CÁC PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH TỈ SỐ TÀI CHÍNH

Một phần của tài liệu Giáo trình phân tích hoạt động kinh doanh (Trang 60 - 61)

Việc quan trong nhất khi phân tích các tỉ số tài chính không phải là việc áp dụng các công thức để tính ra các con số mà việc giải thích giá trị của những tỉ số này để có thể trả lời những câu hỏi như : “Tại sao những tỉ số này quá cao, những tỉ số kia quá thấp? Điều đó tốt hay xấu?”. Vì vậy, cần có một tiêu chuẩn trong việc so sánh. Hai phương pháp so sánh thường được áp dụng là so sánh chéo và so sánh theo chuỗi thời gian.

2.1. Phương pháp phân tích (so sánh) chéo (Cross - sectional analysis):

Phương pháp này nhằm so sánh các tỉ số tài chính của các doanh nghiệp khác nhau hoạt động trong cùng một ngành tại một điểm thời gian. Thông thường, doanh nghiệp thường so sánh các tỉ số tài chính của nó với các tỉ số của đối thủ cạnh tranh chủ chốt hoặc với một nhóm các đối thủ doanh nghiệp đang quan tâm. Doanh nghiệp cũng có thể so sánh các tỉ số của mình với các tỉ số bình quân ngành.

Phương pháp so sánh này giúp doanh nghiệp nhận biết được sự lệch hướng trong hoạt động của mình. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có vòng quay hàng tồn kho khá cao so với ngành có thể chỉ là một dấu cho việc tồn kho không đủ, gây ra sự đình trệ trong sản xuất và nhiều thiệt hại tiềm ẩn khác.

Có một điều chúng ta nên chú ý sự chênh lệch phát hiện được khi so sánh các tỉ số tài chính của doanh nghiệp với tỉ số tài chính được dùng làm chuẩn (thường là các số liệu bình quân của ngành) chỉ mới bộc lộ khái quát vấn đề - nó đòi hỏi một sự tìm hiểu và phân tích sâu hơn để lần tới nguyên nhân gây ra các vấn đề này và các phương án giải quyết.

2.2. Phương pháp phân tích theo chuỗi thời gian (time-series analysis):

Phương pháp này thường được áp dụng khi nhà phân tích muốn đánh giá tình hình, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian bằng cách so sánh các tỉ số hiện tại với chính bản thân chúng trong những năm trước.

Doanh nghiệp có thể xác định được khuynh hướng phát triển của mình và hoạch định sản xuất kinh doanh trong tương lai cho phù hợp. Bất cứ sự thay đổi lớn nào cuả các tỉ số khi được so sánh qua nhiều năm cũng đều báo hiệu một số vấn đề cần quan tâm.

Phương pháp theo chuỗi thời gian giúp doanh nghiệp có được những hành động thích hợp để đạt được những mục tiêu ngắn và dài hạn. Nó cũng rất hữu dụng khi khi giúp doanh nghiệp kiểm soát tính hợp lý đối với các BCTC dự báo (Pro-forma Financial Statements) trong quá trình thiết lập BCTC.

2.3. Phương pháp phân tích khuynh hướng (Trend Analysis):

Phân tích khuynh hướng phát sinh từ sự kết hợp giữa hai phương pháp phân tích chéo và phân tích theo chuỗi thời gian phương pháp phân tích này giúp doanh nghiệp nhận biết được vị thế, sức mạnh tài chính cũng như ưu và nhược điểm của mình đối với các đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ: công ty Bảo Phong, một công ty nhỏ sản xuất trong ngành điện gia dụng, có thời gian tồn kho bình quân so với ngành được biểu thị qua hình vẽ 6.1

Qua hình vẽ 6.1 Ta nhận thấy công ty BP có thời gian tồn kho bình quân cao hơn với ngành. Nó phản ánh sự quản lý kho kém hiệu quả của công ty (dẫn đến sự gia tăng của chi phí lưu kho). Đồng thời, thời gian tồn kho bình quân của công ty vẫn có khuynh hướng gia tăng. Vì vậy, công ty cần có những hành động phù hợp để chấn chỉnh vấn đề này.

Một phần của tài liệu Giáo trình phân tích hoạt động kinh doanh (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)