Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 27 - 30)

7. Kết cấu của Luận văn

2.1.1.Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Năm 1995 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật về BHXH của nước ta. Ngày 23/6/1994 Bộ luật Lao động đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1995 và có 01 chương quy định về BHXH. Việc đưa những quy định về BHXH vào trong một văn bản có giá trị pháp lý cao như Bộ luật là một bước tiến vượt bậc so với giai đoạn trước chỉ dừng lại ở Nghị định, Thông tư. Điều đó thể hiện vị trí, vai trò ngày càng lớn của BHXH trong đời sống kinh tế xã hội và cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện chính sách BHXH đối với nhân dân và người lao động.

Chương XII Bộ luật Lao động năm 1994 nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm tham gia BHXH của các bên, đó là “người sử dụng lao động, người lao động phải đóng BHXH theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật này và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp BHXH ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất”. Từ quy định này, tính chất bắt buộc tham gia BHXH đối với người lao động và người sử dụng lao động được làm rõ và nhấn mạnh hơn, làm cơ sở cho việc thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về BHXH sau này. Các điều luật trong chương XII Bộ luật Lao động 1994 đã quy định cụ thể về các chế độ BHXH, các hình thức tham gia BHXH … Điều 149 quy định về nguồn hình thành quỹ BHXH như sau: Người sử dụng lao động đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương; người lao động đóng bằng 5% tiền lương; Nhà nước đóng và hỗ trợ thêm để bảo đảm thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động và các nguồn khác. Quỹ BHXH được quản lý thống nhất theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ. Quỹ BHXH được thực hiện các biện pháp để bảo tồn giá trị và tăng trưởng theo quy định của Chính phủ.

21

Thể chế hóa những quy định trong chương XII của Bộ luật Lao động 1994, ngày 26/01/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP về việc ban hành Điều lệ BHXH với hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995.

Nghị định 12/CP đã quy định cụ thể đối tượng có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc như sau:

“Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

Người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp; trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

Người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ thuộc lực lượng vũ trang;

Người giữ chức vụ dân cử, bầu cử làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Công chức, viên chức Nhà nước làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; người làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Các đối tượng trên đi học, thực tập, công tác điều dưỡng trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công thì cũng thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

Trên cơ sở kế thừa Nghị định 12/CP và tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy định về đối tượng có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, Luật BHXH năm 2006 quy định trách nhiệm tham gia BHXH thuộc về 5 nhóm đối tượng sau:

“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

22

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.”

Luật BHXH năm 2006 quy định đối tượng có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc không chỉ dừng lại ở người lao động mà quy định cụ thể người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm phải tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Việc quy trách nhiệm cho cả hai bên, người lao động và người sử dụng lao động đều phải tham gia BHXH là điểm mới so với Nghị định 12/CP. Lối quy định đối tượng tham gia BHXH có tính chất mở của Luật BHXH năm 2006 cũng khắc phục được hạn chế của biện pháp liệt kê là thiếu sót đã tồn tại ở nhiều văn bản trước đây.

Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2006 cũng quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được quy định là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Nhóm đối tượng này sau này được quy định theo hình thức liệt kê ở văn bản hướng dẫn thực hiện là Nghị định số 190/2007/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có

23

thời hạn dưới 3 tháng, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người tự tạo việc làm, người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã hưởng BHXH một lần và những lao động khác.

Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 01/01/2016 quy định bổ sung một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc so với Luật BHXH năm 2006, đó là:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

- Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 27 - 30)