- Những căn cứ để xác định mục tiêu hoạt động của trường là: Đường lối, chính sách Đảng và Nhà nước đối với giáo dụcvà TDTT; k ế hoạch phát triển kinh tế
2.3. Chức năng điều khiển:
2.3.1. Khái niệm:
Điều khiển tổ chức là quá trình chủ thể sử dụng quyền lực quản lý của mình để tác động lên hành vi của các phần tử trong tổ chức một cách có chủ đích để tổ
chức đi đến mục tiêu. Ở chức năng này, chủ thể điều khiển phải thực hiện nhiệm vụ chính là ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định đó. Các học giả còn gọi chức năng này là chức năng lãnh đạo, chỉ đạo. Theo nghĩa này, chức năng lãnh đạo, chỉ đạo được hiểu như sau:
- Lãnh đạo là quá trình tác động đến con người sao cho họ tự nguyện và nhiệt tình phấn đấu để đạt được các mục tiêu của tổ chức, bao gồm các hoạt động chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phối hợp ra lệnh và đi trước của người quản lý đối với các cá nhân, bộ phận thừa hành trong tổ chức.
- Chỉ đạo là quá trình tập hợp, liên kết các thành viên trong tổ chức; theo sát hoạt động của bộ máy, hướng dẫn, điều chỉnh công việc nhịp nhàng, động viên, khuyến khích, khen thưởng người lao động nhằm đạt mục tiêu của tổ chức.
2.3.2. Nội dung chủ yếu của chức năng điều khiển:
Để thực hiện chức năng này, người quản lý phải ra quyết định, nếu chủ thể quản lý không ra quyết định tức là tự tước bỏ vai trò lãnh đạo, điều khiển của mình. Trong hoạt động thường ngày của tổ chức thì việc ra quyết định của người lãnh đạo mang tính thường nhật. Nhưng một quyết định không phải bao giờ cũng thực hiện được một cách dễ dàng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sự trục trặc này nếu không được giải quyết tốt thì sẽ gây hậu quả không tốt, thậm chí gây mất ổn định cho tổ chức, bởi vì mọi nội dung điều khiển đều liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. Muốn thực hiện tốt chức năng này, người quản lý phải:
- Hiểu rõ con người trong tổ chức. Đây là nội dung đầu tiên hết sức quan trọng mà người quản lý phải nắm vững để có thể đưa ra các quyết định và lựa chon đúng các phương pháp quản lý.
- Đưa ra các quyết định lãnh đạo thích hợp.
- Xây dựng nhóm làm việc và làm việc với nhóm.
- Dự kiến các tình huống và tìm cách xử lý tốt các tình huống xảy ra. - Giao tiếp và đàm phán tốt.
Tóm lại, điều khiển là chức năng quản lý trong đó người quản lý phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc và tác động trực tiếp đến người lao động giúp họ thực hiện kế hoạch đã đề ra đạt kết quả cao nhất. Để làm tốt chức năng này người quản lý cần phải đạt được những yêu cầu sau:
- Có kinh nghiệm, có ý chí, có khả năng thực hiện, hướng dẫn, động viên và giúp đỡ người khác hoàn thành công việc.
- Biết lựa chọn việc nào làm trước, việc nào làm sau, biết định hướng, hỗ trợ và kiểm tra những việc ấy.
- Có khả năng làm việc với con người: biết giao tiếp với cấp dưới, biết làm cho người khác vừa tuân phục, vừa mến mộ mình.
- Có khả năng hiểu biết về con người nói chung, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc với mình.
2.3.3. Quyền lực quản lý tổ chức:
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ, Nxb Đà Nẵng, 2001 thì quyền lực là "Quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy".
Theo TS Nguyễn Thanh Hội và TS Phan Thăng, trong cuốn Quản trị học thì
"Quyền lực trong tổ chức là mức độ độc lập trong hoạt động dùng cho nhà quản trị để tạo ra khả năng sử dụng những quyết định của họ thông qua việc trao cho họ quyền ra quyết định".
Theo các tác giả của Viện nghiên cứu hành chính trong cuốn Một số thuật ngữ hành chính, NXB Thế giới, 2000 thì: "Quyền lực là tiềm năng của một chủ thể để buộc các cá nhân, tổ chức khác phải phục tùng và hành động, xử sự theo ý chí của mình".
Theo các định nghĩa trên, quyền lực quản lý là mức độ, phạm vi chi phối và khống chế, cho phép của nhà quản lý đối với mọi phần tử trong một phạm vi nhất định của tổ chức.
Đã nói đến quyền lực quản lý là nói đến khả năng chi phối và khống chế của người này đối với người khác. Người có quyền quản lý được chi phối, khống chế người khác trong một lĩnh vực hoặc một mảng giới hạn các hoạt động nào đấy trong tổ chức. Người chịu tác động của quyền lực quản lý phải chấp hành sự tác động đó.
Quyền lực quản lý là có thực nếu chủ thể quản lý thực sự có khả năng sử dụng mức độ phạm vi chi phối và khống chế của mình đối với các đối tượng chịu sự tác động của họ. Nếu tác động của quyền lực quản lý không cho phép quản lý thì lúc này quyền lực quản lý chỉ là hình thức (không có thực quyền).
Quyền lực quản lý phải tương xứng với nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi, thì nhà quản lý mới có thể dẫn dắt tổ chức phát triển có hiệu quả. Sự mất cân đối giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ sẽ làm cho nhà quản lý thoái thác trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tha hóa hệ thống, biến hệ thống thành "tài sản" của cá nhân người quản lý.
Quyền lực quản lý là phương tiện giúp nhà quản lý tập hợp, tổ chức mọi người trong tổ chức liên kết chặt chẽ với nhau tạo ra sức mạnh của tổ chức.
Quyền lực quản lý được hình thành từ sự phân công, phân cấp quản lý. Mỗi nhà quản lý có vai trò khác nhau, quyền lực và phạm vi quyền lực cũng khác nhau:
- Quyền lực tập trung là phương thức tổ chức trong đó mọi quyền ra quyết định được tập trung vào cấp quản lý cao nhất của tổ chức.
- Phân cấp quản lý là một loại hình tổ chức và hoạt động quản lý tạo nên các thành tố có thứ bậc khác nhau trong một tổ chức, mỗi cấp được giao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhất định để phát huy tính tự chủ, năng động và sáng tạo của mình nhằm thực hiện một hay nhiều nhiệm vụ nào đó đạt hiệu quả cao nhất.
- Phân quyền trong quản lý là xu hướng phân tán quyền ra quyết định cho cấp quản lý thấp hơn trong hệ thống thứ bậc. Phân quyền là hiện tượng tất yếu khi tổ chức đạt tới quy mô và trình độ phát triển nhất định làm cho một người (hay một cấp quản lý) không thể đảm đương được mọi công việc quản lý.
- Ủy quyền trong quản lý là hành vi cấp trên trao cho cấp dưới một số quyền hạn để họ nhân danh mình thực hiện những công việc nhất định. Trong các tổ chức khác nhau, mức độ phân quyền sẽ khác nhau.
* Ủy quyền có các nguyên tắc:
+ Cấp trên ủy quyền cho cấp dưới trực tiếp, không ủy quyền vượt cấp;
+ Ủy quyền không làm mất đi hay thu nhỏ trách nhiệm của người được ủy quyền; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền phải bảo đảm và gắn bó với nhau;
+ Nội dung, ranh giới của nhiệm vụ được ủy quyền phải xác định rõ ràng; + Người được ủy quyền phải có đầy đủ thông tin trước khi bắt tay vào việc; + Ủy quyền phải tự giác, không áp đặt và luôn có sự kiểm tra.
* Quy trình ủy quyền:
+ Xác định những nhiệm vụ có thể ủy quyền và kết quả cần đạt được; + Lựa chọn con người và giao nhiệm vụ, quyền hạn;
+ Cung cấp các nguồn lực;
+ Duy trì các kênh thông tin, thiết lập hệ thống kiểm tra có năng lực; + Đánh giá kết quả việc ủy quyền.
- Phối hợp trong tổ chức là quá trình liên kết hoạt động của các cá nhân, bộ phận riêng rẽ nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chung của tổ chức. Mục tiêu của phối hợp là đạt được sự thống nhất hoạt động của các bộ phận bên trong và bên ngoài tổ chức.
* Muốn phối hợp tốt trong tổ chức cần:
+ Xây dựng được các kênh thông tin ngang dọc, lên xuống thông suốt giữa các bộ phận và các cấp quản lý;
+ Duy trì được mối liên hệ giữa các bộ phận và trong mỗi bộ phận riêng lẻ; các mối liên hệ giữa tổ chức với môi trường trực tiếp và gián tiếp.
* Các công cụ phối hợp:
+ Các kế hoạch và hệ thống tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật; + Các cơ chế hoạt động và cơ chế giám sát;
+ Hệ thống thông tin, truyền thông.