4. Những đóng góp mới của luận án
3.3.2.2. Hình thái và cấu tạo nội quan
Mang là đơn vị cấu trúc đặc thù của cá dùng để hô hấp, có cấu tạo đa dạng. Ở cá Chình hoa, cấu tạo của mang gồm có 4 đôi cung mang, xếp đối diện nhau nằm ở hai bên đầu. Vị trí của mang nằm ở phía sau miệng, trước vây ngực. Trên mỗi đôi cung mang có hai tấm lược mang do nhiều tia mang mảnh, dài, màu đỏ, vách mỏng, xếp khít nhau tạo thành. Đối diện với các phiến mang là một hàng lược mang, lược mang thưa và lớn dần theo hướng từ ngoài vào trong (Hình 3.21).
Hình 3.22. Hình thái nội quan của cá Chình hoa
Thực quản của hầu hết các loài cá thường ngắn và có tính ăn khác nhau thì độ đàn hồi của thực quản cũng khác nhau và làm vụ của thực quản là đưa thức ăn xuống dạ dày. Đây là phần nối tiếp xoang miệng hầu, sự phân chia thực quản và dạ dày không rõ ràng. Đối với loài cá Chình hoa thực quản có dạng hình ống, ngắn, vách dày, mặt trong có nhiều nếp gấp nên có độ co dãn tốt (Hình 3.22).
Gan là tuyến tiêu hóa lớn nhất của cá và làm nhiệm vụ quan trọng giúp tiết ra dịch mật màu vàng xanh đổ vào túi mật và ruột non qua ống dẫn mật, đồng thời gan còn là nơi giải độc cho cơ thể. Gan của cá Chình hoa to, màu nâu vàng sẫm đến nâu đỏ nhạt. Nằm ở phần đầu của xoang nội quan, bị che khuất bởi thực quản và dạ dày. Túi mật của cá Chình hoa nằm tách rời, phía dưới gan và bị che khuất. Túi mật to, hình ovan, có màu xanh vàng nâu sẫm, chứa dịch mật màu vàng xanh, có ống dẫn từ gan xuống và một ống dẫn xuống đầu ruột trước gần giáp dạ dày (Hình 3.22).
Bóng hơi là một nội quan có hình dạng như một chiếc túi chứa không khí giúp cá có thể điều chỉnh tỉ trọng, cân bằng trọng tâm và khả năng nổi của chúng, điều này khiến cá có thể lơ lửng ở một độ sâu nhất định mà không cần phải bơi, về mặt tiến hóa, được xem là tương đương với phổi [86]. Bóng hơi của cá Chình hoa nằm dọc thân, bắt đầu phía sau của dạ dày tới hậu môn. Bóng hơi của cá Chình hoa nhỏ so với kích thước cơ thể phù hợp với điều kiện sống của loài. Bóng hơi của cá Chình hoa được chia làm 2 thùy không rõ ràng. Bóng hơi có nhiều mạch máu phân bố, đồng thời nó có độ dày và co thắt tốt do cá phải thích nghi với cả hai môi trường nước ngọt và nước mặn.
Dạ dày là cơ quan nằm nối tiếp sau thực quản, nơi chứa thức ăn và tiết men tiêu hóa tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn. Dạ dày cá Chình hoa có dạng hình túi, rất to, vách dày, mặt trong có nhiều nếp gấp tạo độ đàn hồi cao và chứa thức ăn có kích thước lớn một cách dễ dàng (Hình 3.22). Tỷ lệ giữa chiều dài dạ dày so với chiều dài thân giao động trong khoảng 26,5 – 35,3 % (30,90 ± 2,42 %) (Bảng 3.12). Dạ dày thường có mối quan hệ với thức ăn và kích thước con mồi. Những loài cá có dạ dày lớn thì có thể ăn được những con mồi có kích thước lớn và ngược lại [23]. Điều này cũng quan sát được đối với loài cá Chình hoa có thể ăn được các thức ăn có kích cỡ lớn.
Bảng 3.12. Chiều dài dạ dày và ruột của cá Chình hoa
Chỉ số TB±SD Min - Max
Dài dại dày (mm) 138,1± 72,38 31,8 - 398,5
Dài dạ dày/chiều dài thân (%) 30,9± 2,42 26,5 - 35,3 Chiều dài ruột (mm) 167,3± 91,63 38,5 - 470,7
RLG 0,37 ± 0,041 0,30 - 0,43
Ruột là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa trước khi đổ ra hậu môn, có nhiệm vụ tiết ra men tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, tiếp nhận men tiêu hóa do các tuyến tiêu hóa khác chuyển đến và hấp thu chất dinh dưỡng đưa vào máu. Đối với cá Chình hoa ruột có dạng hình ống, gấp khúc và khá ngắn, ruột trước ngắn hơn ruột sau. Vách ruột dày, mặt trong có nhiều nếp gấp (Hình 3.22). Tỷ lệ giữa chiều dài ruột với chiều dài thân (RLG) của cá Chình hoa giao động trong khoảng 0,30 – 0,43 (Bảng 3.12) (RLG < 1). Những nghiên cứu về chiều dài ống tiêu hóa của các loài cá phụ thuộc vào loại thức ăn tự nhiên mà chúng tiêu thụ, chiều dài ống tiêu hóa tăng theo sự gia tăng tỷ lệ các loại thực vật trong khẩu phần ăn của chúng [23]. Các cá thể trong cùng một loài thì chỉ số RLG cũng khác nhau và tùy theo giai đoạn phát triển của chúng [85]. Cá càng lớn giá trị RLG sẽ càng tăng (Girgis, (1952) trích dẫn bởi Phạm Thanh Liêm và Trần Đắc Định, 2004) [23]. Những loài cá có tập tính ăn thiên về động vật sẽ có chỉ số RLG ≤ 1, cá ăn tạp có RLG từ 1 - 3 và ăn thiên về thực vật khi RLG > 3 [175]. Điều này phù hợp và có nghĩa với cá Chình hoa có tính ăn thiên về động vật.