Về thực hiện, sửa đổi, bổ sung và chấm dứt hợp đồng đại lý

Một phần của tài liệu TẠ THỊ PHƯƠNG - LUẬN VĂN TN BẢN CUỐI (Trang 77 - 83)

7. Kết cấu của Luận văn

2.2.4.Về thực hiện, sửa đổi, bổ sung và chấm dứt hợp đồng đại lý

Luật thương mại 2005 quy định: “Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý31”.

Tuy nhiên, quy định này đã bộc lộ điểm không thích hợp. Trong thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng, trong đó, có tồn tại nguyên nhân do lỗi của bên giao đại lý (khoản tiền được trả không tương xứng với lợi nhuận kiếm được, hàng hóa thường xuyên bị lỗi, bên giao đại lý vi phạm nghiệm trọng nghĩa vụ,…). Về khía cạnh này, Chỉ thị hội đồng (EEC) 86/653 có quy định bên đại lý được quyền yêu cầu bồi thường nếu:

Bên đại lý thu hút được khách hàng mới cho bên giao đại lý hoặc gia tăng đáng kể lượng giao dịch với khách hàng hiện tại và bên giao đại lý thu được lợi ích lớn từ giao dịch với các khách hàng này. Số tiền bồi thường trong mọi trường hợp tương đương với thù lao mà đại lý thương mại đáng ra được hưởng từ giao dịch với các khách hàng đó. Mức bồi thường không vượt quá số tiền tương đương với mức thù lao trong một năm tính bằng bình quân thù lao hàng năm trong vòng 5 năm trước đó.

71

Trường hợp hợp đồng có thời hạn dưới 5 năm thì mức này được tính theo bình quân thời gian hoạt động đại lý. Việc được bồi thường không ngăn cản đại lý thương mại yêu cầu đền bù cho các thiệt hại phát sinh.

Trong trường hợp này, hoàn toàn có thể xác định được thiệt hại xảy ra và số tiền bồi thường. Đồng thời bảo đảm cho quyền lợi của bên đại lý cũng như bên giao đại lý và khá phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay.

Hơn thế nữa, nếu đại lý đưa ra yêu cầu chấm dứt thời hạn đại lý cũng gây thiệt hại, khó khăn cho bên giao đại lý, tại sao ở đây lại không xuất hiện khái niệm bồi thường? Pháp luật dân sự quy định, “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”.

Nói cách khác, nếu bên giao đại lý không vi phạm nghiệm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng đại lý mà bên đại lý lại đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại. Thế nhưng pháp luật Thương mại lại chỉ làm mất đi quyền yêu cầu của bên đại lý, điều này thực sự không được công bằng với bên còn lại.

Là hoạt động trung gian thương mại, đại lý có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, pháp luật quy định về hoạt động này vẫn còn chưa đáp ứng được những nhu cầu phát triển trên thực tế mặc dù hoạt động đại lý được quy định trong Luật thương mại 2005 cũng như nhiều luật chuyên ngành như hoạt động đại lý xăng dầu, hoạt động đại lý tàu biển, đại lý lữ hành du lịch.

Mặc dù có những điểm tiến bộ so với Luật thương mại 1997, nhưng quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong quan hệ đại lí vẫn tồn tại những điểm bất cập. Cụ thể:

- Thứ nhất, về các trường hợp chấm dứt thời hạn đại lý. Luật thương mại 2005 quy định mở rộng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý. Theo đó, nếu không có thỏa thuận khác, các bên có quyền chấm dứt hợp đồng đại lý mà chỉ cần thông báo cho bên kia bằng văn bản trong thời hạn quy định. Cụ thể, pháp luật quy định thời hạn báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý ít nhất sáu mươi ngày để bên kia có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh lại hoạt động đại lý của mình trước khi chấm dứt hoàn toàn quan hệ đại lý. Quy định cụ thể thời hạn báo

72

trước cũng như hình thức thông báo nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đại lý. Có thể thấy, quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý không cần lý do phù hợp với tinh thần chung của Luật thương mại 2005, phù hợp điều kiện hội nhập của đất nước.

Hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng đại lý gồm các nội dung liên quan đến việc tiếp tục bán hàng tồn đọng của các bên đại lý, hủy bỏ yêu cầu giao hàng của bên đại lý, chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại của bên giao đại lý, …

Đối với trường hợp hợp đồng đại lý bị đơn phương chấm dứt, Điều 177 Luật thương mại 2005 có quy định: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó. Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý. Nếu bên đại lý chủ động yêu cầu chấm dứt thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

Nhìn chung, hợp đồng đại lý bị đơn phương chấm dứt ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của hai bên trong hợp đồng.

Vụ án tranh chấp giữa nguyên đơn bà Bà Phùng Mỹ L – Chủ hộ kinh doanh cá thể ĐP và bị đơn Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NM tại toà án nhân dân Quận X, Tp.Hồ Chí Minh là một ví dụ về đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý.

Nội dung vụ án: Ngày 02/01/2012, Công ty NM có ký hợp đồng phân phối sản phẩm số 06-HCM/HĐPP-12 với Hộ kinh doanh ĐP dưới hình thức đại

73

lý độc quyền tại khu vực quận BT và được hưởng chiết khấu (hoa hồng) theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua. Thời hạn hợp đồng là 01 năm từ ngày 02/01/2012 đến ngày 31/12/2012.

Vào ngày 13/6/2012, Hộ kinh doanh ĐP có đặt mua hàng nhưng Công ty NM không giao. Đến ngày 16/6/2012 Công ty NM đề nghị hộ kinh doanh ĐP ngưng giao hàng cho thị trường bằng văn bản số 190/2012/TB/NTF và cũng ngay trong ngày 16/6/2012, Công ty NM đã mở nhà phân phối mới là Công ty TNHH MTV Thắng Nguyễn có chức năng giao hàng tại khu vực quận BT. Như vậy, Công ty NM đã ngưng toàn bộ việc thực hiện hợp đồng phân phối sản phẩm số 06- HCM/HĐPP-12 cũng như ngưng toàn bộ việc kinh doanh của Hộ kinh doanh ĐP ngay ngày 16/6/2012.

Việc Công ty NM đơn phương chấm dứt hợp đồng đã vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng giao kết với hộ kinh doanh ĐP trước đây, Công ty NM không gởi thông báo bằng văn bản trước 15 ngày, vi phạm phụ lục hợp đồng. Việc Công ty NM đơn phương chấm dứt hợp đồng phân phối trước thời hạn là hành vi vi phạm hợp đồng. Thời gian còn lại của hợp đồng 06 tháng 15 ngày là thời gian thực tế mà Hộ kinh doanh ĐP phải chịu tổn thất trực tiếp32.

Hội đồng xét xử đã áp dụng quy định của Luật thương mại 2005 để xét yêu cầu bồi thường của nguyên đơn là Hộ kinh doanh ĐP đối với hành vi chấm dứt trước thời hạn hợp đồng đại lý của Công ty NM mà chưa có sự chấp thuận của nguyên đơn.

Có thể thấy, hợp đồng đại lý có thời gian thực hiện dài, bên đại lý thường phải đầu tư một nguồn lực nhất định như nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác đáp ứng kinh doanh hàng hóa của bên giao đại lý. Chính vì vậy, Luật Thương mại 2005 đã cho phép bên đại lý có quyền đòi bồi thường với những trường hợp đơn phương chấm dứt của bên giao đại lý.

32 Bản án số 14/2014/KDTM-ST ngày 11/7/2014 về tranh chấp hợp đồng đại lý của Toà án nhân dân Quận X, Tp.Hồ Chí Minh

74

Tuy nhiên, trong quan hệ đại lý, bên giao đại lý cũng cần được bảo vệ khi bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bên giao đại lý phải giao hàng hoặc tiền cho bên đại lý, đồng thời phải hướng dẫn bên đại lý các vấn đề liên quan đến hàng hóa như bảo quản chất lượng hàng hóa, … Do vậy, khi bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng, bên giao đại lý cũng chịu không ít ảnh hưởng như: hàng hóa giao cho bên đại lý trong thời gian dài không bảo đảm được chất lượng hoặc bên đại lý có ý đồ xấu cố tính không tiêu thụ, bị lộ bí quyết kinh doanh, … Điều này đòi hỏi Luật thương mại 2005 cần bổ sung quy định để bảo vệ quyền lợi cho bên giao đại lý khi bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Mặt khác, trong trường hợp bên đại lý chấm dứt hợp đồng đại lý do lỗi của bên giao đại lý mà Luật Thương mại không cho phép bên đại lý yêu cầu bồi thường là không hợp lý.

Tuy nhiên, quy định tự do đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của các bên trong nhiều trường hợp sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bên kia, đồng thời quy định này cũng khiến cho quan hệ đại lý không còn được vững chắc, gắn bó đúng như bản chất của nó, thương nhân cũng thiếu sự tin tưởng khiến cho việc thúc đẩy hoạt động thương mại thông qua đại lý thương mại cũng bị ảnh hưởng phần nào.

- Thứ hai, Khoản 3 Điều 177 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý”. Quy định như vậy chưa thực sự hợp lý, chưa bảo vệ được quyền lợi của bên đại lý trong trường hợp bên giao đại lý không thực hiện, thực hiện không đủ, thực hiện không đúng nghĩa vụ buộc bên đại lý phải chấm dứt hợp đồng.

- Thứ ba, về hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý: + Về việc đòi bồi thường của bên đại lý khi bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng quy định chưa hợp lý, chưa bao quát được tất cả các trường hợp. Không phải trong bất cứ trường hợp nào bên giao đại lý yêu cầu chấm dứt hợp đồng cũng là vi phạm hợp đồng đã kí. Ví dụ như đối với hợp đồng đại lý không xác định

75

thời hạn, trong trường hợp không có vi phạm thì việc trả tiền bồi thường đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của bên giao đại lý cần được xác định hợp lý hơn.

+ Về mức bồi thường khi bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng: Điều 177 Luật thương mai 2005 quy định “Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời

gian nhận đại lý”. Cách quy định giá trị khoản bồi thường như vậy mang tính chủ

quan, không phù hợp với nguyên tắc tính bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, trên thực tế quan hệ đại lý thường được thực hiện trong thời gian dài và để thực hiện dịch vụ đại lý cho bên giao đại lý, bên đại lý có thể phải bỏ khá nhiều chi phí. Nếu bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý sẽ gây thiệt hại cho bên đại lý.

Tiêu kết chương 2

Pháp luật hợp đồng đại lý được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005 với các nội dung cơ bản về: điều kiện hiệu lực, giao kết hợp đồng đại lý; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng và việc thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng đại lý.

Mặc dù đã có những quy định chi tiết, nhưng pháp luật điều chỉnh hợp đồng đại lý vẫn còn một số điểm bất cập, hạn chế và biểu hiện qua thực tiễn áp dụng và qua quá trình xét xử tại cơ quan tài phán. Bởi vậy, việc điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về hợp đồng đại lý cần được hoàn thiện với các chế định trong thời gian tới để làm công cụ đắc lực trong điều tiết hoạt động thương mại tại Việt Nam.

76

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ VÀ GIẢI PHÁP THỰC THI

Một phần của tài liệu TẠ THỊ PHƯƠNG - LUẬN VĂN TN BẢN CUỐI (Trang 77 - 83)