Thứ nhất, Việt Nam có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi cho nuôi trồng, khai thác và kinh doanh thủy sản.
Đối với hàng thủy sản xuất khẩu, yếu tố về điều kiện tự nhiên có tác động rất quan trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Với hơn 3000 km bờ biển, Việt Nam có vùng lãnh hải thềm lục địa rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ trên đất liền. Tiềm năng, nguồn lợi tài nguyên sinh vật biển và vùng nước nội địa Việt Nam rất phong phú, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việt Nam có điều kiện khí hậu nhiệt đới cho phép phát triển thủy sản đa loài, chất lượng cao, có khả năng phát triển diện tích nuôi thủy sản ở cả ba loại thủy vực: nước ngọt, nước lợ, nuôi biển. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, hệ thống sông hồ thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản với những chủng loại sản phẩm đa dạng, phong phú, có giá trị xuất khẩu lớn. Hơn nữa, Việt Nam lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi nối liền giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng thủy sản nói riêng. Nguồn lợi thủy hải sản phong phú, đa dạng cùng với vị trí địa lý thuận lợi là những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào:
Lao động Việt Nam nói chung và lao động nghề cá nói riêng có đặc tính cần cù, khéo léo, tiếp thu công nghệ nhanh. Lao động nói chung và lao động nghề cá nói riêng của Việt Nam tương đối dồi dào, giá lao động lại thấp hơn so với các nước trong khu vực. Việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh nghiệm
thực tế và tiếp thu nắm bắt những công nghệ tiên tiến là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn lao động của ngành thủy sản Việt Nam. Trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đã có sự chú trọng đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại và đã quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ lao động các kiến thức, kỹ năng phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại.
Cùng với các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân công dồi dào, có chất lượng và chi phí tương đối thấp là những điểm mạnh cơ bản giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam giảm được chi phí sản xuất, hạ giá bán, nâng cao được năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản trên thị trường Mỹ. Lợi thế này cho phép Việt Nam mở rộng thị phần đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như cá tra, cá basa, các loại tôm sú. Ngành thủy sản Việt Nam đã tận dụng được những lợi thế của đất nước để nâng cao sản lượng xuất khẩu. Do hàng thủy sản xuất khẩu có những lợi thế về điều kiện tự nhiên và có hàm lượng lao động cao nên thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có sức cạnh tranh về giá so với các nước khác.
Ngoài ra, còn một số điểm mạnh khác như việc phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản theo hướng hiện đại đã đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Mỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm.. Trong nuôi trồng, ngành thủy sản nước ta đã chú trọng đến việc đáp ứng được yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nhiều nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm nuôi và phát triển nuôi trồng theo xu hướng thân thiện môi trường. Trong lĩnh vực khai thác, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương tiện đánh bắt hiện đại, đầu tư hệ thống tàu khai thác có giá trị lớn, chuyển dần từ khai thác chạy theo số lượng sang chú trọng khai thác những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao. Khai thác hải sản có sự chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp và đối tượng khai thác, đổi mới công nghệ bảo quản nâng tỷ trọng nguyên liệu đưa vào chế biến xuất khẩu.
Tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu trong sản lượng khai thác đã tăng từ dưới 20% năm 1998 lên khoảng 25% năm 2004. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến hàng năm có bước tăng trưởng nhanh, chất lượng từng bước được nâng cao, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền IQF, thiết bị phân cỡ tôm, máy hấp, máy luộc… Nhờ đổi mới thiết bị công nghệ và phát triển thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu đã thay đổi tích cực, tỷ trọng sản phẩm ăn liền, sản phẩm GTGT tăng từ 17,5% lên 40-45% năm 2005 (chủ yếu là các sản phẩm tôm và cá tra, cá ba sa). Việc thay đổi cơ cấu sản phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến GTGT đã khiến cho tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng khối lượng sản phẩm xuất khẩu.
Năng lực chế biến thủy sản của Việt Nam ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng, trong đó đã hình thành các khu tập trung nhà máy chế biến thủy sản gắn liền với nguồn cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu như cảng, kho thương mại, vận chuyển. Nhiều cơ sở chế biến cũ đã được nâng cấp, mở rộng và đầu tư chiều sâu bên cạnh những cơ sở chế biến mới ra đời với thiết bị và công nghệ tiên tiến đưa tổng số cơ sở chế biến xuất khẩu lên đến 439 cơ sở trong đó có 296 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Công suất chế biến từ 800 tấn/ ngày (năm 1998) đã lên đến 3.250 tấn/ngày [30, tr. 4].