Dưới góc độ lý luận, mặt khách quan của tội phạm là sự thể hiện ra bên ngoài của tội phạm tác động và gây hậu quả cho quan hệ xã hội được BLHS bảo vệ. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm các dấu hiệu như: Hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội; hậu quả nguy hiểm cho xã hội cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; thời gian, phương pháp, phương tiện, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội.
Đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi: vận chuyển trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại. Đó là hành vi đưa (mang) hàng hoá, tiền tệ một cách trái phép (không đúng với quy định của Nhà nước qua biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại. Việc vận chuyển trái phép qua biên giới có thể qua đường biên giới trên bộ, trên không và trên biển với những hình thức đa dạng (vận chuyển bằng đường bộ, đường không, đường thủy hoặc qua đường bưu điện).
Về nguyên tắc để xác định hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới thì phải căn cứ vào các quy định pháp luật. Đó là: tất cả hàng hóa, tiền tệ vận chuyển qua biên giới đều phải đi qua cửa khẩu; cá nhân, tổ chức vận chuyển hàng hóa, tiền tệ phải khai báo với Cơ quan Hải quan để làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, chịu sự kiểm tra, kiểm soát và quản lý của Cơ quan Hải quan, phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế theo đúng quy định của pháp luật (nếu có). Như vậy, nếu hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới không tuân thủ các quy định của pháp luật nêu trên thì bị coi là vận chuyển trái phép (hoặc buôn bán trái phép) qua biên giới. Điều này được thể hiện qua các dạng hành vi như vận chuyển trái phép không đi qua cửa khẩu, không thực hiện các nghĩa vụ về khai báo, làm thủ tục với
Cơ quan Hải quan, không thực hiện các nghĩa vụ về đóng thuế theo qui định của pháp luật hiện hành; thông đồng với Công chức Hải quan cửa khẩu để vận chuyển hàng hóa không đúng với giấy phép được cấp; lợi dụng sự yếu kém trong quản lý của cơ quan kiểm soát, sự sơ hở, sự kém hiểu biết của cán bộ các ngành đã móc ngoặc ngay trong việc xin cấp giấy phép để thuận lợi trong qua trình vận chuyển hàng hóa; nhập khẩu hàng hóa núp dưới hình thức tạm nhập tái xuất nhưng khi hàng đã nhập về rồi thì không xuất khẩu mà quay đầu hàng hóa tiêu thụ ngay trong nước; lợi dụng hành lý xách tay để vận chuyển hàng hóa, tiền tệ với số lượng vượt quá mức cho phép mà không khai báo với Cơ quan Hải quan…
Như vậy, đối với tội phạm này, mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các hành vi "vận chuyển trái phép” hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Vì vậy, khi định tội danh cần phải xác định (so sánh, đối chiếu) hành vi xảy ra trên thực tế có phải là hành vi nêu trên hay không. Đặc biệt, là giá trị hàng hóa từ 100 triệu đồng trở lên mới bị coi là tội phạm.
Trường hợp trị giá hàng hóa dưới 100 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính....đã bị kết án mà chưa được xóa án tích nhưng lại tiếp tục vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới thì cũng coi là tội phạm.
Về tình tiết đã bị xử phạt hành chính, BLHS quy định nếu giá trị hàng phạm pháp có giá trị dưới một trăm triệu đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới hoặc một trong các hành vi: buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, sản xuất buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, kinh doanh trái phép;
đầu cơ; trốn thuế, hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các Điều 188; 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200 mà còn vi phạm. Đây là những trường hợp trước khi thực hiện vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, chủ thể phạm tội (cá nhân hoặc pháp nhân thương mại) đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi kể trên bằng một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính mà Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định và chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.
Về tình tiết đã bị kết án về tội phạm này hoặc các tội theo Điều 188, 190,...chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. BLHS năm 2015 quy định đó là trường hợp trước khi thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, chủ thể phạm tội đã bị Tòa án kết án về hành vi phạm tội này hoặc về một trong các tội được quy định tai các Điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của BLHS nhưng chưa được xóa án tích theo quy định tại Điều 69... BLHS năm 2015.
Riêng đối với vật phẩm là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì BLHS năm 2015 không quy định định lượng về giá trị để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dấu hiệu hậu quả của tội phạm này được thể hiện ở những thiệt hại gây ra cho trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa đã bị xâm phạm, gây lũng đoạn thị trường trong nước dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa xuất nhập khẩu, gây thất thoát thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hóa.
Về hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật quy định làm cơ sở quan trọng để định tội danh và cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, dấu hiệu hậu quả được quy định tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể, từng tội
phạm cụ thể và được đánh giá trên cơ sở thực tế xảy ra... nhưng đối với hành vi phạm tội này, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà tùy vào tính chất, mức độ thể hiện qua giá trị hàng hóa vận chuyển trái phép... mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS theo khung hình phạt nặng hơn hoặc được xem xét khi quyết định hình phạt.