Thành phần loài và phân bố

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm phân bố, hình thái, cấu trúc di truyền tiến hóa cá Chình hoa Thừa Thiên Huế (Trang 28 - 30)

4. Những đóng góp mới của luận án

1.2.1.Thành phần loài và phân bố

Cá Chình là nhóm cá xương bao gồm 820 loài được phân loại thành 20 họ, 147 giống và đều trải qua giai đoạn ấu trùng leptocephalus độc đáo [138]. Không có thông tin có bao nhiêu loài Anguilla đã tồn tại trên Trái Đất trong suốt 50 triệu năm qua. 19 loài và phân loài đã được xác định một cách rõ ràng thông qua các đặc điểm hình thái và mã vạch DNA [160]. Tất cả các loài đều có sự di cư sinh sản giữa vùng đại dương và các thủy vực nội địa [71]. Chúng có phân bố ở vùng nhiệt đới, ôn đới và cận nhiệt đới và được xem như có mặt trên toàn cầu, ngoại trừ các lục địa liền kề Nam Đại Tây Dương và các đại dương phía Đông Thái Bình Dương [102]. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng giống Anguilla có nguồn gốc ở vùng biển Indo-Thái Bình Dương [217]. Các mối quan hệ phát sinh gen được đề xuất gần đây cộng với kiến thức hiện tại của cá Chình Anguilla cho thấy quá trình di cư dài là một sự thích nghi của các loài [217].

Trong giống Anguilla, cá Chình hoa (A. marmorata) là loài có kích thước lớn, chúng có một cơ thể mạnh mẽ lép dần về phía sau. Thân rất dài, hình trụ tròn, không có vảy. Miệng to, khe miệng kéo đến ngang rìa sau mắt, lưỡi tự do, trên hai hàm và khẩu cái đều có răng. Khe mang thẳng góc với trục thân. Loài này có vây ngực lớn, gần như hình tròn, không có vây bụng. Vây lưng có nguồn gốc phía sau vây ngực. Vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi dính liền nhau, đều và tương đối phát triển, khoảng cách từ khởi điểm vây lưng đến vây hậu môn lớn hơn từ đó đến khe mang, hậu môn ở nửa trước của thân [133]. Tất cả các vây đều tối, đường bên được hoàn thiện với các lỗ rất nhỏ và các vảy nhỏ được sắp xếp theo kiểu đan rổ có trong cá chình lớn nhưng không có ở những con nhỏ. Da có màu vàng đến ô liu hoặc nâu, lốm đốm với màu nâu xanh đậm với màu

nhạt hơn bên dưới. Cá Chình hoa được cho là có từ 100 - 110 đốt sống và có thể đạt tới chiều dài 2 m [181].

Cá Chình hoa là loài có phân bố địa lý rộng nhất ở hai đại dương (nhiệt đới và cận nhiệt đới trung tâm Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương). Phạm vi của nó bao gồm bờ biển phía Đông châu Phi, phía Đông qua Ấn Độ Dương [102], Ấn Độ và Sri Lanka, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indonesia, Philippines, Papua New Guinea) và xa nhất là các chuỗi đảo ở trung tâm Nam Thái Bình Dương. Theo chiều dọc, loài này phân bố ở phía Tây Nam Nhật Bản, Đài Loan và Đông Nam Trung Quốc (ví dụ, thượng lưu sông Mê Kông, sông Dương Tử, sông Xijiang và Chu Giang, ở phía Nam qua Việt Nam, Malaysia, nhất là Nam Cape ở Nam Phi [238]. Ở châu Phi, sự phân bố của loài bị giới hạn ở miền Nam châu Phi, phổ biến hơn ở phía Nam sông Limpopo [202]. Theo Minegishi và cs (2008) [161], các tiểu quần thể cá Chình hoa ở Bắc Thái Bình Dương được cho là hoàn toàn hỗn giao (panmitic) trong khi đó các quần thể ở Ấn Độ Dương - Nam Thái Bình Dương có một cấu trúc tách biệt (metapopulation).

Cá Chình hoa được tìm thấy trong môi trường nước ngọt, nước lợ và mặn [155]. Giai đoạn tăng trưởng cá Chình có thể chỉ từ hai đến ba năm trong môi trường sinh sản ấm áp, nhưng khoảng sáu đến 20 năm hoặc hơn ở các vĩ độ phía Bắc. Cá Chình bạc trưởng thành di cư đến các vùng biển sâu ít dinh dưỡng, sinh sản ở độ sâu 150 đến 300 m [181]. Quá trình sinh sản của cá Chình hoa được cho là ở cùng khu vực đại dương với các loài cá Chình Anguilla khác, chẳng hạn như A. japonica [219]. Các khu vực sinh sản khác của loài này vẫn chưa được xác định rõ [185], [144], ngoại trừ quần thể Bắc Thái Bình Dương, nơi sinh sản trưởng thành được tìm thấy ở phía tây Quần đảo Mariana [96] và ấu trùng giai đoạn đầu (tiền leptocephali) được tìm thấy ở cùng khu vực [145]. Các bộ sưu tập mở rộng được tạo ra từ ấu trùng của A. japonicaA. marmorata của quần thể Bắc Thái Bình Dương trong một khu vực chồng lấn của khu vực Xích đạo phía Bắc của Tây Bắc Thái Bình Dương, nhưng các chiến lược sinh sản của chúng khác nhau [145]. Do đó có sự tranh luận đáng kể về việc có bao nhiêu quần thể cá Chình hoa tồn tại và có bao nhiêu khu vực sinh sản khác nhau [108], [236], [237].

Ở Việt Nam, cá Chình hoa phân bố ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên đặc biệt là vùng đầm Châu Trúc ở tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế (Sông Hương), Gia Lai (Sông Ba), Quảng Ngãi (Sông Trà Khúc), các khu vực khác ở phía Bắc thì rất hiếm. Cá Chình hoa thường sống được hầu hết các thủy vực, tập trung nhiều ở thượng lưu của các sông, ở những nơi gần núi đá, có nhiều hang hốc, vùng hạ lưu có nước chảy mạnh. Khu vực cá Chình hoa phân bố nhiều và có ý nghĩa kinh tế trong khai thác tự nhiên tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Theo Võ Văn Phú và Nguyễn Thanh Đăng (2007) [33], cá Chình hoa tập trung nhiều ở khu vực này có thể vì biển ở đây có các dòng hải lưu chạy sát vào bờ tạo điều kiện thuận lợi cho các ấu thể từ vùng biển mà cá đẻ trứng tiếp cận vào sát bờ. Đồng thời khu vực này

có nhiều vũng, vịnh, đầm phá nước lợ, là môi trường chuyển tiếp phù hợp cho cá con xâm nhập vào các cửa sông để di chuyển lên các sông, suối, ao, hồ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm phân bố, hình thái, cấu trúc di truyền tiến hóa cá Chình hoa Thừa Thiên Huế (Trang 28 - 30)