- Tân dược và nguyên phụ liệu dược Triệu USD 495 650
3.1.1. Những diễn biến tích cực trong quan hệ thương mại hai nước
Nhận thức rõ những lợi ích trong quan hệ song phương Việt Nam- Cămpuchia, trong thời gian qua, cả hai Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn và khuyến khích hoạt động hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Cămpuchia.
Hai bên ra thông báo chung cho biết, theo đề nghị của các tỉnh hữu quan, hai bên đã nhất trí trình lên hai Chính phủ xem xét việc nâng cấp và mở thêm các cửa khẩu để tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế và văn hóa của hai nước. Theo đề nghị này, cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang, Việt Nam) - Phnom Den (Ta Keo, Cămpuchia) sẽ là cửa khẩu quốc tế; các cửa khẩu Bình Hiệp (Long An, Việt Nam) - Prey Voir (Svay Rieng, Cămpuchia); Dinh Bà (Đồng Tháp, Việt Nam) - Banteay Chakrey (Prey Veng, Cămpuchia); Kà Tum (Tây Ninh, Việt nam) - Chan Moul (Kompong Cham, Cămpuchia), Tràng Riệc (Tây Ninh, Việt Nam) - Da (Kompong Cham, Cămpuchia) và cửa khẩu Tống Lê Chân (Tây Ninh, Việt Nam) - Sa Tum (Kompong Cham, Cămpuchia) là những cửa khẩu chính. Ngoài ra, hai bên nhất trí mở cửa khẩu phụ thuộc tỉnh Long An, tiếp giáp với Sre Barang, thuộc tỉnh Svay Rieng, Cămpuchia.
Tính đến 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 8 khu kinh tế cửa khẩu. Tổng diện tích của 8 khu kinh tế cửa khẩu này là 6.677 km2, dân số khoảng 1.455 ngàn người, chiếm 2,7% về diện tích và 5,2% về dân số các tỉnh biên giới Việt Nam - Cămpuchia. Các khu kinh tế cửa khẩu đã đóng góp 34,4% kim ngạch xuất nhập khẩu; 6% thu ngân sách; 10,2% thuế xuất nhập khẩu của 23 khu kinh tế cửa khẩu cả nước
Tỉnh An Giang cũng đang nâng cấp cửa khẩu Khánh Bình lên thành cửa khẩu quốc gia vì cửa khẩu này tính theo đường sông thì gần Phnom Pênh nhất, chỉ mất có 80km. Phía Cămpuchia cũng đang đầu tư làm một con đường nhựa rất tốt từ Phnom Pênh đến khu vực này. Tỉnh An Giang cũng đã xây xong một cây cầu, còn một cây cầu nữa cũng đang đề nghị cho tiếp tục đầu tư, hiện đã làm bến phà ở khu vực này để có thể giúp thông thương hai bên thuận lợi.
Hai bên nhất trí hợp tác giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới giữa hai nước, trước hết là thông qua chính quyền địa phương của hai nước, đặc biệt là các tỉnh hữu quan, với tinh thần láng giềng thân thiện.
Hai bên cũng nhất trí chủ trương nối lại hoạt động của ủy ban liên hợp về biên giới càng sớm càng tốt để thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Cămpuchia.
Việt Nam và Cămpuchia đã tổ chức cuộc họp tại Phonom Pênh về công tác phối hợp chống buôn lậu và lưu thông hàng hóa trái phép qua biên giới giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công Thương Cămpuchia.
Hai bên thống nhất về quan điểm chống buôn lậu qua biên giới và nhất trí cho rằng cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thương mại tại khu vực biên giới, tạo thuận lợi và khuyến khích nhân dân, thương nhân hai nước trao đổi hàng hóa tại các cửa khẩu mà hai nước đã thoả thuận. Hàng tháng, hai bên sẽ trao đổi thông tin và số liệu về tình hình trao đổi hàng hóa qua biên giới và những hiện tượng buôn lậu để kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Hai bên cũng thống nhất sẽ họp mỗi năm một lần để đánh giá kết quả hợp tác chống buôn lậu và đề ra biện pháp thực hiện cho năm tiếp theo. Hai phía đoàn đã tổ chức chuyến đi tìm hiểu thực tế tại các cửa khẩu biên giới, trong đó có cửa khẩu Tịnh Biên giữa hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và tỉnh Takeo( Cămpuchia)
Quy chế biên mậu sẽ được Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Còn theo Ngân hàng ngoại thương Việt Nam thì một quy chế về thanh toán trong kinh doanh thương mại - dịch vụ với Cămpuchia sẽ sớm được ban hành.
Bộ Thương mại Việt Nam cũng thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp kinh phí tham dự Hội chợ Thương mại Việt Nam tại Cămpuchia. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội kinh doanh với các đối tác Cămpuchia. Hy vọng, sau các hoạt động xúc tiến này, nhiều loại hàng hóa của Việt Nam sẽ thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường Cămpuchia, một mặt khai thông hơn thị trường này, mặt khác tránh được sự lấn lướt của hàng Thái Lan và Trung Quốc tại thị trường Việt Nam, mà Cămpuchia chính là một cửa ngõ để hàng nhập khẩu tràn vào thị trường Việt Nam. Phía Cămpuchia cũng rất hoan nghênh và hưởng ứng việc Việt Nam xúc tiến thương mại vào Cămpuchia.
Một trong những vướng mắc lớn của các doanh nghiệp là vấn đề thanh toán đã được giải quyết một phần. Văn phòng Chính phủ đã ký văn bản số 4434/VPCP-KTTH, đồng ý cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ sang Cămpuchia thu ngoại tệ mạnh (USD) bằng tiền mặt được áp dụng thuế suất, thuế giá trị gia tăng bằng 0%, được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, với điều kiện doanh nghiệp phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép nộp USD vào tài khoản.
Chính phủ đã quyết định xây dựng hai khu kinh tế cửa khẩu là Hà Tiên tỉnh Kiên Giang và khu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. Trước mắt có thể cho phép thành phố Hồ Chí Minh liên kết với Tây Ninh xây dựng kho ngoại quan tại cửa khẩu Mộc Bài để thực thi chức năng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của khu kinh tế cửa khẩu. Khu chợ nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên có tới 420 hộ buôn bán sầm uất, cần nâng cấp thành Trung tâm thương mại của khu kinh tế cửa khẩu.