Quy định về tỷ lệ thu bảo hiểm xã hội

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 33 - 34)

7. Kết cấu của Luận văn

2.1.3.Quy định về tỷ lệ thu bảo hiểm xã hội

Mức đóng BHXH là tỷ lệ đóng góp vào quỹ BHXH của người tham gia BHXH tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ tham gia BHXH.

Mức đóng BHXH có sự quy định khác nhau giữa hai nhóm đối tượng, một là người lao động, hai là người sử dụng lao động. Sự khác nhau đó thể hiện như sau:

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 12/CP: Người lao động đóng BHXH bằng 5% tiền lương hàng tháng còn người sử dụng lao động đóng BHXH bằng 15% tính trên tổng quỹ tiền lương của những người tham gia BHXH trong đơn vị. Số tiền đóng vào quỹ BHXH của người lao động và người sử dụng lao động được phân bổ vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH (5 % đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động đóng toàn bộ, 15% còn lại phân bổ vào quỹ hưu trí và tử tuất).

Mức đóng BHXH kể trên được đúc kết trên cơ sở có sự cân đối giữa tổng số thu BHXH và tổng số chi BHXH hàng năm đồng thời có tính đến khả năng đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, trong một thời gian dài, mức đóng góp như vậy đã đảm bảo khả năng chi trả các chế độ BHXH và có phần kết dư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Tuy nhiên, đây vẫn là lối quy định cứng một vấn đề dẫn đến hạn chế. Mức đóng góp theo quy định của Nghị định 12/CP chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định, vẫn cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

Mức đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trong Luật BHXH năm 2006 không quy định cứng nhắc mà mang tính lộ trình, có sự quy định cụ thể mức đóng góp vào các quỹ thành phần, cụ thể như sau:

Đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều 2 Luật BHXH, người lao động đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất ở mức 5%, từ năm 2010 trở đi cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%;

27

người sử dụng lao động đóng BHXH ở mức 15%, trong đó 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, 1% đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 11 % đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, từ năm 2010 trở đi cứ hai năm một lần đóng thêm vào quỹ hưu trí và tử tuất 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%.

Đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 điều 2 Luật BHXH (người lao động là hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn), mức đóng BHXH là 17%, trong đó 1% đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 16% đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, từ năm 2010 trở đi cứ hai năm một lần đóng thêm vào quỹ hưu trí và tử tuất 2% cho đến khi đạt mức đóng là 23%. Trách nhiệm đóng BHXH của nhóm đối tượng này chỉ thuộc về người sử dụng lao động.

Mức đóng BHXH tự nguyện là 16% mức thu nhập do người lao động lựa chọn, từ năm 2010 trở đi cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.

Quy định về mức đóng BHXH theo lộ trình tăng dần cho thấy một tầm nhìn dài hạn, hạn chế được sự tụt hậu so với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Khi diện bao phủ của BHXH thêm rộng, người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH tăng lên thì nhu cầu của sự chi trả các chế độ BHXH cũng tăng lên theo đó. Điều đó đòi hỏi phải có sự lớn mạnh, sự kết dư an toàn và sự tăng trưởng hiệu quả của quỹ BHXH. Việc tăng mức đóng chính là biện pháp hữu hiệu để tăng nguồn quỹ BHXH. Hơn nữa, khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân được cải thiện thì việc tăng mức đóng BHXH cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống của người lao động.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 33 - 34)