Theo pháp luật hình sự Việt Nam, khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được luật hình sự ghi nhận, bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Dưới góc độ lý luận, khách thể của tội phạm bao gồm: khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Khách thể chung của tội phạm là các quan hệ xã hội được quy định trong BLHS (đó là các quan hệ xã hội được quy định trong BLHS năm 2015 như: chế độ chính trị, chế độ kinh tế, ...tính mạng, sức khoẻ, tự do, nhân phẩm, danh dự của con người....); khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ (tạo cơ sở cho việc hệ thống hóa, nhận diện nhóm tội phạm có cùng yếu tố, tính chất theo chương, mục, điều
khoản của BLHS) và khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội mà tội phạm trực tiếp xâm phạm.
Đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trật tự quản lý việc xuất nhập, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí đá quý, vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa. Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hóa (được phép lưu thông) và tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa. Theo đó:
- Hàng hóa là vật phẩm được làm ra trong quá trình sản xuất, có giá trị và được đem trao đổi trong thị trường.
- Tiền Việt Nam, ngoại tệ;
- Kim khí quý bao gồm: vàng, bạc, bạch kim và các loại kim loại quý khác. Đá quý bao gồm kim cương (hạt xoàn), ruby (hồng ngọc), emorot (lục bảo ngọc), saphia (bích ngọc), ngọc trai (trân châu) và các loại đá quý khác (theo quy định của Thông tư số 17/2014/TT-NHNN ngày 01/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý).
- Vật phạm pháp là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2013 thì:
Di vật: là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học;
Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên; Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Việc xác định hàng hóa cấm lưu thông hay được phép lưu thông hiện nay được xác định theo Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày
09/5/2014 của Bộ Công thương về Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện kèm theo các phụ lục thống kê các loại hàng hóa, dịch vụ... (ví dụ như: vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; các chất ma tuý; các sản phẩm văn hoá phản động, đồi truỵ, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục nhân cách; các loại pháo; đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam...). Tuy nhiên, theo quy định của BLHS thì một số loại hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý đã là đối tượng của tội phạm quy định tại các Điều 190, 191, 192, 193, 194, 195, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 307, 309 và 311 của BLHS thì không còn là đối tượng của tội phạm này.
Ở bình diện quốc gia, trong những năm qua các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện, xử lý nhiều hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Đặc biệt là hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới diễn ra phổ biến do tiền tệ không cồng kềnh, lại có giá trị lớn và thù lao thuê vận chuyển rất cao, nên đã thu hút khá nhiều người tham gia vào hoạt động này. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là cất giấu ngoại tệ trong người, trong xe ô tô, đồ dùng cá nhân khi nhập cảnh; lợi dụng cơ chế miễn khai đối với ngoại tệ mang theo trong định mức, các đối tượng nhờ khách xuất nhập cảnh hoặc cư dân biên giới mang hộ, hoặc để lẫn ngoại tệ trong hành lý nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2014 đến năm 2018, đã phát hiện, xử lý hơn gần 500 vụ, trong đó phần lớn là xử phạt hành chính [24].