Mức vốn pháp định không có tính ổn định

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về vốn điều lệ trong công ty cổ phần ở Việt Nam (Trang 63 - 64)

Về cơ bản, vốn pháp định ở Việt Nam chỉ áp dụng trong những ngành, nghề kinh doanh cụ thể do văn bản dưới luật chuyên ngành điều chỉnh quy định cụ thể mức vốn, không như đa phần các nước khác là vốn pháp định áp dụng theo loại hình doanh nghiệp và được điều chỉnh cụ thể trong văn bản luật về doanh nghiệp. Trong khi đó, ở nhiều nước, vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp lại có cách tiếp cận khác, đó là quy định vốn pháp định áp dụng theo từng loại hình doanh nghiệp, hoặc một mức thống nhất cho doanh nghiệp, chứ không áp dụng theo từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể như tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các dẫn chứng sau: Ở Phần Lan, vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp mà quốc gia này quy định chung là 2.500 euro. Ở Hàn Quốc, một công ty cổ phần trong lĩnh vực đầu tư phải có vốn tối thiểu 1 tỷ won. Ở Đức, thành lập CTCP phải có tối thiểu là 50.000 euro. Ở Anh Quốc, thành lập công ty cổ phần thì phải có tối thiểu 50.000 euro và ít nhất ¼ trong số đó phải được thành toán đủ khi thành lập. Ở Pháp, để thành lập CTCP thì phải có ít nhất 37.000 euro. Ở Nga, vốn điều lệ để thành lập một CTCP đóng là 10.000 RUP, tương đương khoảng 300 đô la Mỹ, vốn điều lệ để thành lập một CTCP mở là 100.000 RUR, khoảng 3.000 đô la Mỹ [32]. Việc quy định cụ thể và quy định trong các văn bản luật như vậy giúp cho việc đăng ký kinh doanh và góp vốn đầu tư của nhà đầu tư được ổn định lâu dài. Mặc dù ở Việt Nam, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định cụ thể điều kiện đó như thế nào lại là phần việc được giao rải rác cho các văn bản luật chuyên ngành khác nhưng nhiều hơn cả là giao cho các văn bản dưới luật. Với quy trình việc xây dựng văn bản dưới luật như hiện nay thì việc thay đổi mức vốn điều lệ của một ngành nghề kinh doanh

57

nào đó có vẻ như là khá dễ dàng. Như trường hợp điều chỉnh vốn pháp định trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi vì các quy định này đều nằm trong các Nghị định của Chính phủ nên sự thay đổi diễn ra hết sức chóng vánh, khiến cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tỏ ra hết sức lúng túng từ con số 50 (70) tỷ đồng theo Nghị định 82/1998/NĐ-CP lên 1.000 tỷ đồng theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP rồi đến 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 10/2011/NĐ-CP ngày 26/01/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 141/2006/NĐ-CP, dự kiến còn có thể tăng lên đến 5.000 tỷ và có thể là 10.000 tỷ đồng theo định hướng của Chính phủ, các quy định này đã gây xáo trộn lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, làm cho cung cầu tiền tệ trên thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo hàng loạt các thủ tục hành chính mà lẽ ra chúng phải được giảm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như: doanh nghiệp phải làm thủ tục xin phép Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho phát hành chứng khoán để tăng vốn trên thị trường chứng khoán, phải làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương thức tăng vốn, phải làm đơn xin lùi thời hạn tăng vốn pháp định nếu như tạm thời chưa đáp ứng được mức vốn yêu cầu. Hơn nữa, việc quy định vốn pháp định và thay đổi mức vốn nhiều lần trong thời gian ngắn cũng gây bức xúc cho doanh nghiệp. Điều đó thể hiện chính sách thiếu nhất quán mang tính lâu dài trong công tác quản lí nhà nước cho vấn đề vốn pháp định. Chính việc quy định vốn pháp định trong các văn bản dưới luật cũng dẫn đến hệ quả là so với nhiều nước trên thế giới thì vốn pháp định ở Việt Nam không có tính ổn định cao bằng, đó là điều tất yếu.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về vốn điều lệ trong công ty cổ phần ở Việt Nam (Trang 63 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)