chưa được quan tâm đầu tư phát triển một cách đúng mức, chưa có chiến lược phát triển ngành này (trừ Công ty VBĐQ Phú Nhuận).
Các DNNN kể cả hệ thống Tổng Công ty VBĐQ Việt Nam việc sản xuất nữ trang còn đang trong giai đoạn khởi đầu - sản lượng nữ trang của các đơn vị này không đáp ứng nổi nhu cầu nữ trang để phục vụ cho các cửa hàng bán lẻ trong hệ thống, mặc dù doanh số bán vàng nữ trang trung bình chỉ chiếm hơn 20% tổng doanh số bán ra. Các đơn vị này phần lớn phải mua lại vàng nữ trang của tư nhân hoặc thuê các vệ tinh gia công chế tác để phục vụ bán lẻ nên nhiều khi sản phẩm không đạt chất lượng, trọng lượng gây thiệt thòi cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị. Sản phẩm trang sức còn nghèo nàn về kiểu dáng mẫu mã, chủng loại không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng, do đó khả năng xuất khẩu còn hạn chế. Cụ thể:
Tổng công ty VBĐQ Việt Nam
Được thành lập cuối thập niên 80 là DN trực thuộc NHNN, có quy mô lớn nhất trong ngành vàng hiện nay:
- Vốn điều lệ 550 tỷ đồng (thực tế đã được cấp 286 tỷ),
- Có 45 Công ty thành viên ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, mạng lưới bán lẻ gồm 250 cửa hàng và có 2 xí nghiệp chế tác tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh (2 xí nghiệp này mới được thành lập từ cuối năm 1998).
- Tổng số cán bộ công nhân viên trên 2.200 người, trong đó 1.278 cán bộ quản lý chiếm 58%, 465 thợ kỹ thuật từ bậc 1 đến bậc 7, có 450 người chưa có trình độ chuyên môn chiếm 21,06% tổng số lao động.
Với hệ thống các Công ty thành viên rộng khắp trong toàn quốc, từ năm 1996 trở về trước Tổng Công ty đã hoàn thành vai trò lịch sử và đóng góp cho việc phát triển hệ thống kinh doanh vàng trong thời kỳ đổi mới, góp phần thực hiện mục tiêu đáp ứng nhu cầu vàng của thị trường, kìm giữ giá vàng góp phần ổn định giá cả, ổn định tiền tệ chống lạm phát.
Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá vàng, từ năm 1992 - 1999 Tổng Công ty đã được NHNN cho phép nhập khẩu 69.060 kg, trong đó nhập khẩu uỷ thác cho các công ty ngoài hệ thống khoảng 35%. Đây chính là nguồn thu nhập chính của Tổng Công ty, thực chất là mức chênh lệch giá vàng nhập khẩu và giá bán ra trên thị trường. Từ năm 1992 - 1995 lãi gộp tăng từ năm 57 tỷ năm 1992 lên 109 tỷ năm 1995. Năm 1997 do Nhà nước ngừng chủ trương nhập khẩu vàng lãi gộp của Tổng Công ty chỉ còn 75 tỷ.
Chính do được ưu đãi trong kinh doanh nhập khẩu vàng mang lại lợi nhuận cao lại không phải đầu tư vốn, đầu tư kỹ thuật nên Tổng Công ty chỉ tập trung vào sản xuất nhẫn tròn trơn, vàng miếng, bán vàng kg từ nhập khẩu mà không chú trọng triển khai sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc tập hợp nghệ nhân, thợ lành nghề, các chuyên viên kỹ thuật về thẩm định đá quý, việc nâng cao tay nghề cho số cán bộ sẵn có, đào tạo kỹ thuật viên thiết kế mẫu chưa được quan tâm đúng mức. Tuy đã thành lập 2 Xí nghiệp kim hoàn và một loạt các xưởng chế tác ở các Công ty thành viên, nhưng do chưa đầu tư đúng mức về kỹ thuật máy móc thiết bị và không có công nhân sản xuất lành nghề nên hầu hết các Xí nghiệp sản xuất và các xưởng chế tác sản phẩm chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Khối lượng vàng đã qua gia công chế tác chiếm tỷ lệ thấp chưa tới 20% trên tổng khối lượng bán ra và ngày càng giảm sút, lợi nhuận từ kinh doanh vàng cũng chỉ chiếm từ 30 - 35% tổng số lợi nhuận thu được. Kinh doanh bán lẻ có xu hướng bị thu hẹp, chỉ tập trung vào một số công ty như Công ty Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cà Mau. Một số Công ty hoạt động kinh doanh vàng gần như bị tê liệt như Công ty Khánh Hoà, Yên Bái... Vì vậy, khi thị trường vàng miếng bão hoà, không còn nguồn vàng nhập khẩu, Tổng Công ty đã thực sự lúng túng trong việc chuyển hướng sản xuất kinh doanh.
- Việc kinh doanh vàng hiện nay đang trong quá trình khép kín, từng đơn vị kinh doanh tự do buôn bán, lấy hiệu quả kinh doanh của đơn vị làm mục tiêu chính, chưa có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình kinh doanh.
Tình hình huy động nguồn vàng trong dân
Trong những năm cuối của thập niên 80 và những năm đầu của thập niên 90 trong điều kiện nền kinh tế chưa ổn định, lạm phát cao, người dân chưa tin tưởng vào sự ổn định giá trị Đồng Việt Nam thì việc mua vàng làm công cụ cất trữ giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là một nguồn vốn lớn tiềm năng có thể khai thác được. Để huy động nguồn vốn này, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 42/QĐ- NH1 ngày 21/2/1992 về việc huy động kỳ phiếu bằng vàng của Tổ chức tín dụng. Trong đó chỉ cho phép các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư phát triển, Tổng Công ty VBĐQ Việt Nam (hoạt động theo điều lệ cũ) được phép huy động vốn và cho vay đảm bảo giá trị theo vàng, chưa có quy định cho các tổ chức tín dụng khác được thực hiện. Vì huy động vàng là một hoạt động tín dụng, nhưng đặc thù hơn là nó gắn liền với rủi ro về biến động giá vàng nhất là giá vàng quốc tế. Tuy nhiên do nội dung Quyết định số 42/QĐ-NH1 chưa thể hiện rõ nét các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi biến động giá vàng và các đối tượng được phép huy động vàng cũng chưa phải thực sự là các tổ chức kinh doanh vàng nên chỉ có Tổng Công ty VBĐQ Việt Nam và một số tổ chức tín dụng huy động với một số lượng hạn chế. Cụ thể:
+ Tổng Công ty VBĐQ Việt Nam cho phép 23 đơn vị thành viên huy động vàng, số dư bình quân đến năm 2000 đạt khoảng 60 tỷ đồng tương đương 400 kg vàng.
+ Ngân hàng TMCP Á Châu phát hành kỳ phiếu bằng vàng từ năm 1997, đến nay số dư huy động cũng đạt khoảng 225 kg vàng.
+ Công ty tài chính Cổ phần Sài gòn có số dư huy động vàng đạt khoảng 80 tỷ đồng tương đương 500 kg vàng.
Trong các đơn vị huy động vàng thì Công ty tài chính Cổ phần Sài gòn là đơn vị thực hiện nghiệp vụ này có hiệu quả nhất. Do thế mạnh là đơn vị hoạt động tín dụng, lại có Công ty VBĐQ TP.Hồ Chí Minh (SJC) hỗ trợ về vấn đề quy đổi các loại vàng thành vàng tiêu chuẩn, cho nên đơn vị rất thuận lợi trong việc huy động và cho vay vàng. Ngoài ra các đơn vị khác như Tổng Công ty VBĐQ Việt Nam chủ yếu sử dụng vàng huy động để cho vay cầm đồ, rủi ro cao nên hoạt động này cũng không có hiệu quả.
2.1.2.3.2. DN ngoài quốc doanh
Khu vực DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các DN kinh doanh vàng khoảng 98%. Do điều kiện kinh doanh vàng tương đối dễ dàng chỉ cần mức vốn tối thiểu từ 25 triệu đồng (tương đương 5 lạng vàng 99,99%) tới 200 triệu đồng (tương đương 20 lạng vàng 99,99%) tuỳ theo từng địa phương với một hoặc vài người thợ và một vài dụng cụ cân đo là có thể thành lập DN kinh doanh vàng nên số DN ngoài quốc doanh tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Việc ngày càng có nhiều DN ra đời là yếu tố tích cực trong phát triển kinh tế, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư. Tạo sự cạnh tranh và động lực phát triển thị trường. Chính sự cạnh tranh đó đã làm cho giá cả mua bán vàng không có chênh lệch nhiều, mẫu mã, chất lượng được chú trọng hơn. Ngoài ra, các DN ngoài quốc doanh còn có lợi thế là có thể khai thác các tiềm năng về điều kiện tự nhiên; lao động có tay nghề tinh xảo trong các làng nghề truyền thống cũng như các bí quyết nghề nghiệp thông qua quan hệ gia đình huyết thống... Tuy nhiên, xu hướng chung trong thời gian qua là các DN ngoài quốc doanh chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực buôn bán, dịch vụ nhiều hơn là khu vực sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Do trong Nghị định không có sự phân biệt giữa điều kiện sản xuất và kinh doanh mua bán nên trên thực tế phần lớn các DN tư nhân chỉ kinh doanh buôn bán các loại vàng nhằm kiếm chênh lệch giá, chỉ có một số ít DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Căn cứ vào hoạt động của các DN trên thị trường có thể phân các DN tư nhân kinh doanh vàng thành ba loại chính như sau: