TẠI SAO JORDAN TICE LẠI CHƠI ĐÀN GHI-TA GIỎI HƠN TÔI?

Một phần của tài liệu Kỹ năng và đam mê cái nào đi trước (Trang 57 - 59)

Chương 7: Trở Thành Một Người Thợ Lành Nghề

TẠI SAO JORDAN TICE LẠI CHƠI ĐÀN GHI-TA GIỎI HƠN TÔI?

Jordan Tice và tôi đều bắt đầu chơi đàn ghi-ta vào năm 12 tuổi. Sau khi nhận được cây đàn ghi-ta đầu tiên, tôi đã thành lập một ban nhạc và vài tháng sau đã trình diễn “buổi hòa nhạc”đầu tiên - một phiên bản giảm tốc độ của bài “All Apologies”của nhóm Nirvana, và nhận được tràng vỗ tay lịch sự tại chương trình tài năng cho khối lớp sáu của trường Tollgate Grammar. Sau buổi diễn này, tôi bắt đầu trở nên nghiêm túc: Tôi tham gia lớp học đàn suốt những năm trung học cơ sở và phổ thông. Tôi chơi đàn mỗi ngày - có lúc tôi chơi solo một số bản nhạc thể loại blue của Hendrix hàng giờ liền. Ban nhạc của tôi có một cái tên kỳ lạ là Rocking Chair, trình diễn khoảng chục chương trình một năm: tại các lễ hội, tiệc tùng, các giải đấu - thực sự là bất cứ nơi đâu miễn là họ cho phép chúng tôi lắp đặt nhạc cụ. Đã có lần chúng tôi trình diễn tại một nghĩa trang đối diện bãi đỗ xe. Mẹ của tay trống trong ban nhạc ghi hình cho chúng tôi. Khi bà quét camera từ chỗ lắp đặt trước nghĩa trang ra bãi giữ xe, bạn sẽ thấy “đám đông”chỉ khoảng hơn chục người ngồi trên ghế xếp. Cho đến giờ bà vẫn thấy buồn cười khi xem lại băng ghi hình này. Trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã có thể chơi hàng trăm bản nhạc, từ Green Day cho đến Pink Floyd. Nói cách khác, tôi đã chạm đến mức độ thành thạo mà bạn trông đợi từ một người chơi một loại nhạc cụ một cách nghiêm túc trong vòng sáu năm liền. Nhưng đây là điều khiến tôi ngạc nhiên: So sánh với khả năng của Jordan Tice ở cùng độ tuổi này tôi chỉ ở mức trung bình.

Jordan học chơi ghi-ta tại cùng thời điểm tôi bắt đầu học. Nhưng khi anh tốt nghiệp trung học phổ thông, anh ấy đã đi lưu diễn ở các tiểu bang Trung-Đại Tây Dương với một nhóm nhạc sĩ Bluegrass chuyên nghiệp và đã ký hợp đồng thu âm đầu tiên. Khi tôi còn học trung học, mấy tay ra vẻ sành âm nhạc trong khối lớp tôi xem nhóm nhạc Nickel Creek giống như Dave Matthews chỉ dành cho giới sành điệu. Khi Jordan còn học trung học cơ sở, anh thường xuyên trình diễn với tay bass Mark Schatz. Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng tôi đều chơi đàn một cách nghiêm túc với cùng thời lượng, nhưng tại sao cuối cùng tôi lại chỉ là một tay gảy đàn trung bình trong khi Jordan trở thành một

ngôi sao?

Sau khi đến gặp Jordan để thì tôi sớm hiểu ra câu trả lời. Sự khác biệt về khả năng của chúng tôi trước độ tuổi 18 không liên quan gì nhiều đến số giờ chúng tôi luyện tập - mặc dù có thể Jordan có tổng số giờ luyện tập nhiều hơn tôi, nhưng cũng không hơn quá nhiều - mà nó liên quan đến những gì chúng tôi làm trong những giờ luyện tập đó. Ví dụ, một trong những ký ức rõ rệt của tôi về Rocking Chair là cảm giác không thoải mái khi tôi phải chơi những bài mà tôi không biết rõ. Khi một giai điệu chưa được in sâu vào trong cơ bắp trí nhớ thì tôi có cảm giác đầu mình như muốn căng ra, và tôi ghét cảm giác đó. Tôi tập các bài hát một cách miễn cưỡng, và sau khi nó trở nên dễ dàng thì tôi lại bám chặt lấy nó. Tôi thường cảm thấy khó chịu khi tay chơi ghi-ta nhịp trong nhóm gợi ý chúng tôi thử một cái gì đó mới trong quá trình luyện tập. Cậu ta thì rất vui sướng xem bản hợp âm và lao vào luyện tập. Tôi thì không. Ngay từ thuở nhỏ tôi đã nhận thấy cảm giác không thoải mái của tôi khi bị căng thẳng tinh thần chính là một trở ngại trong lĩnh vực biểu diễn.

Hãy thử so sánh điều này với trải nghiệm đầu đời của Jordan trong việc chơi ghi-ta. Người thầy đầu tiên của anh là một người bạn sinh hoạt chung trong nhà thờ với cha mẹ anh. Jordan nhớ lại, những bài học của anh tập trung vào việc lấy ra những đoạn lead từ các bản ghi âm của Allman Brothers. Tôi hỏi, “Nghĩa là ông ấy sẽ viết ra các đoạn lead và các cậu chỉ cần học thuộc lòng?”. Jordan trả lời, “Không, chúng tôi tự nghe ra bằng tai.“Thời tôi còn học trung học phổ thông thì việc học những đoạn lead phức tạp bằng tai là vượt quá giới hạn tinh thần và kiên nhẫn của tôi. Nhưng Jordan lại yêu thích việc này. Một thập niên sau, trong buổi phỏng vấn của chúng tôi, có lúc Jordan cầm lấy cây đàn Martin cũ kỹ và chơi một đoạn solo chẳng hiểu sao anh vẫn còn nhớ được trong bài “Jessica”. Anh nói, “Giai điệu này thật tuyệt vời.”

Những bài luyện tập đầu tiên của Jordan không chỉ đòi hỏi anh phải liên tục vượt qua giới hạn thoải mái của bản thân, mà còn đi kèm với việc góp ý tại chỗ. Thầy dạy của anh luôn có mặt ở đó để “can thiệp ngay và chỉ cho tôi thấy nếu tôi làm hỏng bản hòa âm,“anh giải thích.

Khi quan sát chế độ luyện tập của Jordan bây giờ, bạn vẫn có thể thấy những đặc điểm này - trạng thái căng thẳng và thông tin phản hồi - vẫn là trọng tâm. Để bắt kịp cách gảy đàn mở rộng mà anh cần cho giai điệu mới của mình, anh liên tục điều chỉnh tốc độ luyện tập cho đến một thời điểm mà nó vượt

qua giới hạn thoải mái của bản thân. Khi đánh sai một nốt, anh ngay lập tức dừng lại và bắt đầu lại từ đầu. Đây chính là thông tin phản hồi ngay tức khắc cho anh. Chỉ đứng xem thôi mà bạn đã có thể cảm thấy không thoải mái

trước nét mặt căng thẳng và những nhịp thở liên hồi của anh trong quá trình luyện tập - Tôi không thể tưởng tượng được cảm giác thực sự làm nó như thế nào. Nhưng Jordan lại rất vui vẻ luyện tập như vậy hàng giờ liền.

Điều này lý giải tại sao Jordan lại bỏ tôi lại hít bụi đằng sau. Tôi chơi đàn. Còn anh thì luyện tập. Mark Casstevens, nhạc công của phòng thu The Nashville cũng tán thành với quyết tâm liên tục vượt qua giới hạn của bản thân này. Khi tôi nói chuyện với ông, ông đang trong quá trình từ từ bắt kịp tốc độ của một “giai điệu phức tạp mới ở tông Si thứ có rất nhiều hợp âm Barre và những đối âm khó chịu.“Kể cả một người với trình độ đạt được các giải thưởng (theo nghĩa đen) như Casstevens (Viện Hàn Lâm Nhạc Đồng Quê vừa mới phong tặng ông danh hiệu Nhạc Sĩ Đặc Biệt của Năm) cũng không thể tránh được nhu cầu “vượt ra khỏi vòng an toàn của mình để luyện tập.”

Ông có chung ý tưởng về những buổi luyện tập kéo dài và nâng cao khả năng với Jordan, “Tôi tập trung phát triển cơ bắp trí nhớ, bằng cách lặp đi lặp lại. Càng luyện tập nhiều, tôi càng chơi đàn thoải mái hơn, và những âm điệu trở nên tuyệt vời hơn.”

Những quan sát này dĩ nhiên nói lên nhiều điều hơn là chỉ bàn về việc chơi ghi-ta. Ý tưởng chủ đạo của chương này là: sự khác biệt trong chiến thuật

làm tách rời những tay chơi ghi-ta trung bình như tôi khỏi các siêu sao như Tice và Casstevens không chỉ giới hạn trong âm nhạc. Sự tập trung

vào việc vượt qua giới hạn khả năng và nhận thông tin phản hồi ngay tức khắc này tạo nên yếu tố cốt lõi cho một nguyên tắc phổ quát - nguyên tắc mà tôi tin rằng sẽ cung cấp cho ta bí quyết thu thập thành công vốn liếng sự nghiệp trong gần như bất kỳ lĩnh vực nào.

Một phần của tài liệu Kỹ năng và đam mê cái nào đi trước (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)