- Giá cả hàng hóa là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Doanh nghiệp muốn có sức cạnh tranh cao thì doanh nghiệp đó phải xây dựng được cách thức tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng cách hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán nhằm thu hút được nhiều người tiêu dùng. Để có thể hạ giá thành sản phẩm, doanh nghiệp phải tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thấp, nhân công rẻ, đồng thời phải đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất, giảm thiểu các khoản chi phí khác. Xuất khẩu thủy sản là khâu cuối trong chuỗi các công đoạn từ nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến, xuất khẩu. Do vậy, cạnh tranh về giá của sản phẩm thủy sản xuất khẩu phụ thuộc vào việc hạ thấp chi phí ở các công đoạn trước đó. Trong hoạt động đánh bắt thủy sản thì phải đầu tư đổi mới các phương tiện đánh bắt, các phương tiện bảo quản hiện đại nhằm giảm thiểu tỷ lệ thối hỏng sau đánh bắt. Đối với hoạt động nuôi trồng, phải chú trọng đến đầu tư thâm canh có trọng điểm, chọn giống nuôi tốt, có năng suất cao. Đối với khâu chế biến phải đầu tư các dây chuyền chế biến hiện đại, nâng cao năng suất lao động nhằm gia tăng hiệu suất thu hồi, nâng cao tỷ lệ hữu ích của sản phẩm. Đối với lưu thông hàng hóa phải có các phương án bảo quản, vận chuyển hợp lý nhằm giảm thiểu chi phí. - Chất lượng hàng hóa: Với cùng một loại hàng hóa, nhưng hàng hóa nào có chất lượng cao hơn, có thể là giá đắt hơn cũng sẽ được người tiêu dùng ưu tiên mua. Vì vậy, chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng hàng đầu để các doanh nghiệp sử dụng để cạnh tranh với những doanh nghiệp khác. Chất
lượng hàng thủy sản phụ thuộc vào một số yếu tố: điều kiện tự nhiên, điều kiện kỹ thuật, trình độ công nghệ sản xuất; nếu doanh nghiệp áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại để nuôi trồng hay chế biến thì sẽ có lợi thế hơn nhiều so với các doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất lạc hậu, sản phẩm làm ra sẽ tốt hơn đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ cấu hàng thủy sản phải đa dạng, phù hợp với tập quán phong tục, thị hiếu tâm lý người tiêu dùng của nước nhập khẩu. Hàng thủy sản là hàng thực phẩm, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, do vậy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề mà các doanh nghiệp phải quan tâm hàng đầu trong việc nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng của hàng hóa.
- Kiểu cách, mẫu mã của hàng hóa và thương hiệu sản phẩm: Sản phẩm với tư cách là hàng hóa sẽ được xem xét trên các chỉ tiêu về mức độ thỏa mãn đối với nhu cầu của người tiêu dùng về một số yêu cầu về hình thức bao bì, nhãn mác sản phẩm. Bao bì mẫu mã đẹp cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết phù hợp với thói quen tiêu dùng và văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, phù hợp với mỗi lứa tuổi là yếu tố rất quan trọng trong cạnh tranh bằng sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm, nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định tiêu dùng của người mua. Việc xây dựng thương hiệu tốt cũng giúp doanh nghiệp thu hút ngày càng nhiều khách hàng và thâm nhập thành công thị trường các nước nhập khẩu. Một sản phẩm thủy sản xuất khẩu chỉ có thể đứng vững và phát triển trên thị trường quốc tế khi nó có một thương hiệu mạnh, có nghĩa là hình ảnh của nó đã được nhiều khách hàng kiểm nghiệm và tin tưởng. Có thương hiệu trên thị trường doanh nghiệp sẽ dễ thu hút thêm khách hàng mới, mở rộng thêm thị trường, thu về nhiều lợi nhuận.
- Hệ thống phân phối, dịch vụ bán hàng: hệ thống phân phối được thiết kế hợp lý, đa dạng hóa các kênh phân phối tương ứng với các cơ cấu sản phẩm đa dạng, phân định được kênh phân phối chủ lực có ý nghĩa quan trọng trong việc tối thiểu hóa chi phí dành cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Một hệ
thống phân phối hợp lý bao gồm mạng lưới các đại lý, các cơ sở trung tâm bán hàng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa với các hình thức bán buôn và bán lẻ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và phù hợp với khả năng thanh toán, vừa phù hợp với tập quán, phong tục của các địa phương. Hoạt động dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng tốt cũng là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp cạnh tranh có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Trước khi bán hàng, các doanh nghiệp cần có các biện pháp thâm nhập thị trường, tìm hiểu và nghiên cứu thị trường để có định hướng đúng đắn trong việc phát triển các loại sản phẩm. Đồng thời doanh nghiệp sử dụng các biện pháp như quảng cáo tiếp thị, trưng bầy giới thiệu sản phẩm để thu hút khách hàng. Trong khi bán hàng, doanh nghiệp phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng về phương tiện vận chuyển, phương thức thanh toán nhanh gọn, thực hiện chính sách khuyến mại… Sau khi bán hàng, doanh nghiệp cần có dịch vụ hậu mãi tốt, đồng thời chú trọng đến việc thu thập các thông tin, các nhận xét của khách hàng đối với sản phẩm của mình, để có sự điều chỉnh kịp thời cả về đầu tư sản xuất và chiến lược tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu.