Giới là một khái niệm xuất hiện ở các nước nói tiếng Anh vào cuối những năm 60 và xuất hiện ở nước ta vào những năm 80 của hế kỷ XX. Cho đến nay, thuật ngữ giới đã được sử dụng rất nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên vẫn còn một số người vẫn còn nhầm lẫn giữa khái niệm “giới” và “giới tính”, và họ thường đánh đồng những khác biệt giữa nam và nữ về vai trò giới (do học mà có) với những khác biệt về mặt sinh học (do di truyền mà có). Đây là hai khái niệm tồn tại mối liên quan chặt chẽ những lại có bản chất khác nhau. Bản thân sự xuất hiện khái niệm giới nhằm làm rõ sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ trên hai khía cạnh: sinh học (giới tính) và xã hội (giới)
“Giới tính chỉ sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới xét về mặt sinh học.
Giới chỉ sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới xét về mặt xã hội. Giới nói đến các quan niệm, thái độ, hành vi, các mối quan hệ và tương quan về địa vị xã hội của nữ giới và nam giới trong bối cảnh xã hội cụ thể” (Mai Huy Bích, 2009, tr 18)
Luật Bình đẳng giới (2007) định nghĩa “Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội”.
Trần Thị Quế (1999, tr 16) đã viết rằng “Giới là các quan niệm, hành vi, các
mối quan hệ và tương quan về địa vị xã hội của phụ nữ và nam giới trong một bối cảnh xã hội cụ thể. Nói cách khác, nói đến giới là nói đến sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới từ giác độ xã hội ”.
Từ các khái niệm ở trên, có thể thấy rằng, khái niệm “giới tính” và “giới” đều chỉ sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới. Nhưng giữa chúng có sự khác biệt đáng kể. “Giới tính” chỉ các đặc điểm mang tính sinh học, mang tính bẩm sinh, khi sinh ra đã có của nam giới và nữ giới, ngoài ra giới tính còn mang tính đồng nhất, tính bất biến không thay đổi theo không gian và thời gian. Đặc trưng này không phụ thuộc vào mong muốn của con người. Trong khi đó, “giới” chỉ các đặc điểm mang tính xã hội. Giới được hình thành do dạy và học mà có, giới được hình thành do được dạy và được học từ Nhà trường, từ gia đình, từ xã hội; giới có tính đa dạng, mỗi vùng, mỗi nước,
mỗi địa phương, mỗi vùng miền lại khác nhau; giới có thể thay đổi được theo thời gian, không gian và nó chịu sự tác động của các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị.
Như vậy, với khái niệm giới được tiếp cận, có thể thấy rằng khái niệm về giới gắn chặt với một phạm trù, đó là vai trò giới.
Vai trò giới là các chức năng, trách nhiệm của nam giới và nữ giới theo quan niệm của xã hội, của cộng đồng (Nguyễn Thị Thuận, 2008). Như vậy, vai trò giới là những công việc và hành vi cụ thể mà xã hội trông đợi ở mỗi người với tư cách là nam giới hay phụ nữ theo quy định của từng nền văn hóa cụ thể. Vai trò giới là tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội coi là thuộc về nam giới hoặc thuộc về phụ nữ trong một xã hội hay một nền văn hóa cụ thể nào đó. Theo đó, vai trò giới được phân loại như sau:
Vai trò sản xuất: Là những công việc nhằm tạo ra thu nhập, nó có thể được tạo ra bởi cả nữ giới hoặc nam giới. Chúng bao gồm các hoạt động tạo ra sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ để trao đổi mua bán, hoặc sản xuất đơn giản chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Về phương diện lý thuyết thì cả nam giới và phụ nữ đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất này, tuy nhiên, trong vai trò sản xuất, quan niệm xã hội thường coi trọng công việc của nam giới hơn công việc của phụ nữ. Hay nói cách khác, do những định kiến trong xã hội nên mức độ tham gia của nam giới và phụ nữ không như nhau và giá trị công việc họ làm cũng không được đánh giá và nhìn nhận như nhau. Ngoài ra, thực tế cho thấy trong vai trò sản xuất, cơ hội và điều kiện thăng tiến của phụ nữ hầu như bao giờ cũng kém hơn của nam giới.
Vai trò tái sản xuất sức lao động: Là những công việc đóng vai trò sinh sản và nuôi dưỡng. Nó bao gồm việc sinh con, nuôi con và làm những công việc nhà cần thiết để duy trì và tái tạo lại sức lao động. Khái niệm tái tạo sức lao động ở đây bao gồm cả việc chăm lo và duy trì lực lượng lao động hiện tại và lực lượng lao động trong tương lai. Những hoạt động này là vô cùng cần thiết đối với cuộc sống, đảm bảo sự duy trì và phát triển dân số và lực lượng lao động. Nó yêu cầu khá nhiều thời gian nhưng lại không tạo ra thu nhập, vì vậy mà các nhà kinh tế ít khi coi nó là công việc thực sự và gần như không đưa giá trị của những công việc này vào tính toán. Tầm quan trọng của những công việc liên quan đến vai trò tái sản xuất là rất lớn nhưng lại không được xã hội coi trọng và đánh giá cao, trong khi những công việc này hầu như đều do phụ nữ và các bé gái đảm nhận. Tính chất và mức độ tham gia của nam giới và nữ giới trong các công việc có liên quan đến vai trò tái sản xuất có sự chênh lệch lớn. Nam giới
thường cho rằng họ chỉ trợ giúp phụ nữ làm việc nhà và đó không phải là trách nhiệm của họ.
Vai trò cộng đồng: Bao gồm vai trò tham gia cộng đồng và vai trò lãnh đạo cộng đồng. Vai trò tham gia cộng đồng bao gồm các hoạt động như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giữ gìn vệ sinh môi trường, …Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đôi khi nó đòi hỏi sự tham gia một cách tình nguyện, tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực. Vai trò lãnh đạo cộng đồng bao gồm các hoạt động mang tính lãnh đạo ở các cộng đồng. Ví dụ: mọi người có thể tham gia tổ chức, quản lý người dân tại nơi mình sinh sống để tiến hành các hoạt động chung như đánh giá tiêu chí gia đình văn hóa, hỗ trợ đồng bào lũ lụt, xây dựng môi trường văn hóa văn minh, … Xuất phát từ định kiến về giới cho rằng phụ nữ chủ yếu chịu trách nhiệm các công việc gia đình nên phần lớn các công việc lãnh đạo cộng đồng thường do nam giới đảm nhận.
Trên phương diện lý thuyết, cả nam giới và nữ giới đều có thể tham gia vào cả ba vai trò trên, nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi, với vai trò tái sản xuất sức lao động, phụ nữ hầu như phải đảm nhận phần lớn hơn (nguyên nhân xuất phát từ cả hai mặt là khía cạnh sinh học và khía cạnh xã hội), đồng thời phụ nữ cũng phải tham gia tương đối nhiều vào các hoạt động trong vai trò sản xuất để kiếm thu nhập. Gánh nặng công việc gia đình của phụ nữ đã khiến cho phụ nữ không thể tham gia một cách thường xuyên và tích cực vào các hoạt động cộng đồng, vì thế nam giới sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhiều thời gian và sức lực hơn để đảm nhận các vai trò cộng đồng (Đặng Thị Lan Anh và cộng sự, 2015). Cụ thể hơn, đối với các doanh nhân nữ, đã số trong số họ đều cho rằng gánh nặng công việc gia đình là một trở ngaị cho việc vận hành và mở rộng doanh nghiệp mà họ làm chủ. Và nhiều doanh nhân nữ mặc dù đã làm khá tốt trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc, nhưng họ vẫn muốn được giảm bớt công việc gia đình để họ có thể tập trung và dành nhiều thời gian cũng như sức lực cho công việc kinh doanh của mình (VCCI, 2010). Có thể thấy rằng, chính những nhận định cũng như kỳ vọng của xã hội đối với nữ giới đã tạo ra những sự không tương xứng về giới ở những mức độ khác nhau, điều này đòi hỏi cần phải có sự can thiệp để đảm bảo được mục tiêu bình đẳng giới.