Kết quả công cuộc đổi mới trong suốt những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong cơ cấu và cơ chế theo hướng kinh tế thị trường, tạo ra động lực thúc đẩy tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng với tốc độ khá cao, sự tăng trưởng có khuynh hướng đáp ứng đủ quỹ tiêu dùng và nền kinh tế bắt đầu có tích luỹ, từ năm 1993 đã có thể đạt 10%. Sản xuất trong nước phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mạnh nên cơ bản đã giải quyết được vấn đề lương thực. Cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt: Từ nhập siêu ở mức độ lớn chuyển qua thời kỳ có mức nhập siêu hợp lý. Cán cân thanh toán quốc tế bắt đầu có khả năng hình thành dự trữ ngoại tệ làm cho việc điều hành tỷ giá hối đoái được chủ động. Mức phát hành tiền giấy cho mục tiêu trang trải bội chi ngân sách giảm mạnh, cuộc cải cách hệ thống ngân hàng gắn với cải cách chính sách lãi suất theo hướng tiến tới thực dương và chính sách một tỷ giá sát với tỷ giá thị trường, tỷ giá hối đoái thực tế và việc khắc phục lạm phát từ kênh tín dụng đã góp phần quan trọng hơn cho việc ổn định và phát triển, và chống lạm phát.
Trong giai đoạn này vàng vẫn được sử dụng cho các mục đích để cất trữ, mặc dù không còn phổ biến nhưng tại các vùng nông thôn (chiếm gần 80% dân số) do thói quen cố hữu và ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch Ngân hàng nên người dân vẫn quen dùng vàng là tài sản dự trữ đáng tin cậy. Mặt khác vàng cũng vẫn được sử dụng trong thanh toán mua bán bất động sản, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức đặc biệt là các loại vàng trang sức chất lượng cao vừa có thể trang sức vừa có thể giữ giá trị. Một phần được giới buôn lậu sử dụng cho việc thanh toán hàng lậu từ Campuchia.
2.1.2.1. Chủ trương quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Nhà nước
Sau thời kỳ thực hiện thành công việc ổn định giá cả, ổn định tiền tệ kiềm chế lạm phát, thực tế đã minh chứng vai trò quan trọng của vàng, vừa là một loại tiền tệ, một công cụ dự trữ an toàn trong điều kiện lạm phát cao, vừa là loại hàng hóa cao cấp phục vụ nhu cầu trang sức, một loại nguyên liệu đáp
ứng nhu cầu cho công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông. Để có chính sách thích hợp, đảm bảo vừa tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, đồng thời tăng cường vai trò của NHNN trong việc điều tiết cung cầu vàng ổn định giá cả hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ, ngày 24/9/1993 Chính phủ ban hành Nghị định 63/CP về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Đây là một bước thay đổi lớn trong chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lần đầu tiên Nhà nước có chính sách lớn về quản lý hoạt động kinh doanh vàng rõ ràng, minh bạch bằng một Nghị định Chính phủ. Qua Nghị định này Nhà nước đã công khai cho phép mọi đối tượng thuộc mọi thành phần kinh tế nếu đủ điều kiện đều được kinh doanh vàng trên thị trường nhưng phải chịu sự quản lý chuyên ngành của NHNN. Tuy nhiên việc xuất nhập khẩu vàng vẫn được Nhà nước quản lý chặt chẽ, nhằm tạo chủ động cho Ngân hàng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá.
Nghị định 63/ CP về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng đã tạo ra các cơ sở pháp lý và định hướng quản lý thị trường vàng phù hợp với điều kiện giá cả thị trường vàng còn nhiều biến động, lạm phát cao. Góp phần giúp NHNN thu được những thành công đáng kể trong việc ngăn chặn và dập tắt những cơn sốt giá vàng, đưa giá vàng ổn định trong mức biến động chung của giá cả thị trường góp phần tích cực hỗ trợ cho việc điều hành tỷ giá, ổn định giá trị Đồng Việt Nam.
Việc ban hành Nghị định 63/CP là một bước đi cần thiết để dỡ bỏ những hạn chế về: phạm vi kinh doanh vàng, quyền sở hữu hợp pháp về vàng và tạo ra một cơ chế xuất nhập khẩu vàng phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ đã ở mức thấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Nội dung chủ yếu của Nghị định 63/CP đề cập đến:
- Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp về vàng của các tổ chức, cá nhân.
- Chính phủ giao NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động kinh doanh vàng; cùng các Bộ ngành liên quan và các địa phương thực hiện việc quản lý thị trường vàng trong cả nước.
- Các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh vàng phải thành lập DN và phải có đủ các điều kiện cần thiết về vốn, thợ kỹ thuật, các thiết bị và trụ sở phục vụ việc sản xuất kinh doanh.
- Đối tượng được phép hoạt động kinh doanh vàng là các DN thuộc mọi thành phần kinh tế (DNNN, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, DN Tư nhân, Xí nghiệp có vốn đầu tư Nước ngoài) được thành lập theo quy định của Luật pháp.
- Phạm vi kinh doanh vàng được mua bán các loại vàng: vàng khối, vàng thỏi... vàng nữ trang, được chế tác, gia công, cầm đồ vàng.
- Các nghệ nhân có tay nghề cao nếu không đủ điều kiện thành lập DN được NHNN cho phép mở các cửa hiệu gia công vàng.
- Việc xuất, nhập khẩu vàng thực hiện theo quy định của NHNN.
Nghị định 63/ CP ra đời gắn liền với một số thay đổi về quy định điều kiện cần thiết để được kinh doanh vàng, theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu kinh doanh vàng - không quy định mức ký quỹ... Do đó phần lớn các DN đang kinh doanh vàng tự giác đến NHNN để xin đăng ký kinh doanh lại theo đúng tinh thần Nghị định mới và tiến hành hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của Nghị định 63/CP.
2.1.2.2. Tình hình phân bố mạng lưới các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng:
Tính đến tháng 11/1999 (trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 174) tổng số Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng, gia công chế tác vàng do các Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố đã cấp như sau:
Tổng số Tỷ trọng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng: 7.489 100%
Trong đó:
- DNNN: 48 0,1%
- Công ty TNHH: 96 1,65%
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư Nước ngoài: 7 0,1%
- DN tư nhân: 6.169 97,81%
Giấy chứng nhận đủ điều kiện gia công chế tác: 968 16,0% Số lượng các đơn vị kinh doanh, gia công chế tác vàng đến thời điểm 6/99 tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước khi ban hành Nghị định 63/CP ngày 24/9/1993. Địa bàn sôi động tập trung hơn 50% số lượng các đơn vị kinh doanh gia công chế tác vàng trong cả nước là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Nam bộ, các tỉnh phía Bắc chỉ chiếm khoảng 17%.
Sau đây là đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh vàng của từng loại hình DN.
2.1.2.3. Thực trạng hoạt động của các DN kinh doanh vàng
2.1.2.3.1. Các DNNN:
Số các DN kinh doanh vàng Nhà nước chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng số hơn 7.000 DN kinh doanh, chế tác vàng. Phần lớn các DN quốc doanh kinh doanh vàng đều được thành lập từ cuối thập niên năm 80 khi nền kinh tế đang ở thời kỳ khủng hoảng, lạm phát với tốc độ phi mã với mục đích là vừa kinh doanh trên thị trường vàng vừa tham gia can thiệp bình ổn giá vàng, ổn định giá cả giữ vững giá trị đồng tiền, góp phần chống lạm phát. Với mục đích như vậy, nên khi mới thành lập các DN chủ yếu kinh doanh vàng miếng, vàng lạng, nhẫn tròn... phục vụ nhu cầu cất trữ của dân chúng. Nguồn nguyên liệu được NHNN cho phép nhập khẩu hoặc bán trực tiếp cho các DN. Hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ mới được quan tâm sau này nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường.
Hệ thống các DNNN đã góp phần quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường vàng tiền tệ, điều tiết giá cả đáp ứng nhu cầu dự trữ trong dân chúng, trong những thời điểm giá vàng có chiều hướng tăng đột biến, thông qua các DN này, NHNN đã tung ra thị trường hàng nghìn kg vàng mỗi ngày dập tắt mọi ý đồ đầu cơ, đẩy lùi nguy cơ biến động giá vàng góp phần ổn định giá cả chung, hạn chế lạm phát.
Nhìn chung các DNNN từ khi mới thành lập đã cố gắng khắc phục khó khăn về chuyên môn, vốn liếng, cơ sở vật chất, phương tiện để sớm đi vào hoạt động góp phần kiềm chế giá vàng và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Cụ thể: