Đối với Việt Nam

Một phần của tài liệu QUAN hệ CHÍNH TRỊ, AN NINH QUỐC PHÒNG GIỮA ấn độ và VIỆT NAM từ năm 2007 đến năm 2016 (Trang 93 - 98)

2 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ về hợp tác kinh tế khoa học và kỹ thuật thành lập và tiến hành kỳ họp đầu tiên năm 198.

3.2.1. Đối với Việt Nam

Thứ nhất, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam góp phần tăng cường năng lực quốc phòng cho Việt Nam.

Những thành tựu trong hợp tác quốc phòng giúp cho Việt Nam bên cạnh bảo trì bảo dưỡng các trang thiết bị, vũ khí đã có có thể mua và vận hành các trang thiết bị hiện đại có nguồn gốc từ Nga thông qua Ấn Độ. Ấn Độ và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có đa số trang thiết bị quốc phòng nguồn gốc từ Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Về phía Ấn Độ, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, hơn 70% trang thiết bị vũ khí của Ấn Độ được viện trợ, mua bán hoặc sản xuất theo công nghệ được cung cấp từ Liên Xô – Nga. Về phía Việt Nam, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với sự viện trợ vũ khí từ Liên Xô, sau khi hòa bình lập lại, Liên Xô – Nga cũng là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam.

Quan hệ quốc phòng hai nước giai đoạn 2007 – 2016 đạt được nhiều kết quả thực chất, hợp tác có đi có lại nhưng vẫn nghiêng về việc Ấn Độ giúp đỡ Việt Nam. Từ năm 2005 đến năm 2010, Ấn Độ đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 150 tấn phụ tùng dùng cho tàu quân sự và các thiết khác trị giá 10,5 triệu USD, trong đó có thiết bị điện tử hàng không, hệ thống ra đa loại cải tiến và nhiều linh kiện chủ chốt sử dụng cho tàu và chiến hạm tên lửa do Liên Xô trước đây chế tạo. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam xây dựng một trạm thu hình ảnh vệ tinh cho hải quân trị giá 5 triệu USD. Ngoài ra, Ấn Độ tiếp tục trợ giúp kỹ thuật cho quốc phòng Việt Nam. Tháng 2/2011, không lực Ấn Độ đã tặng cho Bộ Tư lệnh Phòng quân, Không quân Việt Nam 20 máy tính để sử dụng điều hành. Việt Nam rất muốn mua của Ấn Độ tên lửa Prithvi (tầm bắn 250- 300 km) và tên lửa Brah Mos (chống tàu rất hiện đại, sản xuất chung với Nga, bay nhanh gấp đôi tốc độ âm thanh) nhưng do nhiều nguyên nhân cả về chiến lược và kỹ thuật nên đến nay vẫn đang trong quá trình đàm phán. Việt Nam cũng được cho là ký hợp đồng nhiều triệu USD để mua của Ấn Độ các tên lửa tầm bắn ngắn, ắc quy chuyên dụng, phim dùng cho không quân và lốp máy bay chiến đấu [85; tr.57]. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là điểm đầu tiên được đề cập đến trong Tuyên bố chung được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 10/2014, Ấn Độ tiếp tục khẳng định hợp tác về quốc phòng là một trong những những vấn đề quan trọng nhất giữa hai nước, sẵn sàng cung cấp bất cứ vũ khí quân sự

nào mà Việt Nam muốn. Quá trình đó được cụ thể hóa với các khoản viện trợ 100 triệu USD (9/2014) và 500 triệu USD (10/2014).

Trên cơ sở đó, hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong quá trình bảo dưỡng vũ khí cũ, mua bán vũ khí hiện đại, đào tạo nhân lực công nghệ cao – đặc biệt là hải quân cho biên đội tàu ngầm mới mua sắm từ Nga, phối hợp tập trận và trao đổi kinh nghiệm tác chiến các loại vũ khí có xuất xứ từ Liên Xô – Nga. Tàu tuần tra biển hai nước đã thực hiện tuần tra chung và hải quân hai bên đã tập trận chung từ năm 2007. Đầu năm 2010, Việt Nam cử đại diện tham gia diễn tập hải quân Milan - 2010 do Ấn Độ tổ chức về chống khủng bố tại các khu vực duyên hải và hải đảo. Bốn tàu Hải quân Ấn Độ, trong đó bao gồm tàu khu trục tàng hình INS Satpura và đội tàu tiếp nhiên liệu INS Shakti với khoảng 12,00 sĩ quan và thủy thủ, đã đến thăm Đà Nẵng từ ngày 06 đến ngày 10/06/2013 [65]. Lần đầu tiên, một tàu Việt tham gia vào cuộc Đánh giá Hải quân quốc tế (International Fleet Review – IFR) tại Vishakhapatnam, Ấn Độ, vào tháng 2/2016. Mục tiêu của việc hợp tác giữa hải quân hai nước là để duy trì trật tự trên biển và an toàn thương mại hàng hải khỏi các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố .v.v. Nhờ hợp tác với Việt Nam trên biển, Ấn Độ cũng muốn truyền đạt thông điệp đến các nước bạn bè khác của nó mà nó cam kết tiêu chuẩn toàn cầu và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae, từ năm 1992 đến tháng 3/2011, 165 cán bộ quốc phòng Việt Nam nhận được học bổng ITEC với chương trình đào tạo chủ yếu về an ninh và nghiên cứu chiến lược, quản lý quốc phòng, cơ khí hàng hải,v.v. và năm 2008, 02 sĩ quan cao cấp Ấn Độ sang Việt Nam học tại Học viện Quốc phòng và Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 2014, Ấn Độ cũng đã cung cấp 50 suất học bổng cho nhân viên quốc phòng Việt Nam theo Chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ. Dưới sự hợp tác chiến lược, Ấn Độ đã đào tạo 550 thủy thủ tàu ngầm Việt để vận hành 6 chiếc tàu ngầm diesel điện tấn công Kilo do Nga xây dựng trong suốt ba năm 2014 – 2017[64; tr.133].

Tóm lại, đúng như phát biểu của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukhejee trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2014, quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp hơn

hiện nay, trong đó an ninh – quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược. Thông qua hợp tác với Ấn Độ, năng lực quốc phòng Việt Nam tăng lên một bước đáng kể trong bối cảnh khu vực đang rất nhiều biến động.

Thứ hai, Ấn Độ thể hiện lập trường về biển Đông có lợi cho Việt Nam, thông qua hợp tác với Việt Nam để xác nhận sự hiện diện của Ấn Độ ở khu vực này.

Từ năm 2007, hàng loạt sự kiện đã đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam về vấn đề Biển Đông ngày càng căng thẳng. Tháng 5/2009, Trung Quốc bên cạnh từ chối tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã đệ trình bản đồ lên Liên hợp quốc phác thảo chủ quyền theo "đường chín đoạn". Từ tháng 1/2009 đến tháng 5/2010, Trung Quốc liên tục có nhiều động thái bành trướng để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế: bắt giữ ít nhất 36 tàu thuyền đánh cá Việt Nam, gây sức ép với các công ty dầu mỏ nước ngoài phải chấm dứt hoạt động thăm dò ở Biển Đông; tuyên bố thành lập chính quyền cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (2007); ban hành kế hoạch phát triển hậu cần nghề cá và các cơ sở du lịch trong quần đảo Hoàng Sa (2010), đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam (2013) ... Trong quá trình đó, Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông, xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân mới ở đảo Hải Nam, biến các đảo chìm thành đảo nổi và xây dựng các căn cứ quân sự trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, tiến hành tập trận…. đe dọa an ninh các nước trong khu vực và khẳng định chủ quyền ở vùng biển này. Bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục căng thẳng khi hai bên đưa ra cách thức giải quyết xung đột khác nhau. Bắc Kinh ủng hộ phương án tiếp cận đàm phán song phương với từng bên tranh chấp. Việt Nam từ chối mô hình đàm phán song phương này, thay vào đó một giải pháp đa phương với sự tham gia của các bên tranh chấp. Trong bối cảnh đó, mục tiêu chính của Việt Nam là khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, lôi kéo các nước lớn – trong đó có Ấn Độ, nhấn mạnh tất cả bên tranh chấp phải tuân thủ các nguyên tắc chung, thúc đẩy tính minh bạch, tôn trọng những quy định của pháp luật, không thực hiện hành động đơn phương và cam kết tự do hàng hải ở Biển Đông.

Lập trường của Ấn Độ được thể hiện nhất quán trong tất cả tuyên bố chung của các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, trong các diễn đàn khu vực là: Ấn Độ xem hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Ấn Độ kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế; các tranh chấp cân được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sừ dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Như vậy, cách tiếp cận từ góc độ tôn trọng tự do hàng hải, khẳng định lợi ích quốc gia và tôn trọng luật pháp quốc tế của Ấn Độ là những lập trường có lợi cho Việt Nam.

Khác với giai đoạn trước, trong giai đoạn này, Ấn Độ không chỉ tuyên bố lập trường mà còn khẳng định sự hiện diện bằng nhiều hoạt động như đẩy mạnh khai thác dầu khí, tăng cường năng lực quốc phòng, tổ chức tập trận, phối hợp tuần tra, thăm viếng hàng hải… Sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông thông qua hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước mà còn góp phần ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở vùng biển này.

Ấn Độ thúc đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của hải quân Ấn Độ tại Biển Đông để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Việt Nam cũng có nhu cầu thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ để góp phần thực hiện chính sách cân bằng nước lớn, nâng cao năng lực quốc phòng và tăng cường xu thế đa phương hóa trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo các Báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, từ năm 2000 đến năm 2016, các tàu quân sự của Ấn Độ tăng cường hiện diện tại vùng biển Việt Nam và ghé thăm đều đặn các cảng của Việt Nam.

Thứ ba, sự phát triển của quan hệ chính trị, an ninh quốc phòng Ấn Độ - Việt Nam tạo động lực cho nền kinh tế, văn hóa xã hội Việt Nam phát triển, hội nhập sâu rộng hơn vào thế giới.

Có thể thấy, quan hệ chính trị, quốc phòng an ninh Ấn Độ - Việt Nam có tác động lớn đến quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam, góp phần to lớn vào đảm bảo an ninh quốc gia, duy trì hòa bình và an ninh khu vực, đặc biệt là kiềm chế tham vọng của Trung quốc ở Biển Đông.

Một phần của tài liệu QUAN hệ CHÍNH TRỊ, AN NINH QUỐC PHÒNG GIỮA ấn độ và VIỆT NAM từ năm 2007 đến năm 2016 (Trang 93 - 98)