Mặc dù thi hành chính sách hòa bình trung lập, không liên kết nhưng xu hướng coi trọng phương Đông và gắn vận mệnh của Ấn Độ với khu vực này đã được hình thành ở Ấn Độ khá sớm. Nhà tư tưởng vĩ đại của Ấn Độ Rabindranath Tagore và Nêru - nhà tư tưởng cũng là người sáng lập nên nước Cộng hòa Ấn Độ, cách đây hơn 70 năm, khi còn ở trong nhà tù của đế quốc Anh cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với vai trò của Ấn Độ ở khu vực này “Thái Bình Dương chắc chắn thay thế Đại Tây Dương như một trung tâm đầu não thế giới, tuy không phải là một quốc gia trực tiếp ở châu Á - Thái Bình Dương nhưng Ấn Độ không thể không đóng vai trò quan trọng ở đó” [28, tr.232].
Điều này góp phần lý giải tại sao, ngay khi mới giành độc lập, Ấn Độ đã ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các quốc gia Đông Nam Á. Những hoạt
động tích cực của Ấn Độ đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập, sự ổn định an ninh của khu vực này, điển hình như việc Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Mianma về chính trị cũng như quân sự trong những năm mới thoát khỏi ách thuộc địa của thực dân Anh, đáng chú ý nhất là việc Ấn Độ đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị đoàn kết nhân dân Á - Phi tại Băng Đung (Inđônêxia) với sự tham gia của 29 nước của lục địa Á, Phi, nhằm đoàn kết, tập hợp các lực lượng tiến bộ của khu vực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc dưới mọi hình thức cũ và mới.
Vào những năm 80, Trung Quốc đã hướng tới Đông Nam Á với những tham vọng lớn: Nỗ lực lôi kéo các nước ASEAN vào một mặt trận chống lại cái mà Trung Quốc gọi là “Chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô”, gây sức ép buộc các nước ASEAN hạn chế quan hệ với chính quyền Đài Loan…Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cho rằng chỉ khi họ hạn chế được sức mạnh của Trung Quốc ở Đông Nam Á thì vai trò số một của họ ở khu vực Đông Nam Á mới được đảm bảo [26, tr.13]. Đứng trước bối cảnh đó, Ấn Độ nhận thấy cần hạn chế sự có mặt của Trung Quốc ở Đông Nam Á, bảo vệ quyền lợi của mình bằng một loạt các biện pháp: năm 1980, công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Cămpuchia, với sự kiện này Ấn Độ là nước đầu tiên không nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia [14, tr.73]. Quyết định này của Ấn Độ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á.
Sau Chiến tranh lạnh, xu thế quốc tế chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hòa dịu các mâu thuẫn, tạo môi trường hòa bình, ổn định khu vực, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa về an ninh Ấn Độ và ASEAN. Đó là tình trạng bất ổn ở khu vực Nam Á, mối đe dọa nguy cơ khủng bố, sự mất ổn định về chính trị, hoạt động của các nhóm ly khai, những hoạt động ngày càng tinh vi của cướp
biển, nạn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự tăng cường sức mạnh quân sự ở các cường quốc tại Đông Nam Á đe dọa tới an ninh Ấn Độ.
Khi triển khai chính sách với ASEAN, Ấn Độ rất coi trọng ARF. Ấn Độ thể hiện vai trò tích cực trong việc kêu gọi chống chủ nghĩa khủng bố, tiến tới kí kết những tuyên bố, những văn kiện chung với các nước ASEAN, chống lại chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ an ninh giữa các quốc gia. ARF là diễn đàn chung nhất về hợp tác an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự đồng thuận và đối thoại của ARF là nguyên tắc cho các cuộc thảo luận. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Băng Cốc vào tháng 12/1995, đã quyết định công nhận Ấn Độ là nước đối thoại đầy đủ, nâng sự hợp tác về an ninh giữa ASEAN và Ấn Độ lên một tầm cao mới. Đến năm 1996, Ấn Độ được mời tham gia ARF. Việc tham gia vào ARF cho thấy ASEAN đã thừa nhận vai trò, vị trí của Ấn Độ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1997, lần đầu tiên Ấn Độ tham dự Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ tư của ARF (SOM), được tổ chức tại Langkawi (Malaysia). Kể từ đó, Ấn Độ tham gia thường xuyên vào các Hội nghị của ARF. Các Hội nghị của ARF tập trung vào các hoạt động liên quan đến những biện pháp xây dựng lòng hợp tác trên biển và huấn luyện cho các hoạt động giữ gìn hòa bình. Sự tham gia của Ấn Độ trong ARF đã chứng tỏ cam kết ngày càng tăng của Niu Đêli ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trên lĩnh vực an ninh, nhấn mạnh mục tiêu về việc duy trì sự ổn định hòa bình khu vực. Ngược lại, ASEAN cũng đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong ARF.
Trong vấn đề biên giới, Ấn Độ có chung biên giới trên biển với Mianma, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và chung biên giới trên bộ với Mianma, có thể nói, căng thẳng hay ổn định ở bất kì nước nào trong các nước này đều ảnh hưởng đến an ninh của Ấn Độ. Năm 1997, trong phát biểu nhân kỉ niệm 30 năm thành lập ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ I. K. Guijal đã khẳng định: “Ấn Độ có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển với các thành viên ASEAN dài hàng trăm km là bạn đối thoại đầy đủ và là thành viên của ARF, Ấn Độ hiểu và
chia sẻ nguyện vọng với những mối quan tâm của ASEAN” [28, tr.257]. Sự ổn định ở khu vực sẽ tạo điều kiện cho cả Ấn Độ và ASEAN tập trung phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực.
Rõ ràng với vị trí địa lý có ý nghĩa chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc cùng nhau chia sẻ lợi ích trên biển và có những mối quan hệ hợp tác an ninh chung đã khiến sự phát triển trong quan hệ hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và ASEAN trở thành tất yếu. Đối với Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á là miếng đệm giữa Ấn Độ và những cường quốc lớn nhưng nó cũng rất có thể là nơi tiềm ẩn những hiểm họa đe dọa an ninh đối với Ấn Độ. Còn đối với ASEAN, trong bối cảnh một số cường quốc thể hiện tham vọng tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á, thì Ấn Độ được nhìn nhận như một nhân tố có thể duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực này.
Trong hợp tác an ninh quốc phòng, do tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp đồng thời để đảm bảo vai trò của mình, Ấn Độ đã tìm mọi cách hiện đại hóa lực lượng vũ trang và trở thành một nước có tiềm lực về quốc phòng hùng mạnh. Cùng với hải quân, không quân Ấn Độ cũng là một trong những lực lượng hàng đầu thế giới với nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại.
ASEAN đã có sự hợp tác chặt chẽ về quốc phòng với Ấn Độ. Ấn Độ nhận cung cấp những trang thiết bị quân sự quan trọng, đào tạo chuyên gia quân sự cho một số nước Đông Nam Á. Ngay từ năm 1991, Ấn Độ đã duy trì các cuộc tập trận hải quân chung với hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á, Ấn Độ cũng tổ chức giúp đỡ huấn luyện quân sự cho Malaixia và Xingapo.
Trước nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, những hoạt động buôn bán ma túy quốc tế… Ấn Độ cùng ASEAN có những hành động chung trong việc phối hợp chống lại các hoạt động của các tổ chức tội phạm này. Ấn Độ cùng với các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác chống buôn lậu ma túy, quản lý biên giới, thành lập nhóm công tác chung về an ninh. Cụ thể,
Ấn Độ đã nhiều lần chủ động đề nghị các nước ASEAN tiến hành tập trận chung, tháng 2/1993, Ấn Độ cùng với Thái Lan tiến hành tập trận chung, ngoài ra, Ấn Độ và Inđônêxia cũng có dự định hợp tác trong ngành hàng không vũ trụ nhằm phối hợp nghiên cứu vũ trụ, phục vụ an ninh xã hội [28, tr.259].
Hợp tác quân sự của Ấn Độ với Xingapo bắt đầu từ những năm 1993, đến 1994, Xingapo đề nghị Ấn Độ kí một Hiệp định về đào tạo hải quân và một số lĩnh vực quốc phòng khác. Hiệp định này đã được hiện thực hóa vào năm 1998, quan trọng hơn hai bên đã có những cuộc tập trận chung chống tàu ngầm ngay từ năm 1996.
Thái Lan cũng có những động thái tổ chức những cuộc tập trận chung với hải quân Ấn Độ. Sau khi mua tàu sân bay, Thái Lan đã đề nghị Ấn Độ đào tạo sĩ quan cho nước này. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng tỏ rõ mong muốn hợp tác trên lĩnh vực năng lượng hạt nhân và bằng việc đề nghị Ấn Độ cung cấp lò phản ứng hạt nhân. Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ấn Độ Nahaximha Rao đến Thái Lan, Thái Lan cũng bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng đó.
Tháng 10/1998, khi hai tàu khu trục và một tàu hộ tống của Ấn Độ ghé thăm cảng Manila - Philippin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippin đã ghé thăm tàu và nhân dịp này ông bày tỏ mong muốn hợp tác quốc phòng với Ấn Độ.
Đối với Việt Nam và Lào, Ấn Độ ngỏ ý muốn giúp đào tạo sĩ quan cũng như nâng cấp bảo dưỡng các trang thiết bị quân sự. Trong mối quan hệ với Việt Nam, Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm về triển vọng hợp tác năng lượng hạt nhân và quốc phòng. Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ dành viện trợ cả gói cho lực lượng quốc phòng Việt Nam. Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ấn Độ Geogre Femandes vào ngày 26/3/2000 tới Việt Nam và trước đó của phái đoàn cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu (1999) đã đánh dấu sự hợp tác quân sự giữa hai nước.
Trong số các nước Đông Nam Á thì Mianma có mối quan hệ khá đặc biệt với Ấn Độ. Trong chuyến thăm Mianma của cựu Tư lệnh Ấn Độ D.K Joshi vào
tháng 5/1994, hai bên đã trao đổi về vấn đề phối hợp hành động chống lại các nhóm phiến loạn ở những khu vực dọc biên giới hai nước. Tháng 3/1997, Tổng Tư lệnh quân đội Ấn Độ, S. Roychondhury đã đi thăm Mianma nhằm tìm phương hướng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Trong năm 1995, Ấn Độ tổ chức Hội nghị thường niên các lực lượng hải quân khu vực vịnh Bengan gồm hải quân các nước: Ấn Độ, Băngladet, Srilanka, Inđônêxia, Malaixia, Xingapo và Thái Lan. Ngoài các cuộc tập trận chung, sự kiện này còn mang đến cho các nước trong khu vực vịnh Bengan cơ hội hợp tác nghiên cứu và triển khai cứu hộ trên biển. Tiếp sau Hội nghị thường niên này, còn có các cuộc hội thảo diễn ra tại cảng Blair về triển khai hoạt động phối hợp trong bảo vệ môi trường biển, triển khai cứu hộ khi xảy ra thảm họa và bảo vệ các đặc khu kinh tế.
Tiểu kết chương 1
Hợp tác chính trị - an ninh giữa Ấn Độ với ASEAN từ năm 2002 đến 2016 chịu tác động bởi nhiều yếu tố: bối cảnh quốc tế và khu vực, nhu cầu hợp tác của Ấn Độ và ASEAN cũng như chính sách đối ngoại của hai bên. Mục đích của sự hợp tác chính là nhằm đảm bảo lợi ích an ninh, chính trị của cả Ấn Độ và ASEAN, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định khu vực.
Những diễn biến quan trọng của chính trị trong nước và quốc tế từ năm 2002 đến năm 2016 thuận lợi hơn bao giờ hết cho hợp tác chính trị, an ninh giữa Ấn Độ với ASEAN, cùng với đó, cả Ấn Độ và ASEAN đều nhận thấy tầm quan trọng về hợp tác an ninh, chính trị giữa hai bên nên đã điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp. Ấn Độ tích cực triển khai giai đoạn II của chính sách “hướng Đông” trong đó coi Đông Nam Á là trọng tâm, còn ASEAN mời gọi Ấn Độ tham gia vào các cơ chế an ninh của tổ chức và luôn coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược.
Xuất phát từ những nhân tố đó, hợp tác an ninh, chính trị giữa Ấn Độ và ASEAN trước năm 2002 đạt được một số thành tựu nhất định như: hợp tác an ninh, các cuộc tập trận chung, hợp tác quốc phòng, viếng thăm ngoại giao… Đặc biệt là việc Ấn Độ tham gia ngày càng tích cực vào Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Trong tiến trình gia tăng quan hệ chính trị, ngoại giao với khu vực, Ấn Độ không ngừng tìm kiếm các cam kết cấp Thượng đỉnh với ASEAN. Tại Hội nghị ASEAN lần thứ 7 (2001) ở Brunây, ASEAN đã quyết định nâng quan hệ với Ấn Độ lên cấp nguyên thủ. Quyết định này là một sự đánh dấu cho những nỗ lực bền bỉ của Ấn Độ trong việc đẩy mạnh quan hệ với ASEAN cũng như trong quan hệ song phương với các nước thành viên trên mọi lĩnh vực. Điều này mở ra khả năng cả Ấn Độ và ASEAN có thể phối hợp quan điểm và hành động trong các diễn đàn quốc tế để có thể có tiếng nói trong các vấn đề an ninh, hòa bình toàn cầu và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước năm 2002, sự hợp tác chính trị, an ninh giữa Ấn Độ và ASEAN chưa xứng tầm với vị thế của cả hai bên, chính những hạn chế này đã để lại những kinh nghiệm quí báu để Ấn Độ và ASEAN tiếp tục phát triển mối quan hệ trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2016.
Chương 2