán chịu trong hợp đồng giao dịch với khách hàng. Đây là điều khoản xác định độ dài thời gian hay thời hạn bán chịu và tỷ lệ chiết khấu áp dụng nếu khách hàng trả sớm hơn thời gian bán chịu cho phép. Đối với nhóm khách hàng uy tín, làm ăn lâu dài với Công ty thì có thể cho
phép các điều khoản bán chịu được nới lỏng hơn, nhưng đối với những khách hàng mới hoặc những khách hàng có tiềm lực tài chính khó khăn thì điều khoản bán chịu cần thắt chặt hơn để đảm bảo có thể thu hồi được các khoản phải thu.
Một giải pháp khác có thể xem xét trong quá trình quản lí các khoản phải thu là Công ty có thể tiến hành sắp xếp độ tuổi của các khoản phải thu. Việc sắp xếp này sẽ giúp Công ty thuận tiện hơn trong việc quản lí khoản phải thu theo độ dài thời gian và giải quyết thu nợ khi đến hạn. Có thể mở số theo dõi chi tiết các khoản phải thu với từng đối tượng khách hàng khác nhau hoặc theo dõi qua phần mềm vi tính để quá trình thu hồi các khoản phải thu và chuyển các khoản phải thu thành tiền được rút ngắn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lí tài sản cho Công ty.