năm 2002 đến năm 2016
ASEAN nằm ở khu vực rất năng động trên thế giới và có tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức cao, đạt 4,9% năm 2016. Triển vọng tăng trưởng cao cùng với quy mô thị trường lớn tiếp tục khiến ASEAN trở thành một địa điểm thương mại và đầu tư hấp dẫn. Tổng kim ngạch thương mại của ASEAN đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2014.
Liên tiếp trong nhiều thập kỷ vừa qua, nền kinh tế của các nước ASEAN đã giữ vững đà tăng trưởng, tạo ra lực phát triển mới và được đánh giá là một trong những thị trường năng động, phát triển bậc nhất thế giới. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, trước những tác động của nền kinh tế thế giới, kinh tế ASEAN cũng bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên vẫn giữ vững được sự tăng trưởng, tiếp tục ổn định an ninh, chính trị và là điểm đến của các nhà đầu tư.
Trong vòng nhiều thập kỷ qua, nhiều nền kinh tế của các nước ASEAN đã phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu, kéo theo sự thay đổi lớn về nhân khẩu học cũng như làm gia tăng tầng lớp trung lưu giàu có ở khu vực này. Mặc dù thời gian gần đây có những biến động về giá dầu mỏ, nhiều nền kinh tế lớn phát triển chậm lại gây ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế các nước ASEAN, song tăng trưởng vẫn là xu thế chủ đạo của nền kinh tế các nước ASEAN trong những năm đầu thế kỷ XXI. Đối với các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm sự tăng trưởng, khu vực ASEAN vẫn là điểm đến tin cậy để có thể mang về những lợi nhuận cho các doanh nghiệp của mình.
Việc nắm được các mục tiêu của ASEAN, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này trong tình hình mới là một bước đi hợp lý và thiết thực đối với các doanh nghiệp. Khu vực này có dân số khoảng 630 triệu người và là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực châu Á (theo chuyên gia kinh tế Anna Marrs, Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Bank khu vực Đông Nam Á và Nam Á). Các
nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN, v.v. … Cho đến nay, ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0-5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu và vào 2015 với 4 nước thành viên mới, hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa. Để hỗ trợ tự do hoá thương mại, ASEAN đang nỗ lực đưa vào hoạt động Cơ chế hải quan 1 cửa ASEAN (ASEAN Single Window-ASW) và các quy định về áp dụng chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá có nguồn gốc từ ASEAN để đủ điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế quan, trong đó ASEAN đang nghiên cứu tiến tới việc cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, cùng với việc hài hoà hoá các quy định về hợp chuẩn hàng hoá v.v.
Về tự do hoá dịch vụ, ASEAN đã hoàn tất Gói 9 cam kết dịch vụ theo Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) trong năm 2013, tạo thuận lợi cho việc luân chuyển dịch vụ trong khu vực. Tới nay, các cam kết về tự do hoá dịch vụ trong ASEAN đã bao trùm nhiều lĩnh vực như dịch vụ kinh doanh, dịch vụ chuyên nghiệp, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, vận tải biển, viễn thông và du lịch. Có 4 gói cam kết về dịch vụ tài chính và 6 gói cam kết về vận tải hàng không đã được ký kết. Các thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước thành viên ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp v.v. là một công cụ quan trọng giúp tự do hoá lưu chuyển các dịch vụ chuyên nghiệp trong ASEAN. Tới nay, các nước ASEAN đã ký các thoả thuận công nhận lẫn
nhau đối với các tiêu chuẩn, kỹ năng các ngành dịch vụ cơ khí, y tá, kiến trúc, kế toán và du lịch.
Trong khuôn khổ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), ASEAN hướng tới hình thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn ở khu vực, với cơ chế đầu tư thông thoáng và mở, bao gồm tự do hoá đầu tư trên các lĩnh vực chính như sản xuất - chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng và các dịch vụ phụ trợ cho các ngành này. Danh mục các lĩnh vực mở cửa cho đầu tư còn được tiếp tục bổ sung trong thời gian tới. Các nỗ lực tự do hoá đầu tư của ASEAN không chỉ giúp tạo dựng và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với khu vực ASEAN, mà còn góp phần thúc đẩy đầu tư nội khối cũng như đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực.
Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, năng lượng, phát triển thương mại điện tử v.v. Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về Phát triển Kinh tế Đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ các nước thành viên mới, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các thoả thuận liên kết kinh tế ở khu vực Đông Á, với 6 Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do (FTAs) đã được ký với các Đối tác quan trọng là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôx-trây-lia và Niu Di-lân, và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) hướng đến hình thành một không gian kinh tế mở toàn Đông Á vào năm 2015, với GDP chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu và quy mô thị trường chiếm ½ dân số thế giới.
trước những diễn biến của kinh tế thế giới do kinh tế của các nước và khu vực như Mỹ, EU và Trung Quốc phát triển chậm lại thì tổng thương mại nội khối sẽ vẫn duy trì đà phát triển tốt và chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị thương mại của khối này. Điều này có nghĩa là khu vực ASEAN với sức mua đang tăng vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Chính sách đối ngoại của ASEAN
Trước hết là ASEAN tiếp tục mở rộng và củng cố quan hệ đối thoại chiến lược với các đối tác bên ngoài, nhất là với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU và Nga. Điểm đáng chú ý là từ cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI, ASEAN đã cải thiện và mở rộng quan hệ đối thoại chiến lược với Mỹ. Cùng với đó, ASEAN cũng chú trọng làm sâu sắc quan hệ hơn với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Cùng với những định chế đã thiết lập từ hồi Chiến tranh lạnh và trong thập niên 90 của thế kỷ XX (như “Tuyên bố về sự Hòa hợp ASEAN”, “Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á” (TAC), “Diễn đàn Khu vực” (ARF), “Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí Hạt nhân” (SEANWFZ), từ 2005, ASEAN đã chủ động tổ chức "Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á" (EAS). Đến năm 2010, tham gia vào EAS ngoài 10 nước ASEAN còn có 6 đối tác bên ngoài là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand.
Bước tiếp, ASEAN vào năm 2010 đã tạo ra cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +). Lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 18 Bộ trưởng Quốc phòng các nước (gồm của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand) ngồi lại bàn thảo về hợp tác quốc phòng an ninh.
Cùng với tiến trình trên, ASEAN thông qua ARF đẩy mạnh việc chuyển giai đoạn từ xây dựng lòng tin sang ngoại giao phòng ngừa trong giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên. Từ Hội nghị ARF lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội
năm 2010, ASEAN đã mạnh dạn đưa các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp biển Đông ra bàn luận và tiếp theo từ năm 2011 trở đi, vấn đề này được liên tục được nhắc đến tại các hội nghị tiếp theo của ASEAN và đã thông qua được nhiều văn kiện khá quan trọng như "Bản hướng dẫn DOC" (2011), "Tài liệu Quan điểm của ASEAN về các thành tố cần có của COC" (2012), "Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông" (2012), "Tuyên bố 10 năm DOC" (2013), "Tuyên bố của Bộ trưởng các nước ASEAN về Biển Đông" (2014)...
Cùng với đó, ASEAN đang thực hiện tương đối có hiệu quả nhiều cam kết ghi trong Hiến chương ASEAN và trong Kế hoạch tổng thể APSC, trong đó có việc việc lập nên Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN và Tuyên bố Nhân Quyền ASEAN.
Hiện nay, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cặp Mỹ - Trung, sau đó là Trung - Nhật đang làm cho các mâu thuẫn, xung đột địa - chính trị của khu vực tăng nhanh, nhất là ở những khu vực nhạy cảm như ở Biển Đông, hay Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công v.v.. Kéo theo nó là làm tăng chạy đua vũ trang. Xu hướng trên không chỉ làm cho nhiều nước ASEAN phải tăng chi phí quốc phòng, làm ảnh hưởng đến phát triển và hội nhập kinh tế, mà còn tạo điều kiện cho các nước can thiệp nhiều hơn vào khu vực, gia tăng liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng có lợi cho họ nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị của mình. Điều này đã và đang tác động mạnh mẽ đến tính tương đối độc lập và trung lập của ASEAN trong quan hệ với các nước lớn, cụ thể là đến chiến lược cân bằng ảnh hưởng mà ASEAN đang theo đuổi.