Chủ nghĩa duy vật lịch sử không những chống lại quan điểm duy tâm tuyệt đối hóa vai trò của ý thức xã hội, mà còn bác bỏ quan điểm duy vật tầm thường, hay chủ nghĩa duy vật kinh tế phủ nhận tác dụng tích cực của ý thức xã hội trong đời sống xã hội. Ph.Ăngghen viết: “Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật,... đều dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế. Hoàn toàn không phải điều kiện kinh tế là nguyên nhân duy nhất chủ động, còn mọi thứ khác chỉ có một tác dụng thụ động. Trái lại, có sự tác động qua lại trên cơ sở tất yếu kinh tế, là một tính tất yếu, xét đến cùng bao giờ cũng tự vạch ra con đường đi của nó”53.
Mức độ ảnh hưởng của tư tưởng đối với sự phát triển xã hội phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể; vào tính chất của các mối quan hệ kinh tế mà trên đó tư tưởng nảy sinh; vai trò lịch sử của giai cấp mang ngọn cờ tư tưởng; vào mức độ phản ánh đúng đắn của tư tưởng đối với các nhu cầu phát triển của xã hội; vào mức độ mở rộng của tư tưởng trong quần chúng. Cũng do đó, ở đây cần phân biệt vai trò của ý thức tư tưởng tiến bộ và ý thức tư tưởng phản tiến bộ đối với sự phát triển xã hội.
Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội diễn ra theo hai khuynh hướng trái ngược nhau. Nếu là ý thức xã hội tiến bộ, phản ánh đúng quy luật phát triển khách quan của đời sống xã hội và phù hợp với lợi ích của quần chúng lao động thì nó thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển. Trái lại, nếu là ý thức lạc hậu, phản động thì nó tác động làm kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội.
Như vậy, nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội chỉ ra bức tranh phong phú và phức tạp của lịch sử phát triển ý thức xã hội và của đời sống tinh thần xã hội nói chung; nó bác bỏ mọi quan điểm siêu hình, máy móc, tầm thường về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Đồng thời nó cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp khoa
học để các khoa học chuyên ngành đi sâu khám phá những “bí ẩn” của đời sống xã hội.