07. TẠI SAO TÔI KHÔNG HẠNH PHÚC?
CHÂN LÝ CAO QUÝ THỨ NHẤT
Sinh là khổ; hoại là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; sự hiện diện của những đối tượng mà ta ghét, sự chia lìa với những đối tượng mà ta yêu thích làm ta khổ, không đạt được mong muốn là khổ. Bám níu vào sự sống là khổ. Khi nghiên cứu danh sách này, rõ ràng Đức Cồ Đàm nói về kinh nghiệm của mọi người chứ không phải kinh nghiệm của mình Ngài. Sinh nở thật không thoải mái cho cả mẹ lẫn con, tuy đứa trẻ dường như không ý thức được việc này. Sự ra đời một khái niệm mới, hay một "ngã" mới hay cá tính mới, cũng có thể rất đau đớn; vì những thói quen cũ và khái niệm cũ rất khó bỏ. Tàn tạ cũng đau đớn, dù là sự tàn tạ của một cái răng hay sa sút về đạo đức và niềm tin của con người. Ốm đau thật phiền toái, cả thể xác lẫn tinh thần. Cả cái chết lẫn nỗi sợ chết cho chính chúng ta hay cho người cũng là đau khổ. Sự hiện diện của đối tượng mà ta ghét hoặc sự vắng mặt của đối tượng mà ta
yêu cũng là một trải nghiệm đau khổ. Không đạt được điều mong muốn mà chúng ta đặt ra khiến chúng ta rất đau khổ. Và khi chúng ta có thêm nhiều hiểu biết về đời sống, chúng ta trở nên tỉnh thức rằng bám níu vào bất cứ gì có thể khiến chúng ta đau khổ.
Thật đáng tiếc là quá nhiều người nói rằng Đức Phật bi quan về đời sống hay Ngài nói tất cả đời sống là khổ đau. Nếu chúng ta giải thích xác đáng lời Ngài nói như đã được ghi lại thì điều đó không phải là điều Ngài nói. Ngài đã dạy rằng mọi thứ chứa đựng khả năng khổ đau; mỗi quãng đời có thể đưa đến sự không hòa hợp cho một người. Đức Phật không nói tất cả đời sống đều khổ đau.
Rõ ràng sự giải thích của Đức Cồ Đàm về khổ đau vượt qua cái khổ đau thể xác đơn thuần. Ngài nhấn mạnh nhất về cái khổ đau của tâm và những cảm xúc. Đây là cái bất hạnh sâu xa nhất. Đức Cồ Đàm tin rằng người không có hòa hợp trong cuộc sống cảm thấy cái khổ đau này. "Nếu tôi không hạnh phúc, đó là vì tôi không sống hòa hợp. Nếu tôi không sống hòa hợp, đó là vì tôi không biết cách chấp nhận thế giới là như thế. Có lẽ tôi đang mong muốn những thứ trên thế gian mà tôi không có quyền mong muốn. Có lẽ tôi đang bám níu quá mạnh vào một phần thế giới của tôi, bởi vậy mất sự tiếp xúc với toàn bộ bức tranh".
Đức Cồ Đàm cố gắng lấy điểm bắt đầu là thực tế kinh nghiệm có thật, mà không ai có thể nghi ngờ, và mỗi người có thể hiểu cho chính mình. Ngài nói, trong tất cả kinh nghiệm của con người, trừ phi có một sự hiểu thấu thực sự, có một yếu tố đau đớn. Ngài chuyển lời mời: "Hãy tìm hiểu cho chính mình nếu điều này không đúng với đời bạn". Ngài yêu cầu mỗi người hãy xem không phải chỉ có Ngài trong tình trạng khó khăn. Tất cả mọi người, vào lúc nào đó trong đời sống, phải đối mặt với sự thật chung này -- sự không hòa hợp của họ. Đó không phải chỉ là "bất hạnh của tôi"; đó là vấn đề mà tất cả con người đều có. Đức Cồ Đàm nhắc nhở bạn rằng "cái phiền não" của tôi là cái "phiền não của thế giới" -- và cái phiền não của thế giới là cái phiền não của tôi.
---o0o---