Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược. Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020, bao gồm các biện pháp: phát huy hiệu quả các cơ chế đã được thiết lập như Tiểu ban Hỗn hợp về thương mại, tăng cường hợp tác giữa các bang của Ấn Độ và các địa phương của Việt Nam, tăng cường trao đổi đoàn và hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, định kỳ tổ chức các hội chợ thương mại, các diễn đàn, sự kiện như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - CLMV.
Hai bên hoan nghênh việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITGA) và việc phê chuẩn các Hiệp định ASEAN -Ấn Độ về dịch vụ và đầu tư. Hai bên kêu gọi hợp tác chặt chẽ nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai Thủ tướng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp của hai bên khai thác cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như: Điện, khí, năng lượng tái tạo, hạ tầng, du lịch, dệt may, giầy, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, máy công cụ và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Hai bên khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia vào sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" để hưởng các ưu đãi từ sáng kiến này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các công ty Ấn Độ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên và khẳng định tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư Ấn Độ trên cơ sở pháp luật hiện hành của Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú II có công suất 1320MW tại Sóc Trăng của tập đoàn TATA sớm đạt được thỏa thuận về hợp đồng.