Nam đối với Ấn Độ
Sau hơn 10 năm đất nước thống nhất, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986.
Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Từ năm 2010 đến 2015, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi; giá trị gia tăng ngành công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 6,9%/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng. Khu vực nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, giá trị gia tăng tăng bình quân 3,0%/năm; độ che phủ rừng đạt khoảng 40,7% vào năm 2015. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, đóng góp của khoa học, công nghệ tăng; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm, cao hơn giai đoạn trước; vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 29%. Văn hóa, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện [43, tr.6]. Nền chính trị Việt Nam ngày càng đi vào ổn định, đặc biệt trên mặt trận ngoại giao, phát huy đường lối đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam tham gia hội nhập một cách tích cực vào đời sống khu vực và quốc tế, đã tham gia các tổ chức lớn trên thế giới (WTO, APEC, WB…). Năm 2008, Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vai trò vị thế của Việt Nam được đánh giá cao hơn bất cứ một thời điểm nào trong lịch sử phát triển. Đặc biệt, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào khu vực, trở thành một thành viên đầy đủ và tích cực của ASEAN. Những thành tựu về đối ngoại tiếp tục góp phần phát triển kinh tế xã hội, quảng bá
hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới các nước Á – Âu, đồng thời nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII xác định mục tiêu “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”[44; tr.20].
Mặc dù vậy, Việt Nam hiện nay vẫn thuộc hàng ngũ “nước nhỏ” trong quan hệ quốc tế, trình độ phát triển còn thấp, mức độ hội nhập quốc tế còn đang trong giai đoạn đầu, là đối tượng trong sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược đối ngoại linh hoạt, tận dụng ưu thế trong quan hệ đối ngoại với các nước lớn, trong đó có Ấn Độ.
Với vị thế là một nước lớn có tiếng nói quan trọng trong khu vực, là bạn bè truyền thống có mối liên hệ lịch sử văn hóa lâu dài, là một thị trường xuất khẩu lớn, Việt Nam luôn xác định phát triển quan hệ với Ấn Độ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Mặt khác, khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng, vấn đề Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, vị thế nước lớn và tiếng nói tương đồng của Ấn Độ là nhân tố góp phần đảm bảo an ninh chính trị trong tình hình mới.
Tiểu kết chương 1
Quan hệ chính trị, an ninh quốc phòng Ấn Độ - Việt Nam giai đoạn 2007 – 2016 diễn ra trong bối cảnh tác động bởi nhiều nhân tố khách quan lẫn chủ quan.
Trước hết, mối quan hệ này diễn ra trong bối cảnh quốc tế những thập niên đầu thế kỷ XXI có nhiều biến động. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ với tính hai mặt của nó tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, Khủng hoảng nợ công năm 2011, sự trỗi dậy của lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vấn đề Crime, cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, Sự kiện Brexit,… là những biến động to lớn và liên tục làm cho các nước lớn phải liên tục có đối sách để giải quyết. Bên cạnh đó, những vấn đề về bệnh tật, đói nghèo, môi trường … cũng đặt ra khá nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh chính sách đối ngoại, thắt chặt các mối quan hệ truyền thống đặt ra cấp thiết cho mỗi quốc gia, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam.
Bên cạnh đó, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam giai đoạn 2007 – 2016 diễn ra trong bối cảnh khu vực hết sức phức tạp. Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc và tham vọng bá quyền của nước này trên Biển Đông trỗi dậy sau khi nước này công bố yêu sách đường 9 đoạn năm 2009. Mỹ cũng thực hiện chính sách xoay trục và tái cân bằng lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương. Các nước lớn như Nhật Bản, Australia, Nga, … cũng đã có nhiều hành động mạnh mẽ hướng về khu vực Đông Nam Á. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tham vọng của Trung Quốc đặt khu vực Đông Nam Á đứng trước những thử thách lớn về chiến lược phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Mặt khác, quá trình phát triển mạnh mẽ của ASEAN trên mọi phương diện cũng thu hút sự quan tâm của các nước lớn. Bối cảnh khu vực đó vừa là cơ hội, thách thức cho mỗi nước, vừa là nhân tố thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.
Sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ sau cuộc cải cách năm 1991 đã thúc đẩy nước này có những bước đi mạnh mẽ hơn trong xác định vai trò nước lớn trong khu vực. Từ Chính sách hướng Đông (1992) đến Hành động hướng Đông (2014) là một bước phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ từ một cường quốc ôn hòa, can dự có mức độ trở
thành một cường quốc khu vực năng động, hành động thực tế trong khu vực. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, văn hóa xã hội, tiến về phía Đông tạo điều kiện cho Ấn Độ xác lập vai trò cường quốc khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung chưa bao giờ hết căng thẳng từ năm 1962. Mặt khác, những thành tựu của công cuộc đổi mới của Việt Nam và những vấn đề về chủ quyền trên biển Đông cũng thúc đẩy nước này thắt chặt quan hệ với các nước lớn, trong đó có Ấn Độ.
Từ truyền thống văn hóa, lịch sử có mối quan hệ từ lâu đời, mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được thử thách qua những năm tháng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, trải qua gần 45 năm chính thức thiết lập quan hệ đã tạo đà cho mối quan hệ này phát triển lên tầm cao mới.
Chương 2: