Chương 13: Sức Mạnh Đòi Hỏi Của Vốn Liếng Sự Nghiệp
TÍNH PHỔ BIẾN KHÓ HIỂU CỦA PHƯƠNG PHÁP MÃ HÓA TUYẾN TÍNH NGẪU NHIÊN
TUYẾN TÍNH NGẪU NHIÊN
Khi viết chương này, tôi đang tham dự một hội nghị khoa học máy tính tại San Jose, bang California. Sáng hôm nay, một điều thú vị đã xảy ra. Tôi tham dự một phiên thảo luận mà trong đó bốn vị giáo sư đến từ bốn đại học khác nhau trình bày nghiên cứu mới nhất của họ. Thật bất ngờ, cả bốn bài trình bày đều giải quyết cùng một vấn đề cụ thể - sự lan truyền thông tin
trong mạng lưới và sử dụng cùng một kỹ thuật cụ thể - mã hóa tuyến tính
ngẫu nhiên. Cứ như thể cộng đồng nghiên cứu khoa học máy tính bỗng một
sáng thức dậy và cùng một lúc quyết định là mình sẽ giải quyết cùng một vấn đề này.
Trường hợp khám phá đồng loạt này khiến tôi kinh ngạc, nhưng nó sẽ không gây bất ngờ cho tác giả khoa học Steven Johnson. Trong quyển sách thú vị xuất bản năm 2010 của ông, Where Good Ideas Come From? (Ý Tưởng Tốt
Đến Từ Đâu?), Johnson giải thích rằng những “bội số“như vậy diễn ra rất
thường xuyên trong lịch sử khoa học. Johnson ghi chú: trường hợp phát hiện vết đen Mặt trời vào năm 1611, bốn nhà khoa học từ bốn nước khác nhau đều cùng phát hiện ra hiện tượng này vào cùng một năm. Pin chạy bằng điện đầu tiên? Được phát minh hai lần vào giữa thế kỷ 18. Ô-xy? Được tách rời vào năm 1772 và 1774. Trong một nghiên cứu mà Johnson dẫn ra, các nhà nghiên cứu từ Đại học Columbia đã tìm ra gần 150 ví dụ khác nhau về các
đột phá xuất chúng trong khoa học được thực hiện bởi nhiều nhà khoa học khác nhau tại khoảng cùng một thời điểm.
Những ví dụ về sự khám phá đồng loạt này, dù có vẻ rất thú vị, dường như lại không liên quan lắm đối với vấn đề về sứ mệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, tôi mong bạn hãy kiên nhẫn, bởi lời giải thích cho hiện tượng này chính là mối liên kết đầu tiên trong chuỗi logic đã giúp tôi giải mã được những gì khác biệt với Sarah và Jane mà Pardis đã làm.
Các ý tưởng lớn, theo như Johnson giải thích, thì gần như luôn được phát hiện ở trong vùng “khả thi kế cận”- một thuật ngữ được mượn từ nhà sinh học Stuart Kaufifman. Ông sử dụng nó để giải thích hiện tượng hình thành cấu trúc hóa học phức tạp từ những cấu trúc đơn giản hơn. Kauffman ghi nhận rằng khi ta cho một muỗng các thành phần hóa học trộn chung với nhau, rất nhiều chất hóa học khác sẽ thành hình. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hóa chất mới nào cũng có khả năng xuất hiện như nhau. Các hóa chất mới mà bạn sẽ tìm thấy là những thứ có thể được tạo ra bằng cách kết hợp các cấu trúc đã có trong muỗng. Nói cụ thể hơn, các hóa chất mới nằm trong vùng khả thi kế cận được xác định bởi các cấu trúc hiện tại.
Khi Johnson sử dụng thuật ngữ này, ông ví sự đổi mới về văn hóa và khoa học giống như các chất hóa học phức tạp. Ông giải thích, “Chúng ta lấy những ý tưởng mà mình được kế thừa hay vô tình tiếp cận được, trộn chúng lại với nhau và tạo một hình dáng mới.”Ý tưởng đột phá tiếp theo trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng được tìm thấy ở vùng tiên tiến nhất tại thời điểm hiện tại, trong phần không gian cận kề chứa đựng sự kết hợp mới của các ý tưởng sẵn có. Chính vì thế, lý do tại sao các phát hiện quan trọng thường xảy ra đồng loạt là vì chúng chỉ có thể thực hiện được khi chúng bước vào vùng khả thi kế cận, mà tại thời điểm đó bất kỳ người nào khám phá vùng không gian này - những người đến được nơi tiên tiến nhất tại thời điểm hiện tại - cũng sẽ nhận thấy cùng những sáng kiến đột phá đang chờ được tìm thấy. Lấy một ví dụ về sự khám phá trùng lặp: sự tách chiết ô-xy ra làm một thành phần của không khí không thể nào thành hiện thực cho đến khi có hai thứ xảy ra: Một, các nhà khoa học bắt đầu nghĩ về không khí như một vật chất chứa đựng các nguyên tố, chứ không chỉ đơn thuần là một khoảng không; và thứ hai, các thước đo cảm biến, một công cụ quan trọng cần thiết trong các thí nghiệm, xuất hiện. Một khi hai sự phát triển này xảy ra, việc tách ô-xy trở thành một mục tiêu lớn trong vùng khả thi kế cận - nó trở nên rõ ràng đối với bất kỳ người nào nghiên cứu theo hướng này. Hai nhà khoa học Carl
Wilhelm Scheele và Joseph Priestley đang nghiên cứu theo hướng này và
chính vì vậy cả hai đều độc lập thực hiện những thử nghiệm cần thiết, nhưng gần như cùng một thời điểm.
Như tôi đã đề cập, việc hiểu về vùng khả thi kế cận và vai trò của nó trong sự đổi mới chính là mối liên kết đầu tiên trong chuỗi các lập luận sẽ giải thích cho chúng ta cách thức xác định một sứ mệnh nghề nghiệp đúng đắn. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ đưa ra mối liên kết thứ hai, thứ sẽ kết nối thế giới của những đột phá khoa học và thế giới của công việc lại với nhau.