Những hạn chế còn tồn tại

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 50 - 62)

7. Kết cấu của Luận văn

2.2.2.Những hạn chế còn tồn tại

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình thực hiện pháp luật về thu BHXH của tổ chức BHXH Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trên nhiều phương diện:

Một là, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn gặp nhiều hạn chế:

Số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tuy có tăng lên theo từng năm nhưng còn thấp hơn nhiều so với số thực tế phải tham gia theo Luật định. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, hiện nay trên cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn 5 triệu lao động

44

chưa được tham gia BHXH, BHYT, như vậy đồng nghĩa rằng trên 5 triệu người này đã mất quyền an sinh xã hội cơ bản [40]. Điều này xuất phát chủ yếu từ tính tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao, cố tình trốn đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Mặt khác, một bộ phận người lao động thiếu hiểu biết luật pháp, không dám đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Bên cạnh đó, người lao động hoạt động lao động sản xuất trong nhiều thành phần kinh tế khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau; tập quán, thói quen sinh hoạt cũng như trình độ hiểu biết có khác nhau nên việc thực hiện BHXH cho tất cả lao động xã hội là một vấn đề khó khăn lớn đặt ra. BHXH là sản phẩm của nền kinh tế thị trường phát triển; tuy nhiên do hoàn cảnh sống, trình độ nhận thức, tập quán thói quen sản xuất và sinh hoạt có sự khác nhau, do đó mà khi thực hiện BHXH thì việc vận động người lao động tham gia BHXH sẽ gặp khó khăn không nhỏ, hiệu quả thực hiện BHXH cũng vì vậy mà không đạt được hiệu quả cần thiết.

Tình trạng trốn tránh tham gia BHXH chủ yếu do nhóm quy định về đối tượng tham gia BHXH còn nhiều kẽ hở. Theo quy định hiện nay, đối tượng tham gia BHXH là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu người lao động và người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động thì người lao động đương nhiên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong trường hợp này, người lao động và người sử dụng lao động chỉ vi phạm pháp luật về lao động mà không vi phạm pháp luật về BHXH. Cơ quan quản lý về lao động nếu không kiểm tra, phát hiện kịp thời để yêu cầu ký bổ sung hợp đồng lao động thì cơ quan BHXH không có căn cứ để yêu cầu đối tượng vi phạm tham gia BHXH.

Luật BHXH năm 2006 cũng quy định đối tượng thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHXH là lao động có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Quy định này dẫn đến tình trạng những lao động ký hợp đồng lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng không được tham gia BHXH dù họ cũng có mối quan hệ ràng buộc với đơn vị sử dụng lao động là hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, dựa vào quy định này mà nhiều chủ sử

45

dụng lao động trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động thông qua việc ký các loại hợp đồng thời vụ, hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng.

Tuy pháp luật Lao động hiện nay đã có quy định trách nhiệm về BHXH của chủ sử dụng lao động trong trường hợp ký hợp đồng lao động thời vụ, hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng, đó là trách nhiệm trích phần tiền BHXH trả vào lương để người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Việc trích tiền BHXH trả vào lương cho người lao động hiện nay khó có thể kiểm tra, đánh giá được mức độ tuân thủ do không có cơ chế đảm bảo thực hiện. Bên cạnh đó, phần lớn người lao động trong trường hợp này đều không tham gia BHXH tự nguyện.

Luật BHXH năm 2006 cũng chưa quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương trong khi họ cũng như nhóm đối tượng bắt buộc kể trên, cần đến chính sách BHXH. Như vậy là đã có một bộ phận người lao động không được đảm bảo cuộc sống bằng chính sách an sinh xã hội của Đảng.

Sự chưa hợp lý đó tồn tại trong một thời gian dài nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi. Luật BHXH năm 2014 được ban hành trong đó có nội dung bổ sung thêm các nhóm đối tượng kể trên vào quy định đối tượng có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng, lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Mặt khác, hiện nay chưa có quy định và quy chế phối hợp trong việc xác định và quản lý số lượng đơn vị, doanh nghiệp và số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc giữa các đơn vị liên quan từ Trung ương đến địa

phương. Khó xác định chính xác số đơn vị và số lao động phải tham gia BHXH

nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Trong khi chế tài chưa đủ mạnh, chưa quy định xử lý hình sự đối với việc cố tình trốn tham gia BHXH xâm phạm đến

quyền, nghĩa vụ của người lao động.

Về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tuy đã được đầu tư quan tâm nhưng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp so với tiềm năng có

46

thể đạt được và cũng không đồng đều giữa các địa phương, các nhóm đối tượng. Do chính sách BHXH tự nguyện khá hạn chế so với BHXH bắt buộc, đặc biệt là về các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động nên chưa thu hút được nhiều người tham gia. Nhận thức và thu nhập của người lao động thuộc diện đối tượng này còn thấp, không ổn định nên không mấy quan tâm đến việc tham gia BHXH. Đa số người tham gia BHXH tự nguyện đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian để tính hưởng chế độ hưu trí nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ thời gian. Vì vậy, trên thực tế việc phát triển nhóm đối tượng này còn rất hạn chế.

Quy định về độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện còn chưa phù hợp. Luật BHXH năm 2006 quy định độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện bị giới hạn trong khoảng từ 18 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Bản chất của BHXH chính là nhằm bù đắp cho phần thu nhập đang có bị giảm hoặc mất do những rủi ro hoặc những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, đối tượng được bù đắp chính là người lao động. BHXH tự nguyện là loại hình BHXH dành cho những đối tượng không thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, tức là nhóm đối tượng làm nghề tự do, không có mối quan hệ ràng buộc về hợp đồng lao động, công việc không ổn định, lâu dài mà thực tế ở nước ta đối tượng này rất phổ biến ở độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi. Quy định này cũng là một thiếu sót trong chủ trương đưa BHXH đến với mọi người lao động, BHXH đã không bảo đảm được cuộc sống cho nhóm lao động này. Khắc phục hạn chế kể trên, Luật BHXH mới đã bỏ quy định tuổi trên tham gia BHXH tự nguyện để phù hợp và hiệu quả hơn trong chính sách về BHXH tự nguyện.

Hai là, tiền lương, tiền công làm căn cứ tham gia BHXH được quy định chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Luật BHXH năm 2006 quy định căn cứ tính BHXH cho nhóm lao động ngoài quốc doanh là lương theo hợp đồng lao động, quy định như vậy dẫn đến tình trạng các ông chủ chia nhỏ thu nhập của người lao động thành các khoản nhỏ để tham gia BHXH với mức không đúng và thấp hơn thu nhập thực tế. ngoài việc trốn

47

đăng ký số người tham gia hoặc thu BHXH của người lao động nhưng không đóng BHXH cho cơ quan BHXH, đơn vị sử dụng lao động còn tìm cách lách luật bằng hình thức cố tình ký hợp đồng lao động bằng hoặc cao hơn một ít so với mức tiền lương tối thiểu hoặc ký hai hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau và lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan BHXH (ước tính lương đóng BHXH của doanh nghiệp chỉ bằng 50% thu nhập thực tế của người lao động).

Luật BHXH năm 2014 quy định thêm khoản thu nhập phải đóng BHXH là các khoản phụ cấp theo pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, cách quy định rất chung chung như vậy càng gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Thực tế hiện nay đã xuất hiện rất nhiều loại phụ cấp ngoài lương mà không nằm trong quy định nào như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp sinh hoạt, phụ cấp con nhỏ… Việc phân định phụ cấp như thế nào là phụ cấp theo pháp luật về lao động để tính là khoản thu nhập phải đóng BHXH rất khó. Thu nhập của những người lao động trong lực lượng lao động xã hội lại khác nhau, kể cả về hình thức thu nhập và mức thu nhập, thu nhập không phải là luôn luôn ổn định. Do đó để tìm ra căn cứ để người lao động tham gia và xác định mức hưởng của họ theo thu nhập là một điều rất khó khăn.

Bên cạnh đó, tiền lương, tiền công của người lao động dùng để làm cơ sở đóng BHXH chưa căn cứ vào thu nhập thực tế từ lao động của người lao động dẫn đến sự chênh lệch lớn về thu nhập khi nghỉ hưu.

Thực tế cũng cho thấy do quy định cứng căn cứ tham gia BHXH là lương hợp đồng nên rất nhiều năm người lao động đóng BHXH chỉ theo một mức. Theo quy định, người lao động phải đóng BHXH bằng lương ghi trong hợp đồng lao động, lương hợp đồng lao động phải căn cứ trên thang, bảng lương đã xây dựng và thang, bảng lương xây dựng phải phù hợp với thực tế và phải căn cứ vào pháp luật (phải cao hơn hoặc bằng lương tối thiểu vùng…). Với tính chất bắc cầu, người sử dụng lao động không thông qua các bước bắc cầu đó mà có cách nghĩ là lương tham gia BHXH cao hơn hoặc bằng lương tối thiểu vùng, và từ đó ký hợp đồng lao động

48

sao cho lương cao hơn hoặc bằng lương tối thiểu vùng, không căn cứ vào thực tế và không căn cứ vào thang, bảng lương. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cơ quan BHXH chỉ có thẩm quyền xem xét mức lương tham gia BHXH so với lương ghi trong hợp đồng lao động, việc so sánh với thang, bảng lương và thu nhập thực tế thuộc về cơ quan quản lý về lao động. Nếu như cơ quan quản lý về lao động không sát sao, kịp thời trong việc quản lý về tiền lương và thu nhập của người lao động dẫn đến hợp đồng lao động ký với mức lương không phù hợp, không ký phụ lục hợp đồng khi có sự thay đổi về lương, không tăng lương theo thang, bảng lương… thì cơ quan BHXH không có căn cứ để yêu cầu người sử dụng lao động điều chỉnh mức đóng BHXH cho người lao động. Khi kiểm tra phát hiện, cơ quan BHXH phải làm qua một quy trình đó là kiến nghị cơ quan quản lý về lao động xử lý vi phạm sau đó mới có đủ cơ sở đều yêu cầu đơn vị sử dụng lao động điều chỉnh mức đóng. Điều đó dẫn đến sự chậm trễ, không kịp thời trong xử lý vi phạm …

Quy định về tiền lương tham gia BHXH cho người lao động từ trước đến nay vẫn bỏ sót một nhóm đối tượng, đó là nhóm đối tượng hưởng lương theo sản phẩm, không có mức lương ổn định hàng tháng. Đối với nhóm lao động này, các doanh nghiệp hiện nay đóng BHXH ở mức tối thiểu theo quy định. Tuy rõ ràng là biết không đúng quy định nhưng không có cơ sở để xử lý.

Ba là, tình hình nợ đọng BHXH ngày càng kéo dài với những con số đáng báo động.

Về cơ bản, tình hình thu BHXH trong những năm gần đây vẫn bảo đảm kế hoạch và đúng với quy định của pháp luật. Để có được kết quả này, BHXH Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp như: Phạt do chậm đóng; đăng tên các đơn vị nợ BHXH trên báo của Ngành và báo địa phương; định kỳ hàng tháng báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn để xin ý kiến chỉ đạo; thành lập Tổ thu nợ BHXH liên ngành ở cấp tỉnh; tăng cường việc khởi kiện đối với đơn vị nợ đọng BHXH với thời gian kéo dài, số tiền nợ nhiều... và bám sát từng đơn vị sử dụng lao động để kiểm tra, đôn đốc việc

49

thu nộp BHXH; phối hợp với đơn vị giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng

mắc.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng tiền BHXH đã và đang diễn ra phổ biến theo chiều hướng phức tạp và nghiêm trọng ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở những tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn và các đơn vị nợ BHXH nhiều tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nhiều đơn vị nợ đọng do gặp khó khăn thực sự về mặt tài chính nhưng cũng có không ít đơn vị cố tình nợ tiền BHXH hoặc sử dụng tiền BHXH vào mục đích khác. Đặc biệt có một số đơn vị nợ trong thời gian dài, có nhiều nguy cơ không còn khả năng thanh toán. Cụ thể, theo báo cáo của BHXH Việt Nam năm 2013, tổng số nợ BHXH là 9.915 tỷ đồng (bằng 7,37% tổng số thu, tăng 2.234 tỷ đồng so với năm 2012). Trong đó nợ BHXH là 6.757 tỷ đồng, nợ BHTN 589 tỷ đồng (ngân sách địa phương nợ 303 tỷ đồng), nợ BHYT là 2.569 tỷ đồng (ngân sách địa phương nợ 1.599 tỷ đồng). Trong tổng số nợ thì doanh nghiệp nhà nước nợ 1.230 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 4.468 tỷ đồng (tư nhân nợ 51 tỷ đồng) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 1.315 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2014, có 47.315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia BHXH còn nợ tiền BHXH, BHYT với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu. Như vậy con số này đã tăng rất nhanh so với con số nợ đọng mà BHXH thống kê trong năm 1997 (307 tỷ đồng) và năm 2007 (1.734 tỷ đồng). Đáng chú ý là trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT có đến trên 8.000 đơn vị đã ngừng hoạt động (7.000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH) với số lao động lên đến hơn 30.000 [40]. Số nợ BHXH tính đến 31/12/2014 có giảm hơn so với năm 2013 nhưng vẫn là con số đáng báo động, cả nước còn nợ BHXH tổng số tiền 7.273 tỷ đồng (bằng 4,1% so với tổng kế hoạch thu năm 2014), trong số đó nợ BHXH là 5.553 tỷ, nợ BHYT là 1.339 tỷ, nợ BHTN là 380 tỷ đồng [29].

Nguyên nhân của tình trạng này là do:

Các doanh nghiệp và người lao động chưa có ý thức tự giác tham gia BHXH mà chỉ coi đó là một điều kiện bắt buộc để có thể sản xuất kinh doanh theo các quy

50

định của Nhà nước. Người lao động chưa ý thức được những quyền lợi mà mình được hưởng khi tham gia BHXH, trong khi đó người sử dụng lao động lại muốn tiết kiệm một phần chi phí sản xuất kinh doanh đáng lẽ ra phải đóng góp BHXH cho người lao động của mình. Có lúc, có nơi người lao động và người sử dụng lao động đã đồng tình với nhau để không tham gia BHXH, họ mong có được thêm một khoản thu nhập từ nguồn tiền đóng vào BHXH, họ sử dụng tiền đóng BHXH để chia nhau. Cũng có tình trạng một số doanh nghiệp (trong đó có cả những doanh nghiệp Nhà nước) đã cố tình chiếm dụng số tiền đóng BHXH cho người lao động để sử dụng

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hoạt động thu bảo hiểm xã hội của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trang 50 - 62)