Tuy với hệ thống các tỉ số, chúng ta đã có trong tay một phương pháp nhanh chóng và hữu hiệu để đánh giá tình hình tài chính cũng như hiệu quả quản lý doanh nghiệp, phương pháp này vẫn có những giới hạn nhất định:
− Việc so sánh tỉ số giữa các doanh nghiệp gặp khó khăn vì những phương pháp kế toán được ứng dụng trong mỗi doanh nghiệp có thể rất khác nhau.
− Khi doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ta phải đối phó với vấn đề tìm ra tỉ số chuẩn cho việc so sánh.
− Phải xác định được một khu vực hợp lý cho giá trị các tỉ số của từng ngành. Khi tỉ số của doanh nghiệp quá thấp hay quá cao so với khu vực này, chúng đều là chỉ dấu báo hiệu có những vấn đề đáng quan tâm.
− Doanh nghiệp có thể sử dụng một số kỹ thuật để báo các tài chính trở nên tốt hơn so với thực trạng của nó.
− Lạm phát có thể tạo ra sai biệt rất lớn giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường đối với tài sản của doanh nghiệp, nhất là hàng tồn kho và tài sản cố định, dẫn đến việc bóp méo lượng thông tin ẩn chứa trong các tỉ số.
Nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính đôi lúc phải sử dụng các phương pháp thống kê trong việc xếp loại doanh nghiệp.
− Các tỉ số được tính toán từ những số liệu trên BCTC. Do vậy, “chất lượng” của báo cáco tài chính tác động rất mạnh đến kết quả phân tích.
Mặc dù với những giới hạn vừa được đề cập, các tỉ số tài chính vẫn là nguồn cung cấp thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư và quản trị doanh nghiệp. Phân tích BCTC không phải là một quá trình đơn giản và máy móc với việc tính toán các tỉ số bằng công thức, mà nó phải được thực hiện một cách thận trọng, khôn ngoan, kèm theo sự điều chỉnh thích hợp khi cần thiết. Ví dụ: ở những tập đoàn bào chế dược phẩm, chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm rất lớn. Về mặt hạch toán, chúng được ghi ngay vào chi phí trong kỳ. Nhưng trong quá trình phân tích tài chính, chúng thường được điều chỉnh bằng cách “vốn hóa và khấu hao dần”.
TÓM TẮT
- Xác định những đối tượng được quan tâm đến BCTC, các phương pháp được sử dụng khi so sánh các tỉ số tài chính. Phân tích BCTC giúp các nhà đầu tư, người cung cấp tín dụng và các nhà quản trị doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động và tình trạng tài chính của doanh nghiệp.
- Sử dụng các nhóm tỉ số để phân tích tính thanh khoản và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như tỉ số thanh toán hiện hành, tỉ số thanh toán nhanh, vòng quay hàng tồn kho, kỳ thu tiền và kỳ thanh toán bình quân… Những tỉ số này giúp các nhà phân tích xác định được khả năng thanh toán nợ ngắn hạn và hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp.
- Thông qua các tỉ số như tổng nợ trên tổng tài sản, nợ dài hạn trên vốn cổ phần, khả năng thanh toán lãi vay… các nhà phân tích xác định được tình trạng nợ cũng như khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Nợ tăng lên đồng nghĩa với sự tăng lên của đòn bẩy tài chính và cả hai loại rủi ro đều được khuếch đại.
- Phân tích nhóm tỉ số phản ánh khả năng sinh lợi qua các tỉ số lãi trên doanh thu, lãi trên tổng tài sản, lãi trên vốn cổ phần. Bảng báo cáo thu nhập đã được chuẩn hóa theo số phần trăm là một công cụ hữu ích khi phân tích các tỉ số lãi trên doanh thu. - Hệ thống Dupont được sử dụng để phân tích hai tỉ số lãi trên tổng tài sản (ROA) và
lãi trên vốn cổ phần (ROE) thành các tỉ số thành phần. Qua đó chúng ta nhận biết được một cách sâu sắc và toàn diện hơn những nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động lẫn tình trạng tài chính của doanh nghiệp và đưa ra lời đề nghị thích hợp. Cuối cùng, với phân tích khuynh hướng, các nhà quản trị có thể đánh giá hoạt động
của doanh nghiệp dưới mọi khía cạnh nhằm tách biệt các vấn đề chủ yếu cần được quan tâm.