Những yêu cầu đặt ra

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 62 - 64)

7. Kết cấu của Luận văn

3.1. Những yêu cầu đặt ra

Trong điều kiện nền kinh tế xã hội hiện nay của nước ta, pháp luật về thu BHXH nói riêng và hệ thống quy phạm pháp luật về BHXH nói chung cần phải được xây dựng, và hoàn thiện theo những định hướng sau:

Tuân theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đây là định hướng đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thu BHXH. Định hướng này yêu cầu pháp luật về thu BHXH phải là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phải đảm bảo được mục tiêu đổi mới và tiến bộ. Định hướng này nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng của các bên tham gia BHXH, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động trong quá trình lao động và sau lao động. Đây là định hướng hết sức quan trọng, vì từ đây, các nhà hoạch định, xây dựng chính sách BHXH, nhất là các chính sách có liên quan trực tiếp đến mức đóng, mức hưởng BHXH cũng như việc quy định các điều kiện được hưởng. Nếu trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách mà xa rời định hướng này, thì chính sách khi xây dựng xong, đưa vào thực hiện trong cuộc sống sẽ không đảm bảo tính khả thi, nhất là mỗi khi Đảng và Nhà nước có chủ trương mở rộng đối tượng tham gia cũng như tăng thêm quyền lợi BHXH được hưởng cho đối tượng.

Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia và phát triển với mục đích vì lợi ích và đảm bảo lợi ích của toàn dân. Định hướng này xuất phát từ bản chất của nền an sinh xã hội nói chung, đối tượng hướng tới của ASXH là toàn bộ nhân dân và người lao động, tất cả đều cần được bảo đảm cuộc sống. Nó cũng nhằm đảm bảo nguyên tắc cộng đồng chia sẻ rủi ro, đảm bảo khả năng chi trả và tăng trưởng của quỹ BHXH, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về BHXH theo quy định của pháp luật. Về định hướng này, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ: "Từng bước mở rộng vững chắc hệ thống bảo hiểm và an sinh xã hội, tiến tới áp dụng chế độ BHXH cho mọi người lao động; mọi tầng lớp nhân dân.

56

Nhà nước thống nhất ban hành chế độ, chính sách BHXH theo hướng phát huy quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia BHXH, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước. Đối với các nước phát triển, hoạt động BHXH của họ đã có từ rất nhiều năm và cơ bản là ổn định vì các chế độ chính sách BHXH của họ luôn tuân theo cơ chế thị trường. Ở những nước này, các chính sách lớn về an sinh xã hội vẫn được Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống chính sách của Nhà nước, thì các tổ chức tư nhân cũng được phép tham gia hoạt động và tất nhiên là trong khuôn khổ luật pháp quy định. Đối với nước ta, thời gian thực hiện chế độ chính sách BHXH chưa phải là dài, hơn nữa lại thực hiện chủ yếu trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, quỹ BHXH chỉ tồn tại trên danh nghĩa còn thực tế thì không, chúng ta lại mới chuyển đổi chính sách, cơ chế hoạt động BHXH sang cơ chế mới mà dựa trên nguyên tắc có đóng BHXH mới được hưởng BHXH. Nên việc Nhà nước thống nhất ban hành các chế độ, chính sách BHXH là điều cần thiết, vì chỉ có như vậy hoạt động BHXH mới đạt hiệu quả thông qua việc đảm bảo bằng pháp luật của Nhà nước.

Đảm bảo tính kế thừa và phát triển dựa trên điều kiện kinh tế văn hóa xã hội của đất nước; đồng thời có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc học tập kinh nghiệm của các nước bạn trong giai đoạn hiện nay là điều rất cần thiết khi nước ta còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Tuy nhiên, việc đưa ra những đường lối, chính sách mới phải đáp ứng được yêu cầu phù hợp, gắn liền với thực tế đất nước, như vậy mới có thể đảm bảo được tính khả thi và hiệu quả. Định hướng này nhằm đảm bảo quan hệ hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội; có tác dụng thúc đẩy cải cách kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là một chính sách xã hội lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của hàng triệu lao động tham gia và hưởng BHXH, nhất là những người hưởng BHXH trước năm 1995 và những người có thời gian làm việc trước năm 1995 nhưng lại hưởng BHXH từ 1995 trở đi. Để giải quyết quyền lợi của các đối tượng này, chính sách BHXH trong thời kỳ đổi mới không thể "cắt đoạn" từ 1995 trở đi mà đòi hỏi phải có các quy định linh hoạt phù

57

hợp với tình hình của từng giai đoạn để xem xét, giải quyết. Đặc thù trên của chính sách BHXH đã tự nó đòi hỏi phải có tính kế thừa; nếu không kế thừa những nội dung, những quy định hợp lý của chính sách BHXH đã ban hành trước thời kỳ đổi mới, thì quyền lợi của không ít người lao động sẽ bị thiệt thòi, thậm chí không thể giải quyết được. Chính sách BHXH trong thời kỳ đổi mới không chỉ kế thừa những nội dung, những quy định hợp lý của các chính sách đã ban hành, mà điều quan trọng hơn là phải thể hiện được sự đổi mới, phát triển của BHXH phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời theo kịp với các nước trong khu vực và thế giới về lĩnh vực BHXH.

Tích cực tăng trưởng quỹ BHXH, đảm bảo số thu BHXH luôn cao hơn số phải chi các chế độ BHXH và có kết dư quỹ để đảm bảo khả năng chi trả bền vững, an toàn và hiệu quả. Định hướng này yêu cầu phải thường xuyên có sự đánh giá tỷ lệ thu BHXH và chi các chế độ BHXH hàng năm cũng như mức độ đáp ứng được nhu cầu chi trả để có những định hướng điều chỉnh phù hợp.

Phát triển theo chiều hướng hiện đại hóa, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng khoa học hiện đại, công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý và thực hiện nhiệm vụ. Trong giai đoạn hiện nay, khi khoa học hiện đại phát triển, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ thu BHXH nói riêng và nhiệm vụ của ngành BHXH nói chung là một công cụ hữu hiệu giúp ích trong việc nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ của ngành BHXH.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)