Kết cấu của ý thức xã hộ

Một phần của tài liệu Tập bài giảng Triết học MácLênin (Khối các ngành ngoài lý luận chính trị) (Trang 123 - 125)

IV. Ý THỨC XÃ HỘ

b. Kết cấu của ý thức xã hộ

Với tính cách là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, ý thức xã hội được thể hiện ở những bộ phận, những hình thái ý thức khác nhau phản ánh tồn tại xã hội bằng những phương thức không giống nhau. Tùy thuộc vào đối tượng, phạm vi và trình độ phản ánh mà ta có thể chia ý thức xã hội thành các cấp độ: ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận, tâm lý xã hội và hệ tư tưởng.

- Ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận

+ Ý thức xã hội thông thường là những tri thức, những quan niệm của con người hình thành một cách trực tiếp trong hoạt động thực tiễn hàng ngày, chưa được hệ thống hóa, khái quát hóa. Ý thức xã hội thông thường, thường phản ánh sinh động, trực tiếp nhiều mặt cuộc sống hàng ngày của con người, thường

xuyên chi phối cuộc sống đó. Ý thức thông thường tuy là trình độ thấp so với ý thức lý luận, nhưng những tri thức kinh nghiệm phong phú đó có thể trở thành tiền đề quan trọng cho sự hình thành các lý thuyết xã hội.

+ Ý thức lý luận là những tư tưởng, quan điểm được hệ thống hóa, khái quát hóa thành các học thuyết xã hội, được trình bày dưới dạng những khái niệm, phạm trù, quy luật. Ý thức lý luận (lý luận khoa học) có khả năng phản ánh hiện thực khách quan một cách khái quát, sâu sắc và chính xác, vạch ra các mối liên hệ bản chất của các sự vật và hiện tượng.

- Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội

+ Tâm lý xã hội bao gồm toàn bộ tình cảm, ước muốn, thói quen, tập quán của con người, của một bộ phận xã hội hoặc của toàn xã hội hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp của đời sống hàng ngày của họ và phản ánh đời sống đó.

Đặc điểm của tâm lý xã hội là phản ánh một cách trực tiếp điều kiện sinh sống hàng ngày của con người, là sự phản ánh có tính chất tự phát, thường ghi lại những mặt bề ngoài của tồn tại xã hội. Nó không có khả năng vạch ra đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc bản chất các mối quan hệ xã hội của con người.

Những quan niệm của con người ở trình độ tâm lý xã hội còn mang tính kinh nghiệm, chưa được thể hiện về mặt lý luận, yếu tố trí tuệ đan xen với yếu tố tình cảm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tâm lý xã hội trong sự phát triển của ý thức xã hội. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nghiên cứu trạng thái tâm lý xã hội của nhân dân để hiểu nhân dân, giáo dục nhân dân, đưa nhân dân tham gia tích cực, tự giác vào cuộc đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp.

+ Hệ tư tưởng là trình độ cao của ý thức xã hội, hình thành khi con người nhận thức sâu sắc hơn về những điều kiện sinh hoạt vật chất của mình. Hệ tư tưởng có khả năng đi sâu vào bản chất các mối quan hệ xã hội. Hệ tư tưởng là nhận thức lý luận về tồn tại xã hội, là hệ thống những quan điểm, tư tưởng (chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo), kết quả của sự khái quát hóa những kinh nghiệm xã hội. Hệ tư tưởng được hình thành một cách tự giác nghĩa là tạo ra bởi các nhà tư tưởng của những giai cấp nhất định và được truyền bá trong xã hội.

Với tính cách là một bộ phận của ý thức xã hội, hệ tư tưởng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khoa học. Lịch sử các khoa học tự nhiên đã cho thấy tác dụng quan trọng của hệ tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng triết học đối với quá trình khái quát những tài liệu khoa học.

Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội tuy là hai trình độ, hai phương thức phản ánh khác nhau của ý thức xã hội, nhưng có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, chúng có cùng một nguồn gốc là tồn tại xã hội, đều phản ánh tồn tại xã hội. Tâm lý xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên giai cấp tiếp thu hệ tư tưởng của giai cấp. Mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ tư tưởng (đặc biệt là tư tưởng khoa học tiến bộ) với tâm lý xã hội, với thực tiễn cuộc sống sinh động và phong phú sẽ giúp cho hệ tư tưởng xã hội, cho lý luận bớt xơ cứng, bớt sai lầm. Trái lại hệ tư tưởng khoa học thúc đẩy tâm lý xã hội phát triển theo chiều hướng đúng đắn, lành mạnh có lợi cho tiến bộ xã hội. Hệ tư tưởng phản khoa học, phản động kích thích những yếu tố tiêu cực của tâm lý xã hội phát triển.

Như vậy, hệ tư tưởng xã hội liên hệ hữu cơ với tâm lý xã hội, chịu sự tác động của tâm lý xã hội, nhưng nó không phải đơn giản là sự “cô đặc” của tâm lý xã hội.

Một phần của tài liệu Tập bài giảng Triết học MácLênin (Khối các ngành ngoài lý luận chính trị) (Trang 123 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)