Tăng cường hiệu quả quản lí và sử dụng tài sản cố định

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lí tài sản tại Công ty cổ phần Khuôn mẫu chính xác và máy Computer Numeric Control (Trang 62 - 63)

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lí tài sản cố định, Công ty không những cần đầu tư, mua sắm, đổi mới trang thiết bị, dây truyền, công nghệ... mà còn cần tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thường xuyên hơn nhằm đảm bảo cho các tài sản cố định tại Công ty được vận hành tốt hơn và phát huy hết công suất.

Bên cạnh đó, khi có nhu cầu đầu tư đổi mới tài sản cố định thì Công ty cần thành lập các ban, nhóm hoặc hội đồng có chuyên môn về kĩ thuật và tài chính để có thể thẩm định xem liệu mua mới tài sản cố định có làm tăng hiệu quả quản lí tài sản cho Công ty hay không? Và tài sản cố định đó liệu có đáp ứng được những yêu cầu của quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty hay không? Những hội đồng thẩm định như vậy có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tài sản nói chung và hiệu quả quản lí tài sản nói riêng của Công ty.

Song song với việc thành lập nhóm thẩm định tài sản, Công ty nên lập lịch trình vận hành cụ thể cho từng loại máy móc, thiết bị, hệ thống dây truyền sản xuất... Việc lập kế hoạch cụ thể như vậy sẽ giúp cho quá trình quản lí tài sản được rõ ràng, rành mạch, có hệ thống và đạt hiệu quả cao hơn. Nó còn giúp cho người phụ trách máy móc thiết bị kịp thời phát hiện ra những sai sót hoặc hỏng hóc của thiết bị, nhờ đó nhanh chóng khắc phục để tài sản có thể vận hành đạt hiệu suất cao nhất và không gây gián đoạn đến các quá trình khác.

Công ty có thể nâng cao hiệu quả quản lí tài sản cố định bằng cách thiết lập các sổ theo dõi việc vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các tài sản cố định thông qua phần mềm máy tính. Việc làm này sẽ giúp cho quá trình quản lí nhanh chóng và thuận tiện hơn, đồng thời nhân viên quản lí tài sản cố định cũng kịp thời nắm bắt về tình hình tài sản cố định của Công ty. Bên cạnh đó, việc xem xét thuê trang thiết bị cũng là một cách giảm bớt chi phí bởi vì Công ty chỉ thuê khi cần sử dụng, hoặc Công ty không cần sử dụng thiết bị như vậy thường xuyên. Cách làm này tiết kiệm hơn so với việc Công ty bỏ vốn ra mua mới một tài sản cố định, vừa lãng phí chi phí mua sắm tài sản, vừa tốn chi phí lưu kho và bảo dưỡng tài sản trong khi nhu cầu sử dụng tài sản đó không thường xuyên.

Ngoài ra, Công ty có thể xem xét hoàn thiện việc mã hóa tài sản cố định hữu hình. Công ty nên xây dựng một hệ thống các nguyên tắc để mã hóa tài sản cố định đảm bảo tính gợi nhớ và ngắn gọn để theo dõi. Mỗi tài sản cố định có một mã số riêng không đổi trong suốt vòng đời của tài sản đó. Việc này sẽ giúp quá trình quản lí tài sản được dễ dàng và hiệu quả hơn, tránh nhầm lẫn trong khâu quản lí. Đồng thời, Công ty nên hoàn thiện việc mở Thẻ tài sản cố định và mở Sổ tài sản cố định bởi Thẻ tài sản cố định là một chứng từ quan trọng để làm căn cứ hạch toán và cũng là để đối chiếu kiểm tra trong quá trình theo dõi sự biến động của tài sản cố định. Bên cạnh đó, việc mở Sổ tài sản cố định sẽ giúp quản lí nguồn gốc, xuất xứ của tài sản cố định hữu hình, qua đó góp phần cung cấp thông tin về quá trình quản lí và sử dụng của từng tài sản cố định, từng loại tài sản cố định, bao gồm nguyên giá, tình hình trích khấu hao, số khấu hao lũy kế tính đến thời điểm giảm tài sản cố định, lý do giảm tài sản cố định, đồng thời tăng cường thực hiện chức trách nhiệm vật chất đối với các cá nhân, bộ phận liên quan trong việc quản lí tài sản cố định.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lí tài sản tại Công ty cổ phần Khuôn mẫu chính xác và máy Computer Numeric Control (Trang 62 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)