Triển vọng trong hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh giữa Ấn Độ và ASEAN

Một phần của tài liệu QUAN hệ CHÍNH TRỊ, AN NINH GIỮA CỘNG hòa ấn độ với HIỆP hội các nước ĐÔNG NAM á (ASEAN) từ 2002 đến 2016 (Trang 99 - 104)

Độ và ASEAN

3.3.1. Thuận lợi

Sự xích lại gần nhau về mặt chính trị, tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa Ấn Độ và ASEAN phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. ASEAN không muốn phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ một nước lớn nào và mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vớ tất cả các nước lớn dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Ấn Độ đang vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, tăng cường phát huy ảnh hưởng với bên ngoài trước hết là khu vực Nam Á và Đông Nam Á và trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bởi vậy, hợp tác chính trị, an ninh giữa Ấn

Độ và ASEAN trong tương lai sẽ ngày càng tăng.

Hòa bình, ổn định là nguyện vọng chung và đối thoại, hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa các quốc gia. Đồng thời, trong bối cảnh các thách thức về an ninh cả truyền thống lẫn phi truyền thống đang ngày càng gia tăng, các nước Đông Nam Á cần nâng cao hơn nữa hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức này. Với nhận thức chung như vậy, trên cơ sở các mối liên hệ lịch sử, văn hóa truyền thống giữa ASEAN và Ấn Độ, quan hệ chính trị, an ninh giữa ASEAN và Ấn Độ sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Với hệ thống cảng biển, eo biển và đường hàng hải thuận tiện nhất từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, Đông Nam Á trở thành cầu nối giữa hai châu lục Âu - Á, với Tây Nam Á, Trung Cận Đông, Bắc Phi, Đông Bắc Á và Bắc Mỹ. Vị trí địa chiến lược quan trọng cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú khiến Đông Nam Á sớm trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều cường quốc trên thế giới. Với vị trí địa- chính trị đặc biệt, án ngữ tuyến đường biển nối liền các khu vực có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự lớn như Đông Bắc Á, Trung Đông, Australia và một số quốc gia thuộc châu Á -Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á đóng vai trò thiết yếu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.

Với lực hút hấp dẫn như vậy nên trong chiến lược hướng tới châu Á- Thái Bình Dương, Mỹ và Trung Quốc đều chọn Đông Nam Á làm mục tiêu trọng điểm. Nga và Ấn Độ cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc thiết lập vai trò và vị thế tại Đông Nam Á. Riêng đối với Ấn Độ, Đông Nam Á là một khu vực có vai trò rất quan trọng cả về mặt chiến lược lẫn sách lược.

Về an ninh, chính trị: Đông Nam Á được coi là bàn đạp cho mục tiêu trở thành cường quốc khu vực của nhiều quốc gia có thực lực trong đó có Ấn Độ; đồng thời các nước này coi quan hệ với ASEAN là khâu đột phá mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới. An

ninh quốc gia của Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước khác phụ thuộc rất lớn vào sự an toàn trên các tuyến đường biển quốc tế đi qua lãnh hải của các nước Đông Nam Á. Không chỉ đảm nhận vai trò vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống và sản xuất của người dân, sự an toàn của các tuyến đường biển ở Đông Nam Á còn góp phần bảo đảm an ninh hàng hải mang tính chiến lược của các quốc gia, khu vực có lợi ích tại đây.

Thương mại trên biển của Ấn Độ gắn trực tiếp với những eo biển nằm ở khu vực Đông Nam Á như Sunđa, Lombo, đặc biệt là eo biển Malăcca, nơi có lượng tàu thuyền qua lại mỗi năm gần gấp đôi lượng tàu thuyền qua kênh đào Xuyê và gần gấp ba lần kênh đào Panama. Chú trọng quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Á sẽ giúp Ấn Độ bảo vệ các hoạt động thương mại trên biển, chống lại nạn cướp biển, buôn lậu ma túy tại khu vực Tam giác vàng những nỗ lực của Ấn Độ trong việc hỗ trợ xây dựng năng lực cho các lực lượng hải quân và cảnh sát biển của các nước Đông Nam Á sẽ tạo thế cân bằng quyền lực nhất định ở Biển Đông, giúp giữ vững ổn định trong khu vực. Giống như nhiều nước, Ấn Độ cũng phụ thuộc nhiều vào tuyến đường biển huyết mạch Biển Đông, do đó nền hòa bình tại vùng biển này là một trong những lợi ích chiến lược rất quan trọng của Ấn Độ. Khu vực Đông Nam Á thực sự là nơi Ấn Độ có thể tìm kiếm vai trò chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế và quân sự, trở thành một cường quốc khu vực và trên thế giới.

Ấn Độ là một trong những thị trường vũ khí lớn hàng đầu thế giới. Niu Đêli cũng sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng tương đối phát triển. Hợp tác mua bán vũ khí với Ấn Độ trước hết sẽ giúp ASEAN đa dạng hoá danh mục nhập khẩu vũ khí, tránh phụ thuộc quá nhiều vào những nước lớn như Nga, Mỹ. Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm phát triển lực lượng quân đội mà ASEAN có thể học hỏi được. Đầu tiên là khả năng tích hợp đa dạng nhiều loại thiết bị, vũ khí có nguồn gốc khác nhau vào cùng một nền tảng thiết kế, huấn luyện cũng như

chỉ huy và kiểm soát. Ấn Độ sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng mạnh và họ có khả năng tự đóng tàu chiến, máy bay chiến đấu hay tàu ngầm sử dụng các bộ phận linh kiện từ nhiều nguồn khác nhau (Nga, Isarel, châu Âu, Mỹ…). Quân đội Ấn Độ cũng đã có kinh nghiệm sử dụng hỗn hợp nhiều loại vũ khí có nền tảng vận hành và bảo dưỡng hoàn toàn khác biệt.

ASEAN đã thành lập Cộng đồng chính trị, an ninh với mục tiêu là đưa hợp tác chính trị, an ninh trong nội khối và giữa ASEAN với bên ngoài ngày càng phát triển hơn, thực chất hơn, để có thể đối phó có hiệu quả với những thách thức an ninh ngày càng tăng đối với Đông Nam Á. Trong lịch sử 50 năm của ASEAN, về chính trị - an ninh, các nước trong tổ chức này mới thiết lập được các bước đi đầu tiên của sự hợp tác. Đó là hợp tác về chính trị, chia xẻ các chuẩn mực ứng xử, ngăn ngừa xung đột (trong chừng mực nhất định). Còn việc giải quyết xung đột, kiến tạo hòa bình sau xung đột thì ASEAN chưa làm được. Đây là nhiệm vụ đặt ra của Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó, không chỉ đòi hỏi từ phía các nước ASEAN mà cả với với các đối tác bên ngoài. Do đó trong tương lai, hợp tác với các nước ngoài Đông Nam Á, trước hết là các nước lớn, trong đó có Ấn Độ ngày càng cấp thiết hơn. Bởi vì, với đặc điểm của Đông Nam Á, bản thân các nước trong khu vực không thể tự mình giải quyết những vấn đề an ninh của mình

Về mặt địa - chính trị, kinh tế Ấn Độ và các nước ASEAN phụ thuộc rất nhiều vào biển. Vị trí địa chiến lược đặt lên họ trách nhiệm phải bảo vệ tuyến đường hàng hải quốc tế Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm cả biển Đông. Tháng 2/ 2004, Yashwant Sinha-nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã gộp biển Đông vào vùng láng giềng mở rộng của Ấn Độ. Chiến lược quân sự trên biển của Ấn Độ năm 2007 đã mô tả biển Đông là vùng lợi ích chiến lược đối với Ấn Độ. Niu Đêli là một bên liên quan trong những phát triển an ninh đang tiến triển ở Đông Nam Á, bởi vậy, thôi thúc Ấn Độ và ASEAN phải tiến

hành đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực chính trị - an ninh.

Cả Ấn Độ và ASEAN đều là những quốc gia đang phát triển và đang chịu nhiều thiệt thòi trong một trật tự thế giới với vai trò bá chủ của Mĩ và phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh mới. Do đó, hai bên đều có nhu cầu hợp tác để tạo dựng môi trường thuận lợi cho xây dựng và phát triển đất nước.

Ấn Độ và ASEAN đều có những tương đồng về lợi ích an ninh - chính trị, đó là lợi thế to lớn cho triển vọng của Ấn Độ trong hợp tác khu vực. Giữa Ấn Độ và ASEAN đều có một mục tiêu đấu tranh cho trật tự kinh tế thế giới công bằng hơn. Thực tế, trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa hay các vấn đề như môi trường, nhân quyền, tiêu chuẩn lao động… Ấn Độ và ASEAN đều có cùng quan điểm nhằm ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Những vấn đề an ninh phi truyền thống một mặt là thách thức trong quan hệ chính trị - an ninh giữa Ấn Độ với ASEAN, mặt khác, đây chính là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, khủng bố, cướp biển.

Có thể nói, khu vực Đông Nam Á có mối quan hệ mật thiết với Ấn Độ về truyền thống quan hệ tốt đẹp, vị trí chiến lược quan trọng, lợi ích an ninh - chính trị. Quan hệ hợp tác chính trị - an ninh giữa Ấn Độ với ASEAN đã tăng cường vị thế và sức mạnh cho cả hai bên.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức trong quá trình hợp tác thì cả Ấn Độ và ASEAN đều tìm thấy thế mạnh và biết khai thác những tiềm năng của nhau nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình hợp tác chính trị - an ninh giữa Ấn Độ với ASEAN.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ấn Độ như “một con sư tử đang chuyển mình”, đang phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực, có vai trò chi phối thế giới nên việc tăng cường quan hệ toàn diện với các nước

ASEAN là một ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó, quan hệ toàn diện với Ấn Độ cũng là một trọng điểm của các nước ASEAN.

Hiện nay, trong bối cảnh khu vực và quốc tế tồn tại những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống cần có sự chung tay giải quyết của nhiều quốc gia, Bởi vậy, quan hệ chính trị, an ninh Ấn Độ và ASEAN sẽ ngày càng phát triển lên một tầm cao mới.

Một phần của tài liệu QUAN hệ CHÍNH TRỊ, AN NINH GIỮA CỘNG hòa ấn độ với HIỆP hội các nước ĐÔNG NAM á (ASEAN) từ 2002 đến 2016 (Trang 99 - 104)