III. NHÀ NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG XÃ HỘI 1 Nhà nước
e. Các kiểu và hình thức nhà nước
Nhà nước tồn tại rất phong phú và đa dạng. Để đễ nhận biết, cần phải phân loại thành kiểu và hình thức của nhà nước.
Căn cứ vào tính chất giai cấp của nhà nước có thể phân biệt các kiểu nhà nước. Trong lịch sử xã hội có giai cấp, chỉ có giai cấp chủ nô, địa chủ phong kiến, tư sản và vô sản đã từng có nhà nước, lấy nhà nước làm công cụ thống trị giai cấp của mình. Do đó, đã từng tồn tại bốn kiểu nhà nước trong lịch sử: nhà nước chủ nô quý tộc, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước vô sản. Các kiểu nhà nước trên cơ bản giống nhau ở chỗ: đều là công cụ thống trị của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, nhà nước vô sản có sự khác biệt về chất với các kiểu nhà nước khác ở chỗ: nó là nhà nước đặc biệt, nhà nước của số đông thống trị số ít. Giai cấp vô sản liên minh với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân lao động khác duy trì sự thống trị của mình đối với toàn xã hội.
- Hình thức nhà nước là khái niệm dùng để chỉ cách thức tổ chức, phương thức thực hiện quyền lực nhà nước của giai cấp thống trị. Hình thức nhà nước thực chất là hình thức cầm quyền của giai cấp thống trị. Hình thức nhà nước chịu sự qui định của bản chất giai cấp của nhà nước, bởi tính chất và trình độ phát triển của kinh tế -xã hội, bởi cơ cấu giai cấp, tương quan lực lượng giữa các giai cấp trong xã hội, bởi đặc điểm lịch, sử văn hóa xã hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của mỗi quốc gia – dân tộc.
Về hình thức, dù là nhà nước dân chủ hay quân chủ thì về bản chất, đều là công cụ thống trị của giai cấp chủ nô đối với giai cấp nô lệ và các tầng lớp cư dân khác trong xã hội.
Về bản chất, dù tồn tại dười hình thức phân quyền hay tập quyền thì nhà nước phong kiến vẫn là nhà nước của giai cấp địa chủ, quý tộc, là công cụ thống trị giai cấp của giai cấp địa chủ, quý tộc.
Trong xã hội tư bản tồn tại nhiều hình thức nhà nước như: chế độ cộng hòa, chế độ cộng hòa đại nghị, chế độ cộng hòa tổng thống, chế độ cộng hòa thủ tướng, chế độ quân chủ lập hiến, nhà nước liên bang, nhà nước phúc lợi chung. Các hình thức nhà nước này dù có khác nhau về hình thức do chế độ bầu cử, chế độ một hay hai viện, nhiệm kỳ và quyền lực của tổng thống, thủ tướng, sự phân chia quyền lực giữa tổng thống, thủ tướng và nội các chính phủ…; song, về bản chất đều là nhà nước tư sản, là công cụ thống trị của giai cấp tư sản đối với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội.
- Kiểu nhà nước vô sản là kiểu nhà nước “đặc biệt”, là nhà nước của số đông thống trị số ít. Trong kiểu nhà nước vô sản, giai cấp vô sản liên minh với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức tiến bộ và nhân dân lao động, sau khi tiến hành đấu tranh cách mạng giành chính quyền nhà nước từ tay giai cấp địa chủ phong kiến và chính quyền đô hộ như ở Việt Nam năm 1945, ở Trung Quốc năm 1949, hoặc từ tay giai cấp tư sản như ở nước Nga năm 1917, thiết lập nền chuyên chính của mình.
- Nền chuyên chính vô sản (nhà nước vô sản) có chức năng cơ bản là xây dựng một trật tự xã hội mới, thủ tiêu chế độ người áp bức bóc lột người, đập tan sự phản kháng của các thế lực phản động đã bị đánh đổ nhưng chưa bị tiêu diệt, vẫn ngoan cố chống lại chính quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo. Để thực hiện sứ mệnh của mình, giai cấp vô sản phải thực hiện chức năng tổ chức xây dựng và chức năng trấn áp.
- Chức năng tổ chức, xây dựng đòi hỏi nhà nước phải chú ý xây dựng một trật tự kinh tế mới, một trật tự xã hội mới. Điều đó có vai trò quyết định nhất đối với sự tồn tại của nhà nước vô sản. Cùng với đó, nhà nước còn phải thực hiện chức năng trấn áp sự phản kháng của các lực lượng chống đối. Chức năng này có vai trò hết sức quan trọng, nó là điều kiện để nhà nước vô sản giữ vững nền chuyên chính của mình.
Hiện nay, Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh một số đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa:
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tồn tại theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Bản chất của hình thức nhà nước này là: “nhà nước pháp quyền của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Về bản chất, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”47.