- Về nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản
Mỹ là nước có nhu cầu lớn về tiêu thụ hàng thủy sản với kim ngạch nhập khẩu tăng đều qua các năm. Với thu nhập bình quân của người dân vào loại cao nhất trên thế giới và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 4%, Mỹ là một thị trường có mức tiêu dùng hàng thủy sản rất cao. Các mặt hàng thủy sản được người dân Mỹ rất ưa chuộng là các loại cá rô phi, cá da trơn, tôm, cua ghẹ và các sản phẩm thủy sản có giá trị thương mại cao như cá ngừ, cá hồi….
Tại Mỹ có nhiều cơ sở chế biến phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, nên nhu cầu của Mỹ về hàng thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài là rất lớn. Hiện nay, Mỹ là nước nhập khẩu hàng thủy sản lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản.
Trong các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, cá là sản phẩm được tiêu dùng nhiều nhất tại Mỹ. Năm 2005, Mỹ nhập khẩu 1.240 tấn cá các loại chiếm tỷ
trọng 51,8% trong tổng lượng nhập khẩu hàng thủy sản của Mỹ, trong đó các loại cá ngừ, cá da trơn, cá hồi, cá rô phi là những loại cá được nhập khẩu nhiều nhất ở thị trường Mỹ. Ngành sản xuất cá nheo Mỹ cung cấp khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng cá da trơn cho thị trường Mỹ, còn lại Mỹ nhập khẩu cá da trơn từ các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Bănglađét. Cá ngừ vây xanh chủ yếu nhập từ Mêhicô, Tây Ban Nha, Canada. Cá ngừ vây vàng nhập từ Việt Nam, Trinidat và Tobacgo. Theo số liệu thống kê tại thị trường Mỹ hàng năm tiêu thụ khoảng 1/3 trong tổng số 2,2 tỷ hộp cá ngừ bán ra trên toàn thế giới. Hầu như gia đình người Mỹ nào cũng có cá ngừ đóng hộp để dùng do sản phẩm này thuận lợi cho sử dụng, giàu dinh dưỡng, không đắt. Tại các siêu thị của Mỹ, doanh số bán cá ngừ tươi ngày càng tăng cho thấy người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng đối với sản phẩm này. Năm 2005, Mỹ nhập khẩu 287.730 tấn cá ngừ với kim ngạch là 915,68 triệu USD. Mỹ cũng là nước nhập khẩu hàng đầu sản phẩm cá rô phi chế biến. Nhập khẩu cá rô phi của Mỹ tăng từ 40,47 tấn năm 2000 lên 134,87 tấn năm 2005, trị giá 392,98 triệu USD [26, tr. 15].
Tôm là mặt hàng được tiêu dùng đứng thứ hai tại Mỹ và chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Hơn nữa do nhiều nước xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ nên giá tôm hạ do đó nhu cầu của người dân Mỹ ngày càng tăng. Hàng năm, Mỹ nhập khẩu một lượng lớn tôm từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ… Năm 2004, Mỹ nhập khẩu 518.378 tấn tôm từ các nước và năm 2005 là 532.159 tấn tôm các loại với kim ngạch nhập khẩu là 3,67 tỷ USD. Năm 2005, Mỹ nhập khẩu 120.867 tấn cua ghẹ các loại từ các nước. Các nước cung cấp cua ghẹ chủ yếu cho thị trường Mỹ là Canada, Nga, Inđônexia.
Mỹ là thị trường tương đối ổn định với số lượng và kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng đều qua các năm. Có nhiều nguyên nhân khiến cho thị trường nhập khẩu Mỹ tăng trưởng nhanh như: nền kinh tế tăng trưởng liên tục và đồng đô la vững; để bảo vệ lâu dài nguồn lợi thủy sản, Mỹ hạn chế
việc khai thác ở mức độ thích hợp và tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước
- Về sản xuất hàng thủy sản
Mỹ có nguồn lợi thủy hải sản giàu có và phong phú vào bậc nhất thế giới trong đó có nhiều loại có giá thị thương mại cao như tôm he, tôm hùm, cá hồi, cá ngừ… Mỹ là cường quốc thế giới về khai thác, nuôi trồng và chế biến các sản phẩm thủy sản, đồng thời cũng là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Về nuôi trồng thủy sản, Mỹ chỉ tập trung nuôi trồng những loại thủy sản có nhu cầu cao và thu được nhiều lợi nhuận. Mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong khai thác thủy sản tự nhiên, nhưng hiện nay Mỹ đang giảm dần sản lượng khai thác và tăng sản lượng nuôi trồng do Mỹ thi hành chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Nhu cầu khai thác hàng năm của Mỹ là 6-7 triệu tấn thủy hải sản nhưng để bảo vệ và duy trì lâu dài nguồn lợi thủy sản, nước này chỉ hạn chế khai thác ở mức từ 4,5-5 triệu tấn/ năm [9, tr. 1].
Bảng 1.1: Tình hình nhập khẩu thủy sản của Mỹ giai đoạn 1997-2005
Năm Khối lượng nhập khẩu (nghìn tấn) Giá trị nhập khẩu(Triệu USD) Tốc độ tăng so vớinăm trước (%)
1997 1.638,75 7.829,09 1998 1.737,54 8.228,67 105% 1999 1.848,61 9.048,39 110% 2000 1.866,17 10.086,83 111% 2001 1.934,85 9.880,70 109% 2002 2.108,43 10.209,65 103% 2003 2.270,63 11.112,97 109% 2004 2.334,98 11.379,98 102% 2005 2.393,62 12.158,48 107%
Nguồn: Cơ quan quản lý thủy hải sản Mỹ, năm 1997-2005. - Về hệ thống các kênh phân phối hàng thủy sản:
Hệ thống phân phối hàng thủy sản ở Mỹ gồm mạng lưới bán buôn và mạng lưới bán lẻ.
+ Mạng lưới bán buôn thủy sản tại Mỹ: Các công ty kinh doanh hàng đầu của nước Mỹ trực tiếp nhập khẩu thủy sản từ các nước sau đó cung cấp cho hệ thống các siêu thị và cửa hàng và cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp để chế biến ra các sản phẩm có GTGT. Các công ty nhập khẩu này rất quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng để từ đó có thể nhập khẩu những mặt hàng thủy sản đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thu được nhiều lợi nhuận. Các công ty này cũng thường xuyên nắm bắt tình hình từ các nhà xuất khẩu thủy sản trên thế giới để đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa ổn định với các mặt hàng thủy sản đa dạng nhằm cung cấp cho các loại đối tượng khác nhau của thị trường Mỹ.
+ Mạng lưới bán lẻ thủy sản tại Mỹ: chiếm đến trên 50% giá trị tiêu thụ tại Mỹ. Các công ty bán lẻ độc lập, các hệ thống siêu thị, nhà hàng mua hàng từ các công ty nhập khẩu lớn.
Người tiêu dùng Mỹ chủ yếu mua thủy sản tại các cửa hàng, siêu thị, nơi họ có sự tin tưởng về chất lượng và các điều kiện vệ sinh an toàn. Các kênh tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường Mỹ có mối quan hệ rất chặt chẽ, mang tính chuyên môn hóa cao, rất ít trường hợp các siêu thị lớn hoặc các công ty bán lẻ độc lập mua hàng trực tiếp từ các nhà xuất khẩu thủy sản nước ngoài. Mối quan hệ bạn hàng giữa các nhà bán buôn và bán lẻ trên thị trường Mỹ phần lớn là do có quan hệ tín dụng và mua cổ phần của nhau. Các nhà bán buôn và bán lẻ trong hệ thống phân phối của thị trường Mỹ thường có quan hệ làm ăn lâu đời, liên kết chặt chẽ với nhau thông qua các hợp đồng
kinh tế. Các cam kết trong hợp đồng được giám sát nghiêm ngặt bởi các chế tài của luật kinh tế. Nếu một hợp đồng nhập khẩu với các nhà xuất khẩu nước ngoài không được thực hiện sẽ khiến cho các hợp đồng cung ứng cho các nhà bán lẻ bị đổ bể. Vì vậy mà các nhà nhập khẩu hàng thủy sản của Mỹ yêu cầu rất cao các đối tác xuất khẩu về việc tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của hợp đồng nhất là các điều kiện về chất lượng và thời gian giao hàng. Hệ thống phân phối của Mỹ được hình thành theo một tổ hợp rất chặt chẽ. Do đó, sự xâm nhập của những nhà nhập khẩu đơn lẻ thường không mấy đe dọa đến sự hiện diện thương mại của những người đến trước, đã có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống phân phối hàng thủy sản nhập khẩu của Mỹ.
Với các đặc điểm trên của hệ thống phân phối hàng thủy sản tại Mỹ đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam phải xây dựng bước đi thích hợp trong xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng thủy sản nói riêng vào thị trường này. Cần xác định rõ phân đoạn thị trường, lựa chọn phương thức hợp lý nhất để thâm nhập vào thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tham gia vào hệ thống phân phối có sẵn tại Mỹ và buộc phải chấp nhận tuân thủ chặt chẽ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như về thương mại mang tính toàn cầu. Nhà xuất khẩu phải hiểu biết một cách thấu đáo về hệ thống luật pháp, chính sách và những thủ tục của Mỹ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
- Chính sách bảo vệ người tiêu dùng và các rào cản kỹ thuật đối với hàng thủy sản nhập khẩu
Cũng như các nước phát triển khác, một đặc điểm nổi bật trên thị trường Mỹ là quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỹ là một trong những thành viên quan trọng hàng đầu của tổ chức thương mại thế giới (WTO), có chế độ quản lý hàng hóa nhập khẩu chủ yếu dựa trên các nguyên tắc của tổ chức này. Mặc dù hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ bao
gồm nhiều chủng loại về phẩm cấp, giá cả phù hợp với nhu cầu của nhiều tầng lớp trong xã hội Mỹ, nhưng các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng thực phẩm, hàng thủy sản phải vượt qua những rào cản kỹ thuật rất nghiêm ngặt khi nhập khẩu vào Mỹ. Rào cản kỹ thuật chính là quy chế nhập khẩu chung và các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mỹ, được cụ thể hóa ở các tiêu chuẩn của sản phẩm: tiêu chuẩn chất lượng theo hệ thống quản lý ISO 9000 gần như là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ; tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm; tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng; tiêu chuẩn bảo vệ môi trường - yêu cầu các nhà sản xuất phải đảm bảo tuân thủ hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 và tiêu chuẩn về lao động - cấm nhập khẩu những hàng hóa mà quá trình sản xuất sử dụng bất kỳ một hình thức lao động cưỡng bức nào như lao động tù nhân, lao động trẻ em…
Đối với hàng thủy sản nhập khẩu vào thị trường Mỹ, tiêu chuẩn về VSATTP là tiêu chuẩn có tầm quan trọng hàng đầu. Hiện nay, hệ thống kiểm soát có tên gọi hệ thống điểm kiểm soát tới hạn và phân tích nguy hiểm (HACCP) đã được một số nước chấp nhận và áp dụng trong việc kiểm tra chất lượng hàng thực phẩm. Các nước EU và Mỹ là những nước đi đầu trong việc áp dụng HACCP đối với sản phẩn hàng thực phẩm nói chung và hàng thủy sản nói riêng. Theo các quy định của HACCP thì các nhà máy, các cơ sở chế biến thủy sản phải tuân thủ một quy trình sản xuất đã định sẵn để chứng tỏ rằng các nhà máy, các cơ sở này đã thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa sự nhiễm bẩn của thủy sản tại các điểm dừng của quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ từ tàu đánh cá cho đến tay người tiêu dùng.
Tiêu chuẩn đối với dư lượng kháng sinh cũng là tiêu chuẩn rất quan trọng để kiểm định hàng thủy sản được tiêu thụ trên thị trường Mỹ. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm liên bang Mỹ đã đưa ra quy định đối với hàng thủy sản nhập khẩu là cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm có dư lượng kháng
sinh ở mức 0,3 phần tỷ. Đây là tiêu chuẩn kỹ thuật rất ngặt nghèo, để đáp ứng được điều kiện này, đòi hỏi sản phẩm thủy sản được xuất vào Mỹ phải chịu quy trình nghiêm ngặt kể từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và đóng gói đưa đi xuất khẩu.