Cao quân quyền

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Từ Thánh Tông di thảo đến Truyền kì mạn lục (Trang 48 - 50)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3.cao quân quyền

Hình tượng nhà vua với tài năng, uy quyền, vị thế cũng được đề cao trong tác phẩm Thánh Tông di thảo. Như đã nói ở trên, trong tác phẩm, Lê Thánh Tông dùng cách xưng hô “ta” thể hiện cái tôi cá nhân rõ nét, hiếm thấy trong văn xuôi trung đại Việt Nam nhất là vào thế kỉ XV. Với cương vị là người đứng đầu đất nước, Lê Thánh Tông viết Thánh Tông di thảo không hề giấu giếm thân phận và địa vị của mình thậm chí, nhà vua còn thể hiện rõ vai trò là bậc minh quân sáng suốt, anh minh trong xử thế. Truyện Tinh chuột là một trong những truyện như thế.

Truyện kể về anh con trai một nhà giàu nọ được cha mẹ cưới cho người vợ xinh đẹp, hiền thảo. Mới cưới được thời gian ngắn, vâng lời cha anh đi tìm thầy học ở phương xa. Người vợ ở nhà ngoan ngoãn thờ phụng cha mẹ. Một đêm nọ, người vợ thấy chồng trèo tường trở về. Lúc đầu người vợ có ý trách móc nhưng sau nghe chồng nói vì nhớ vợ nên lén về thăm, sớm hôm sau sẽ đến trường học trở lại. Cứ thế, hằng đêm người chồng lại lẻn về, sớm tinh mơ lại đi, người vợ nhan sắc ngày một xanh xao, nhợt nhạt. Sau cha mẹ chồng thương con dâu mòn mỏi hao gầy vì nhớ chồng nên đã cho gọi con trai về. Người con trở về hiếu thuận thăm hỏi sức khỏe cha mẹ rồi mới chuyện trò cùng vợ. Sau câu chuyện, cả nhà mới vỡ lẽ lâu này có người đang giả danh người chồng đêm đêm về với người vợ. Họ lập mưu và trói được tên gian phu giải lên quan huyện xử lí. Nhưng “Quan huyện không biết xét xử thế nào giải lên tỉnh. Quan

tỉnh cũng không xử được, nên đem việc ấy tâu về triều đình” [34, tr.189] .Nhờ có sự

xuất hiện của nhân vật “Ta” mọi chuyện mới được sáng tỏ. “Ta thấy thế, thân ra xét

hỏi… Ta sai thị vệ cởi áo ra xem…” [34, tr.189-190]. Với vai trò là người kể chuyện

xưng “Ta” đồng thời với cương vị người đứng đầu triều đình, đứng đầu một đất nước, nhà vua đã dùng mọi biện pháp mà các đại thần tâu bày nhưng tất cả đều không hữu dụng. Nhà vua đã thắp hương, khấn nhờ Đổng thiên vương giúp. Đổng thiên vương nhập vào con đồng và cho biết thủ phạm là con tinh chuột, biến hóa rất giỏi, nó ăn nhiều tinh khí của các vật trở thành giống quỷ quái... và bày kế cho nhà vua. Nhờ có kế sách của Đổng thiên vương, nhà vua đã phá án thành công.

Truyện có nhiều tình tiết bí ẩn và li kì. Sự bí ẩn của loài yêu quái biến hóa thành người càng khẳng định tài năng của con người, đặc biệt con người ở đây là người đứng đầu đất nước. Mọi yêu ma quỷ quái đứng trước đấng minh quân sẽ trở nên lu mờ và bị trừng trị. Đồng thời, sự hiện hình của Đổng thiên vương - một lực lượng siêu nhiên nhưng đã giúp đỡ nhà vua khi được nhờ cậy chứng tỏ đây là vị vua được lòng cả thần

43

cả người. Như chúng ta thấy, trước đó cả triều đình cùng giúp vua bày kế sách để làm sáng tỏ sự việc là minh chứng tỏ sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết và đặc biệt là sức mạnh của bậc minh quân trước quần thần. Đó cũng là hình ảnh ngợi ca vị thế của nhà vua trong lòng dân.

Truyện Hai phật cãi nhau là một trong những truyện có nhiều ý nghĩa sâu sắc về nội dung và nghệ thuật. Cùng với việc thể hiện đề tài mang tính ngụ ngôn và đóng góp cái nhìn về hiện thực của tác giả, truyện còn thể hiện quyền uy của nhà vua, vị hoàng đế của đất nước. Trong đoạn cuối của truyện, hình ảnh nhân vật “Ta” bước vào gian chùa mà trước đó Phật Thích Ca, Phật gỗ, Phật đất đang tranh luận thì tất cả bỗng im bặt, chỉ còn “đèn nến sáng choang, hai Phật cùng Phật Thích Ca đều trơ trơ ba khối đất và gỗ mà thôi” [34, tr.33] .Đây là hình ảnh thật đẹp, thật lộng lẫy! Trước sự xuất hiện của nhà vua, tất cả như nín lặng. Ánh sáng của đèn nến trong chùa như càng tôn lên vẻ đẹp rực rỡ tỏa ra của nhà vua. Dường như từ con người của vị hoàng đế ấy đang toát ra ánh sáng của sức mạnh khiến nó lan tỏa để rồi át đi tất cả sự toan tính, tranh giành vật chất, vinh hoa, nó át đi cả sự đố kỵ trong mỗi con người. Và nó làm cho không gian ấy nổi bật lên chỉ còn là sự ngự trị của đạo đức, của cái tâm trong sáng, luôn vì nước vì dân của bậc minh quân. Với sự xuất hiện của vị hoàng đế anh minh, tất cả đều trở về đúng vị trí của nó và mọi suy nghĩ làm vẩn đục không gian linh thiêng của nhà chùa đã dập tắt. Có được điều đó, có lẽ một phần lớn là do sức mạnh đầy quyền uy của vua Lê Thánh Tông.

Trong Chuyện yêu nữ Châu Mai, nhân vật “Ta” cũng xuất hiện với sự trợ giúp của thần linh nên đã dẹp trừ được yêu quái. “Khi ta còn ở tiềm để, ta biết việc ấy, bèn viết thư sai người đến đền Phù Đổng, mượn gươm của Thiên Vương để trừ nó. Nữ

yêu kinh sợ, ẩn trong cỏ rậm ven sông đầm, không dám tác quái như trước nữa” [34,

tr.21]. Qua chi tiết này, vị thế của Hoàng đế cũng đã được đề cao. Có thể nói, vị hoàng đế ấy được lòng thần linh, có được sự tin tưởng của quần thần tất cả đồng lòng mới diệt trừ được yêu quái đem lại sự bình yên cho nhân dân. Cách kể truyện ngắn gọn, dứt khoát khiến người đọc càng cảm nhận được quyền uy của bậc minh quân này.

Như vậy, qua một số truyện, hình bóng của vị hoàng đế Đại Việt xuất hiện thể hiện được quyền uy của người đứng đầu đất nước. Sự xuất ấy dù chỉ được miêu tả với dung lượng ngắn nhưng đã góp phần tái hiện chân dung của nhà vua. Đó cũng chính là sự sáng tạo mới mẻ, chân thực để tạo dựng hình ảnh bậc minh quân trong lòng dân tộc - vị vua giản dị, gần gũi, thân thiện mà đầy quyền uy.

44

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Từ Thánh Tông di thảo đến Truyền kì mạn lục (Trang 48 - 50)