Lý thuyết bản sắc xã hội (Social identity theory)

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giới tính giám đốc đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. (Trang 80 - 81)

Lý thuyết bản sắc xã hội thảo luận về cảm nhận của một người về bản thân mình dựa trên nhóm họ thuộc về (nhóm này có thể được chia theo vai trò, hoặc giới tính, hoặc sắc tộc/quốc tịch, …). Lý thuyết này gắn liền với tên của George Mead từ những năm 1930, nhưng đến khoảng giữa năm 1970 và năm 1980 mới bắt đầu được Henri Tajfel và John Turner phát triển. Lý thuyết bản sắc xã hội giải thích rằng chúng ta luôn định giá trị nhóm của mình bằng cách so sánh với các nhóm khác. Kết quả của các phép so sánh đó vô cùng quan trọng vì ảnh hưởng tới sự thỏa mãn tâm lý nội tại của mỗi cá nhân, từ đó ảnh hưởng đến hành vi của các cá nhân đó.

Eliot R. Smith và Diane M. Mackie (trích dẫn trong Lê Hải, 2008) cho rằng bản sắc xã hội (social identity) được định nghĩa như là "những cảm quan về khái niệm bản thân, tạo thành từ kiến thức và cảm nhận của cá nhân về các tư cách thành viên trong nhóm mà cá nhân đó cùng chia sẻ với những người khác”.

Từ cách tiếp cận trên, quá trình nhận thức về bản thân bằng cách định nghĩa và phân loại tư cách thành viên trong nhóm của mỗi bản thân. Turner, J. C., & Tajfel, H. (1986) nói rằng Henri Trajfel đã đưa ra ý tưởng đưa mọi người vào các nhóm và phân loại là một quá trình nhận thức, phát sinh từ xu hướng nhóm mọi thứ lại với nhau. Quá trình phân nhóm này dựa vào:

- Sự tương đồng giữa các thành viên trong nhóm - Sự khác biệt với các nhóm khác

Turner và Tajfel giải thích rằng các quá trình diễn ra trong việc hình thành các nhóm và quan điểm định kiến chống lại các nhóm khác có thể được chia thành ba giai đoạn:

Thứ nhất, phân loại xã hội: Cơ sở phân loại xã hội đầu tiên là xác định và hiểu rõ mọi người. Phân loại xã hội bằng cách biết chúng tôi thuộc về loại nào, chúng tôi có thể xác định hành vi thích hợp của những người tham gia vào một số nhóm nhất định. Tuy nhiên, một cá nhân có thể là một phần của nhiều nhóm cùng một lúc.

Thứ hai, nhận dạng xã hội: Các cá nhân không chỉ trở thành một phần của nhóm, mà còn chấp nhận danh tính của nhóm. Các cá nhân có xu hướng hành động theo một cách nào đó mà họ cảm nhận được các thành viên trong nhóm hành động như vậy. Điều này khiến cho nhóm có ý nghĩa tình cảm đối với họ. Với tư cách là thành viên của nhóm, họ sẽ có một cảm giác thuộc về thế giới mà họ đang sống, một cảm giác tự hào vì là thành viên của nhóm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng có thể

gây ra hậu quả tiêu cực là lòng tự trọng của các cá nhân có thể hoàn toàn phụ thuộc vào danh tính của các cá nhân với tư cách thành viên nhóm.

Thứ ba, so sánh xã hội: Sau khi các cá nhân được phân loại trong một nhóm và sử dụng danh tính của nhóm, các cá nhân có xu hướng so sánh nhóm của mình (trong nhóm) với các nhóm khác (nhóm ngoài). Đây là giai đoạn thứ ba được gọi là so sánh xã hội. Điều này cũng giải thích định kiến và phân biệt đối xử gây ra giữa các nhóm. Lý thuyết nhận dạng xã hội nói rằng các thành viên của bất kỳ nhóm nào sẽ giữ thành kiến và phân biệt đối xử với những người thuộc nhóm ngoài. Điều này mang lại cho các thành viên trong nhóm ý thức tăng cường hình ảnh của mình.

Như vậy, theo lý thuyết bản sắc xã hội thì mọi người sẽ bị thu hút bởi những người tương tự giống mình, họ sẽ có cảm giác thích các thành viên trong nhóm và đối xử với họ rất công bằng và đầy lòng vị tha. Do đó các nhóm khác nhau (khác nhau về giới tính, văn hóa, sắc tộc, …) sẽ dẫn đến sự phân chia, không hợp tác và có thể gây ra những xung đột nhóm dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả chung.

De Luis - Carnicer và cộng sự (2008) cho rằng doanh nghiệp nào có hội đồng quản trị chỉ có nam giới hoặc chỉ có phụ nữ (đồng nhất về giới tính) thì có thể tìm thấy sự dễ dàng trong giao tiếp giữa các thành viên trong hội đồng quản trị, làm giảm xung đột dẫn đến sự đoàn kết thống nhất hơn, và đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp có kết quả hoạt động tốt hơn. Và ngược lại, khi các thành viên trong Hội đồng quản trị có sự cân bằng về giới tính có thể dẫn đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp là thấp nhất.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giới tính giám đốc đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. (Trang 80 - 81)