Lý thuyết người đại diện (Agency theory)

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giới tính giám đốc đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. (Trang 74 - 77)

Lý thuyết người đại diện có nguồn gốc từ lý thuyết kinh tế, được xuất hiện vào những năm 1970, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế trên thế giới, sự đa dạng trong các loại hình công ty và sự thiếu hụt các lý thuyết nền tảng về mối quan hệ giữa người chủ sở hữu và người quản lý. Đầu tiên là những nghiên cứu tập trung vào những vấn đề thông tin bất cân xứng giữa người sở hữu và người quản lý trong ngành bảo hiểm (Spence và Zeckhauser, 1971). Sau đó, nó nhanh chóng trở thành một lý thuyết khái quát những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người chủ sở hữu và người quản lý trong các lĩnh vực khác (Alchian & Demsetz, 1972 và Jensen & Meckling, 1976).

Lý thuyết người đại diện nghiên cứu đến mối quan hệ giữa một bên là chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp và một bên là người quản lý (người đại diện) thực hiện các quyết định, các hoạt động của doanh nghiệp. Lý thuyết đại diện đề cập đến vấn đề

chính là làm thế nào để người quản lý sẽ thực hiện các hoạt động vì lợi ích cao nhất của người chủ sở hữu khi họ có nhiều thông tin hơn người chủ và họ có những lợi ích khác so với lợi ích của các chủ sở hữu này.

Người chủ sở hữu và người quản lý:

Người chủ sở hữu là người cung cấp vốn cho doanh nghiệp hoạt động, và kỳ vọng rằng với sự góp vốn của mình sẽ nhận được những khoản lợi tức nhất định trong tương lai. Người chủ sở hữu là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trực tiếp nhất từ tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Người quản lý là những người làm việc trong tổ chức, điều khiển công việc của người khác và chịu trách nhiệm trước kết quả hoạt động của họ. Nhà quản lý là người lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát con người, tài chính, vật chất và thông tin một cách có hiệu quả để đạt được mục tiêu. Thu nhập của người quản lý được quyết định bởi thị trường lao động, tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động của công ty. Tuy rằng sự thành công hay thất bại của công ty tại một thời điểm không ảnh hưởng ngay lập tức đến mức lương hiện tại của người quản lý nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến mức lương trong tương lại của họ. Điều này cũng khiến cho người quản lý phải điều hành tốt để công ty hoạt động có hiệu quả.

Sự tách rời quyền sở hữu và quyền quản lý:

Trên lý thuyết, các cổ đông, người chủ sở hữu đích thực của một công ty, phải là người điều hành các hoạt động của nó. Song điều này rất khó xảy ra mà buộc họ thường thuê người để quản lý thay cho mình. Từ đó dẫn đến sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, có thể kể đến một số lý do sau:

Thứ nhất, người chủ sở hữu có thể chỉ bỏ vốn vào một công ty duy nhất nhưng cũng có thể bỏ vốn vào nhiều công ty để hạn chế rủi ro, tránh việc chỉ phụ thuộc vào một công ty. Với việc bỏ vốn vào nhiều công ty một lúc như vậy, đồng nghĩa với việc nắm giữ một danh mục đầu tư đa dạng, các nhà đầu tư lúc này sẽ không thể kiểm soát được hoạt động của tất cả các công ty.

Thứ hai, một công ty lớn có thể có tới hàng trăm, hàng ngàn cổ đông, mà mỗi một cổ đông lại nắm giữ một số cổ phần nhỏ. Vì vậy sẽ vô cùng khó khăn để có thể thống nhất hàng ngàn cổ đông của một công ty, để cuối cùng là cùng đưa ra một quyết định.

Thứ ba, việc điều hành trực tiếp của các chủ sở hữu đôi khi không hiệu quả. Việc điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn cần những người quản lý phải có những kiến thức nhất định, có những kỹ năng, phẩm chất mà không phải nhà đầu tư nào cũng có được. Thực tế này đòi hỏi phải tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý.

Chính vì vậy, các cổ đông là các chủ sở hữu hoặc là người đứng đầu doanh nghiệp, thuê những người có đủ năng lực đến điều hành doanh nghiệp của mình. Hay nói cách khác, những người chủ sở hữu (người ủy quyền) sẽ ủy quyền hoạt động của doanh nghiệp cho các giám đốc hoặc những người quản lý (người được ủy quyền, người đại diện). Các giám đốc điều hành là những người được các cổ đông ủy quyền đứng ra điều hành công ty, đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Hậu quả của sự phân định quyền sở hữu và quyền quản lý:

Tuy nhiên, lý thuyết này cho rằng, chính sự ủy quyền trên lại gây ra sự tách rời hay sự chia cắt quyền sở hữu và quyền quản lý một doanh nghiệp. Sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý doanh nghiệp làm nảy sinh mối lo ngại rằng, những người quản lý sẽ theo đuổi những mục tiêu hấp dẫn nhất đối với họ, nhưng chưa chắc đã có lợi cho các cổ đông, cho công ty. Thông thường, các cổ đông muốn tối đa hóa lợi ích của mình thông qua việc tăng giá trị doanh nghiệp, trong khi các nhà quản lý lại gắn lợi ích của mình với thu nhập nhận được. Vì thế, mặc dù cùng trong một doanh nghiệp nhưng do bản chất sở hữu vốn khác nhau, mà mỗi cá nhân lại có khuynh hướng chạy theo lợi ích của cá nhân, nên các cổ đông và người điều hành tuy hình thức là cùng hướng đến lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng bản chất thì lại thường có đối kháng lợi ích. Mâu thuẫn này được biết đến cái tên “vấn đề người đại diện”, và vấn đề phát sinh này đã được xác nhận lại vào năm 1997 bởi David, Schoorman và Donaldson.

Chính vì vậy, để đảm bảo lợi ích cho mình, các cổ đông (người ủy quyền) phải tìm cách nào đó để đảm bảo các giám đốc, người quản lý (người được ủy quyền) phải hành động vì lợi ích, vì quyền lợi của các cổ đông. Muốn đạt được điều này các cổ đông phải bỏ ra các “chi phí ủy quyền” hay còn gọi là “chi phí người đại diện”. Một trong các nội dung trong chi phí người đại diện này là chi phí cho việc kiểm tra, giám sát và động viên (Benjamin Coriat, Oliver Weinstein, 2011).

Trong khuôn khổ lý thuyết này, đặc điểm về giới tính của giám đốc cũng như đặc điểm của Hội đồng quản trị có thể ảnh hưởng đến thành quả của doanh nghiệp. Fama và công sự (1983) đã chỉ ra rằng để giảm thiểu những xung đột lợi ích này thì sự giám sát của Hội đồng quản trị là rất quan trọng. Và một trong những yếu tố để nâng

cao chất lượng giám sát chính là sự tham gia của nữ giới vào Hội đồng quản trị, bởi nữ giới thường có xu hướng đảm nhận và thực hiện vai trò của mình một cách nghiêm túc hơn nam giới, điều đó dẫn đến những hành động có trách nhiệm hơn, văn minh hơn và làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các công ty cổ phần, sự tham gia của phụ nữ trong Hội đồng quản trị cũng có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả hoạt động của công ty, thông qua các chính sách giám sát chặt chẽ. Thêm vào đó, Adam & Ferreira (2009) đã chỉ ra được một số đặc điểm quan trọng của một hội đồng quản trị khi có sự tham gia của nữ giới, đó là: so với các giám đốc nam, nữ giám đốc tham gia đầy đủ các cuộc họp hơn; phụ nữ có xu hướng tham gia vào các Ban kiểm soát hơn. Sự tham gia của phụ nữ vào hội đồng quản trị sẽ khiến cho các quyết định của doanh nghiệp không bị chi phối bởi một cá nhân riêng lẻ. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí đại diện và làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Tương tự như vậy, có nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chỉ ra các giám đốc là nữ giới thường có xu hướng sẽ năng động hơn, tích cực hơn trong các hoạt động giám sát, họ đòi hỏi nhiều về trách nhiệm quản lý và nỗ lực nâng cao quá trình giám sát, từ đó nâng cao thành quả hoạt động của doanh nghiệp (Gul & cộng sự, 2011).

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giới tính giám đốc đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w