Chương 4: Sự Rõ Ràng Của Một Người Thợ
TIẾP NHẬN TƯ DUY THỢ LÀNH NGHỀ
Tóm lại, tôi đã trình bày hai cách khác nhau mà mọi người suy nghĩ về đời sống công việc của họ. Đầu tiên là tư duy thợ lành nghề, tư duy này tập trung vào cái mà bạn có thể trao cho thế giới. Thứ hai là tư duy niềm đam mê, hướng tiếp cận này tập trung vào cái mà thế giới có thể trao cho bạn. Tư duy thợ lành nghề mang tính rõ ràng, trong khi tư duy niềm đam mê đưa ra cho bạn hàng loạt câu hỏi nhập nhằng và không giải đáp được. Như tôi đã kết luận sau khi gặp gỡ Jordan Tice, tư duy thợ lành nghề mang đến cảm giác tự do: Nó yêu cầu bạn hãy bỏ qua những mối bận tâm của cái tôi về việc liệu
công việc của bạn có “phù hợp”hay không, và thay vào đó hãy làm việc thật chăm chỉ và quyết tâm trở nên thật sự tài giỏi. Chẳng ai nợ bạn một sự nghiệp tuyệt vời cả; bạn cần phải giành lấy nó - và quá trình đó không dễ dàng chút nào.
Với quan điểm này, việc ganh tỵ với sự thông suốt của những nghệ sĩ biểu diễn như Jordan Tice là điều tự nhiên. Nhưng lập luận cốt lõi của Quy tắc #2 là: Bạn không chỉ nên ganh tỵ với tư duy thợ lành nghề, bạn nên mô phỏng nó. Hay nói cách khác, tôi đang khuyên bạn hãy bỏ câu hỏi liệu công
việc của mình có phải là niềm đam mê thật sự hay không sang một bên, và thay vào đó hãy hướng sự tập trung vào việc trở nên giỏi đến mức không ai có thể phớt lờ bạn. Bất kể bạn làm gì để kiếm sống, hãy tiếp cận công việc của mình như một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ.
Sự chuyển đổi tư duy này cho thấy sự tiến triển thú vị trong hành trình của tôi. Nhưng tôi nhận ra rằng không phải ai cũng dễ dàng đón nhận nó. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu về tư duy thợ lành nghề trên trang blog của mình, một vài độc giả trở nên khó chịu. Họ đưa ra lời phản biện phổ biến mà tôi cần phải nêu ra ở đây trước khi chúng ta đi tiếp. Sau đây là các bình luận của một độc giả:
Tice sẵn sàng dành ra hàng giờ mà không cần sự công nhận, nhưng đó là do nó phục vụ cho một thứ mà anh ta rõ ràng đã đam mê từ rất lâu rồi. Anh ấy đã tìm được công việc phù hợp với mình.
Tôi đã nghe phản ứng này nhiều đến nỗi tôi đặt cho nó một cái tên: “lập luận theo quan điểm niềm đam mê tồn tại sẵn từ trước.“Về cơ bản thì lập luận này cho rằng tư duy thợ lành nghề chỉ đúng với những ai đã cảm thấy đam mê công việc của mình rồi, và chính vì thế nó không thể sự thay thế cho tư duy niềm đam mê được.
Tôi không đồng ý với lập luận này.
Đầu tiên, chúng ta hãy bỏ qua quan điểm rằng những nghệ sĩ biểu diễn như Jordan Tice hay Steve Martin hoàn toàn cảm thấy an tâm khi biết rằng họ đã tìm thấy tiếng gọi thật sự của đời mình. Nếu bạn dành thời gian nói chuyện với bất kỳ một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào trong làng giải trí, đặc biệt là những người vừa mới khởi nghiệp, thì một trong những điều đầu tiên bạn sẽ nhận thấy là cảm giác không an toàn của họ về vấn đề cơm áo gạo tiền. Jordan có một cái tên cho những nổi lo về những gì mà bạn bè anh đang làm
với cuộc đời họ và liệu những thành công của anh có xứng đáng hay không: đó là “đám mây của sự phân tâm bên ngoài”.
Chiến đấu với đám mây này là một cuộc chiến bất tận. Tương tự như vậy Steve Martin đã từng cảm thấy rất không an toàn trong những năm tháng mà ông cống hiến nhằm cải thiện khả năng biểu diễn của mình đến nỗi ông thường xuyên bị khủng hoảng tinh thần. Nguồn gốc tư duy thợ lành nghề của những nghệ sĩ biểu diễn này không phải xuất phát từ một niềm đam mê nội tại không thể chối cãi, mà thay vào đó là một thứ thực tế hơn nhiều: Đó chính là tính hiệu quả trong ngành kinh doanh giải trí. Như Mark Casstevens đã nói, “băng ghi âm không biết nói dối”: Nếu bạn là một tay chơi ghi-ta hay nghệ sĩ hài, thì sản phẩm bạn tạo ra mới là thứ quan trọng. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian tập trung vào câu hỏi liệu mình đã tìm thấy sứ mệnh thật sự của mình hay chưa, câu hỏi này sẽ vô hiệu lực khi bạn rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Thứ hai, và về cơ bản, tôi thực sự không quan tâm đến lý do tại sao các nghệ sĩ biểu diễn lại mang tư duy thợ lành nghề. Như tôi đã nói trước đây, thế giới của họ rất đặc biệt, và phần lớn những điều truyền cảm hứng cho họ không có điểm chung. Lý do mà tôi đưa ra câu chuyện của Jordan đó là tôi muốn cho bạn thấy tư duy thợ lành nghề thực tế trông như thế nào. Hay nói cách khác, hãy quên lý do tại saoJordan mang tư duy này mà thay vào đó hãy để ý đến cách mà anh triển khai nó. Trong chương tiếp theo, tôi sẽ lập luận
rằng bất kể bây giờ bạn đang cảm thấy như thế nào về công việc của bạn, thì việc tiếp nhận tư duy thợ lành nghề sẽ là nền tảng để bạn xây dựng một sự nghiệp hấp dẫn. Đây là lý do vì sao tôi không đồng ý với “lập
luận theo quan điểm niềm đam mê tồn tại sẵn từ trước,“bởi vì nó đẩy lùi mọi thứ. Trên thực tế, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy, chúng ta tiếp nhận tư duy thợ lành nghề trước, sau đó niềm đam mê sẽ đến.