Việt Nam: Trong những năm gần đây, sản xuất thủy sản của Việt
Nam đã dần tiếp cận theo hướng nuôi trồng công nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, có sự chọn lựa ngay từ khâu giống, thức ăn đến quy trình đánh bắt, chế biến. Ngành thủy sản đã chú trọng hiện đại hóa các cơ sở chế biến, tuy nhiên, các cơ sở sản xuất nuôi trồng của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ chủ yếu là phát triển nuôi trồng theo mô hình hộ gia đình, trang trại nhỏ. Mô hình này có ưu điểm là dễ thay đổi cơ cấu sản xuất, sản phẩm có hương vị màu sắc hấp dẫn nhưng hạn chế ở chỗ sản lượng thấp, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất đại trà gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng được những đơn hàng lớn. Hạn chế lớn nhất là việc kiểm soát VSATTP ngay từ khâu nuôi
trồng do việc đầu tư còn nhỏ lẻ, manh mún; khó tránh khỏi tình trạng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của hàng thủy sản xuất khẩu.
Bên cạnh việc phát triển nuôi trồng thủy sản, việc khai thác thủy sản tự nhiên là nguồn cung cấp quan trọng cho xuất khẩu. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc đầu tư đội tàu thuyền hiện đại, công suất lớn và dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm thủy sản tự nhiên có GTGT cao chưa được khai thác nhiều. Điều này không những làm ảnh hưởng trực tiếp đến KNXK mà về lâu dài làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản do việc đánh bắt quá nhiều.
Các phương thức xuất khẩu của hàng thủy sản Việt Nam còn đơn điệu chủ yếu mới tiếp cận được những người nhập khẩu trực tiếp. Công tác tiếp thị hàng thủy sản còn chưa tốt, chưa tận dụng được lợi thế lực lượng Việt Kiều tại Mỹ trong phân phối hàng thủy sản xuất khẩu.
Thái Lan: các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng thủy sản
Thái Lan luôn chú trọng đến việc ứng dụng những công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm. Đây là nhân tố quan trọng giúp hàng thủy sản Thái Lan có được vị trí ổn định và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường Mỹ. Các cơ sở chế biến được quy hoạch xây dựng gần các cảng cá và các trại nuôi, nên các sản phẩm thủy sản sau thu hoạch được bảo quản tốt, khi xuất khẩu các sản phẩm vẫn giữ được hương vị thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ hao hụt ít. Ngành thủy sản Thái Lan đã nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu sang Mỹ bằng cách xây dựng cơ cấu sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có GTGT cao và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc bắt buộc áp dụng HACCP đối với các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu. Chính phủ Thái Lan kiểm tra nghiêm ngặt việc nhập khẩu và sử dụng các loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản cũng như thường xuyên
kiểm soát dư lượng kháng sinh đối với thành phẩm trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, giá nhân công trong ngành thủy sản của Thái Lan còn cao hơn ở Trung Quốc và Việt Nam nên phần nào cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Thái Lan.
Hàng thủy sản Thái Lan từ lâu đã có được vị trí vững chắc trên thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp Thái Lan rất chú trọng đến công tác Marketing, tận dụng tốt các cơ hội để giới thiệu sản phẩm của mình trên thị trường Mỹ thông qua các hội chợ, các phương tiện quảng cáo truyền thống và hiện đại. Luôn duy trì và phát huy các mối quan hệ bạn hàng truyền thống.
Trung Quốc: Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Trung Quốc đang
phát triển mạnh sản xuất nguyên liệu thủy sản, trong đó nuôi trồng chiếm vị trí chủ đạo. Trung Quốc cũng tập trung xây dựng ngành chế biến thủy sản có quy mô lớn và hiện đại để sử dụng hết nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu từ các nước khác. Trong thời gian gần đây, các nhà máy chế biến thủy sản Trung Quốc đẩy mạnh việc nhập nguyên liệu để gia công. Năm 2004, giá trị xuất khẩu thủy sản gia công đạt 2,59 tỷ USD chiếm tỷ trọng 37,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc ra ra thị trường thế giới [40, tr. 31]. Những cơ sở chế biến lớn, hoạt động có hiệu quả với chi phí sản xuất thấp và giá cả nhân công cực kỳ cạnh tranh đã giúp hàng thủy sản Trung Quốc ngày càng chiếm được thị phần lớn trong thị trường Mỹ. Hiện nay, nhiều công ty chế biến thủy sản của Mỹ đã ký hợp đồng thuê các doanh nghiệp Trung Quốc gia công một số loại sản phẩm để giảm chi phí nhân công. Sau vụ kiện bán phá giá hàng thủy sản tại Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có nhiều chính sách để tiếp tục phát triển ngành thủy sản như đầu tư vào những nước không bị đánh thuế như Inđônêxia, Malaysia.. để mở rộng diện tích nuôi và cơ sở chế biến, sau đó qua các nước này sẽ xuất sang Mỹ. Các nhà chế biến của Trung Quốc chịu mức thuế cao sẽ đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư sản xuất sản phẩm GTGT không bị đánh thuế chống bán phá giá.
Để thâm nhập vào các kênh phân phối của thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Trung Quốc rất chú trọng đến việc phát huy thế mạnh của lực lượng Hoa kiều tại Mỹ. Các doanh nghiệp của Trung Quốc có tiềm lực mạnh do vậy họ có thể nhanh chóng đáp ứng được các đơn hàng lớn của các nhà nhập khẩu Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng thường xuyên trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc nghiên cứu thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để nâng cao chất lượng của sản phẩm, đẩy mạnh quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP từ nguyên liệu đầu vào cho đến các công đoạn sản xuất chế biến. Tuy nhiên tại Trung Quốc vẫn xảy ra tình trạng chạy theo số lượng nên nhiều người nuôi không quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm. Việc quản lý và sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản còn yếu, chính sách và cơ chế về quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc chưa phù hợp với các yêu cầu cao về chất lượng của thị trường Mỹ nên thường gặp khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Giá thành tôm của Trung Quốc rẻ hơn so với tôm của Việt Nam hay Thái Lan. Nhưng không chỉ cạnh tranh về giá, gần đây Trung Quốc đã đa dạng hóa về loại sản phẩm xuất khẩu, cung cấp sang thị trường Mỹ những sản phẩm tôm có kích cỡ lớn hơn và có chất lượng ngon như tôm càng xanh. Trung Quốc đổi mới phương thức xuất khẩu bằng việc thử nghiệm xuất khẩu sản phẩm tôm sống để dần thay thế các sản phẩm tôm đông lạnh nhằm nâng cao chất lượng và giá cả sản phẩm
Mỹ: Mỹ là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng nuôi trồng, khai thác và chế biến các sản phẩm thủy sản. Chiến lược phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Mỹ là tập trung vào những sản phẩm có nhu cầu cao và có giá trị kinh tế lớn, đồng thời tăng cường nhập khẩu các chủng loại sản phẩm khác từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiêu
dùng hàng thủy sản của người dân ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về chủng loại. Trong các sản phẩm thủy sản nuôi thì cá nheo chiếm 50% sản lượng nuôi trồng, cá hồi 12%, còn lại là các sản phẩm khác. Cá nheo ở Mỹ nuôi chủ yếu ở 4 bang, miền Nam nước Mỹ là Missisipi, Alabama, Arkansas và Lousiana. Trong những năm gần đây, chủ trại nuôi cá nheo Mỹ đã tăng đầu tư khiến cho cung vượt cầu nên giá cá nheo nuôi tại Mỹ đã giảm rất nhiều, do vậy gây khó khăn cho những người sản xuất và kinh doanh cá nheo Mỹ.
Trong thời gian qua, sản lượng tôm của Mỹ chủ yếu được đánh bắt từ biển chỉ chiếm 20% thị phần trên thị trường Mỹ và đang có nguy cơ giảm mạnh. Tôm của Mỹ chủ yếu là tôm chì, tôm thẻ, nguồn khai thác chính là đánh bắt tự nhiên nên giá thành rất cao. Một số ít được nuôi trong ao, cho ăn thức ăn công nghiệp nên hương vị không ngon mặc dù đã sử dụng hệ thống sục khí rất đắt tiền nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với tôm nhập khẩu từ các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan do có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhân công dồi dào lại có nhiều biện pháp giảm giá thành từ khâu sản xuất đến khâu chế biến xuất khẩu nên giá rẻ hơn tôm của Mỹ.
Sản lượng khai thác ở Mỹ hàng năm cũng rất lớn với các loại có giá trị kinh tế rất cao như tôm hùm, cua, cá hồi, cá ngừ... Xu thế chung của ngành thủy sản Mỹ hiện nay là giảm việc khai thác sản phẩm thủy sản tự nhiên và tăng dần sản lượng nuôi trồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng những sản phẩm tinh chế mặc dù giá cao, do đó ngành công nghiệp chế biến thủy sản ở Mỹ rất phát triển. Mỹ có gần 2000 công ty kinh doanh và chế biến thủy sản, 1.000 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và gần 1.500 nhà máy chế biến thủy sản với trang thiết bị hiện đại bậc nhất trên thế giới.
Thế mạnh của người nuôi thủy sản tại Mỹ so với các nước xuất khẩu khác vào thị trường Mỹ là nắm bắt nhanh và thuận lợi trong việc đáp ứng các
nhu cầu và thị hiếu của thị trường, đặc biệt là đối với các mặt hàng tươi sống. Các doanh nghiệp Mỹ cũng có ưu thế trong phân phối sản phẩm vì hầu hết các sản phẩm mà họ đưa ra đều dựa trên những nghiên cứu kỹ về thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ, kênh phân phối đối với các doanh nghiệp Mỹ rất rộng. Hơn nữa, hàng thủy sản cũng như các hàng hóa khác của Mỹ nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước vì lý do tinh thần dân tộc nên hầu hết các sản phẩm thủy sản của Mỹ có tính cạnh tranh cao trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, hàng thủy sản Mỹ còn có những hạn chế về chi phí nhân công, điều kiện nuôi trồng, khai thác. Chi phí nhân công của Mỹ cao hơn nhiều so với các nước khác. Các sản phẩm thủy sản chủ yếu nuôi theo phương pháp công nghiệp nên chi phí thức ăn hay chi phí cho đầu tư máy móc nhằm đạt được các điều kiện nuôi trồng phù hợp với đặc tính của các loài thủy sản là rất lớn. Nhu cầu thủy sản tiêu thụ trong nước rất lớn nhưng khả năng nuôi trồng và đánh bắt thì có hạn nên sản phẩm chủ yếu là nhập khẩu (ví dụ tôm nhập khẩu chiếm đến 80% nguồn cung cấp tôm của Mỹ) do đó bị ảnh hưởng nhiều giá cả của hàng nhập khẩu và chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước có chi phí nhân công, nguyên liệu thấp như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam...
Chính phủ Mỹ đã thực hiện các rào cản thương mại cũng như các rào cản kỹ thuật để ngăn cản hàng nhập khẩu nhằm bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước nhưng nhiều khi sự hạn chế này làm giảm lượng cung về thủy sản và làm tăng giá bán tại thị trường Mỹ. Quy định mới về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thủy sản của một số nước xuất khẩu chủ lực và quy định về việc đóng quỹ bảo đảm cho việc nhập khẩu đã làm tăng chi phí nhập khẩu tôm nguyên liệu về chế biến của các doanh nghiệp chế biến Mỹ. Điều này gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp các nước xuất khẩu mà còn cho các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản và người tiêu dùng Mỹ.