trong ngành thủy sản
Trong những năm qua, lợi thế về nguồn lực lao động dồi dào, cần cù, khéo léo là một trong lợi thế cạnh tranh lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, đội ngũ lao động kỹ thuật cao và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn xuất nhập khẩu trong ngành thủy sản nước ta hiện nay còn thiếu về số lượng, trình độ năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Để nâng cao chất lượng lao động, Nhà nước cần có những chính sách tăng cường và mở rộng công tác đào tạo, dạy nghề đối với các loại hình lao động như lao động quản lý, lao động kỹ thuật, lao động phổ thông nhằm nâng cao chất lượng lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành thủy sản.
Tùy thuộc từng loại đối tượng lao động, Nhà nước đề ra những hình thức đào tạo cho phù hợp. Đối với đội ngũ ngư dân có thể đào tạo bằng nhiều hình thức như ngắn hạn, bồi dưỡng và đào tạo tại chỗ để tăng cường và bổ sung đội ngũ lao động lành nghề cho nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Các tổ chức khuyến ngư tại các địa phương kết hợp với các trường đại học, trung cấp thủy sản, viện nghiên cứu thủy sản cung cấp những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm thực tế nuôi trồng và kinh doanh thủy sản cho ngư dân và doanh nghiệp. Đối với đội ngũ lao động quản lý, Nhà nước cần chú ý đến việc nâng cao năng lực điều hành, quản lý doanh nghiệp, kiến thức về tiếp thị, tiếp thu khoa học kỹ thuật, trình độ công nghệ thông tin, bồi dưỡng để giúp các doanh nghiệp làm quen và ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử. Đối với những cán bộ trực tiếp làm công tác xuất nhập khẩu trong các doanh nghiệp, Nhà nước chú trọng tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về thương
mại quốc tế, luật lệ quốc tế cũng như hệ thống luật pháp của Mỹ để tránh những tranh chấp có thể nảy sinh. Hướng dẫn đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho địa phương để thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm mà địa phương đó sản xuất.
Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản liên kết với các đối tác nước ngoài để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật cho các đối tượng lao động của ngành bằng việc gửi lao động ra nước ngoài học tập hoặc mời những chuyên gia về thủy sản đào tạo giảng dạy tại Việt Nam.
Nhà nước tạo điều kiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường Đại học, Trung cấp thủy sản và các Trung tâm đào tạo nghề khác của ngành thủy sản để những đơn vị này có thể cung cấp được ngày càng nhiều lao động có trình độ nghiệp vụ cao về thủy sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản.
Để tăng cường vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp về công tác marketing đối với hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Bộ Thương mại cần có kế hoạch đào tạo một đội ngũ cán bộ chuyên đàm phán trong các lĩnh vực kinh tế đối ngoại với Mỹ. Đội ngũ cán bộ này phải là những người giỏi ngoại ngữ, nắm vững những quy định của WTO, những rào cản thương mại và kỹ thuật của Mỹ, đặc biệt là có kỹ năng và kinh nghiệm đàm phán.