II. PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
c. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật
Khái niệm quy luật: là mối liên hệ phổ biến, khách quan, bản chất, bền vững, tất yếu giữa các đối tượng và nhất định tác động khi có các điều kiện phù hợp.
“Quy luật khách quan” vốn thuộc biện chứng của sự tồn tại khách quan khác với “quy luật khoa học” vốn là sự khái quát những liên hệ và quy luật khách quan rồi được trình bày trong các lý thuyết khoa học bằng những phán đoán phổ biến. Do đó, về nguyên tắc, các quy luật khoa học chỉ gần đúng với các quy luật khách quan. Sự thừa nhận tính khách quan của các quy luật tự nhiên và xã hội là nguyên tắc phương pháp luận quan trọng đối với sự phát triển tri thức khoa học. Khi nhận thức được các quy luật tự nhiên và xã hội, con người tích cực vận dụng chúng vào hoạt động thực tiễn, tức là nếu không thể “làm thay đổi” chúng, thì lại dựa trên chúng để làm thay đổi tự nhiên và xã hội. Lênin viết: “chừng nào chúng ta chưa biết được một quy luật của giới tự nhiên thì quy luật đó, trong khi tồn tại và tác động độc lập và ở ngoài nhận thức của ta, biến ta thành những nô lệ của “tính tất yếu mù quáng”. Khi chúng ta đã biết được quy luật đó, quy luật tác động (như Mác đã nhắc lại hàng ngàn lần) không
lệ thuộc vào ý chí của chúng ta và vào ý thức của chúng ta thì chúng ta trở thành người chủ của giới tự nhiên”31.
Mọi quy luật đều thể hiện cái phổ biến vốn có ở các giai đoạn vận động, thể hiện sự thống nhất các đối tượng đa dạng. Do vậy, những mối liên hệ được phản ánh trong các quy luật cũng không mang tính chất đơn nhất. Mặt khác, điều đó không có nghĩa là những mối liên hệ phổ biến được phản ánh trong quy luật đã thâu tóm hết mọi đối tượng khách quan. Mức độ chung của các đối tượng là khác nhau, do vậy các quy luật cũng có mức độ phổ biến khác nhau và một cách tương đối có thể chia tất cả các quy luật thành ba nhóm: quy luật riêng, quy luật chung, và quy luật phổ biến.
Việc nhận thức các quy luật khách quan, nhất là các quy luật phổ biến, có ý nghĩa thực tiễn to lớn, tạo điều kiện cho con người làm chủ tốt hơn tự nhiên và xã hội. Dưới đây sẽ là nội dung những quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật. Chúng khái quát cách thức, nguyên nhân và khuynh hướng vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, chúng phản ánh bản chất biện chứng của thế giới khách quan vốn được con người rút ra từ trong lịch sử của giới tự nhiên và lịch sử của xã hội loài người. Các quy luật này định hướng việc nghiên cứu các quy luật đặc thù, mối liên hệ giữa chúng tạo ra cơ sở khách quan cho mối liên hệ giữa triết học duy vật biện chứng với khoa học chuyên ngành.
* Quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại.
Vị trí quy luật: Quy luật này chỉ ra cách thức chung nhất của sự vận
động và phát triển, khi cho thấy sự thay đổi về chất chỉ xảy ra khi sự vật, hiện tượng đã tích luỹ những thay đổi về lượng đạt đến ngưỡng nhất định. Quy luật cũng chỉ ra tính chất của sự vận động và phát triển, khi cho thấy sự thay đổi về lượng của sự vật, hiện tượng diễn ra từ từ kết hợp với sự thay đổi nhảy vọt về chất làm cho sự vật, hiện tượng vừa tiến bước tuần tự, vừa có những bước đột phá vượt bậc. Ăngghen viết: “... trong giới tự nhiên thì những sự biến đổi về chất - xảy ra một cách xác định chặt chẽ đối với từng trường hợp cá biệt - chỉ có thể có được do thêm vào hay bớt đi một số lượng vật chất hay vận động”32.
Nội dung quy luật được vạch ra thông qua việc làm rõ các khái niệm, phạm trù có liên quan.
31 V.I. Lênin (1980), Toàn tập, t. 18, Sđd. tr. 228 - 229