Nguyên nhân khách quan

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng XNK tại ngân hàng TMCP XNK Việt Nam chi nhánh Láng Hạ. (Trang 68 - 70)

 Môi trường pháp lý

- Hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán quốc tế, tín dụng xuất nhập khẩu nói riêng còn nhiều bất cập. Hiện nay, ngoài nghị định số 151/2006/NĐ-CP về quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu thì chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể, chính thức về hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu của các ngân hàng thương mại.

- Luật doanh nghiệp mới chỉ quy định doanh nghiệp được dùng tài sản nhà nước để thế chấp ngân hàng nhưng không quy định vấn đề xử lý tài sản thế chấp khi doanh nghiệp không trả được nợ vay. Nhiều doanh nghiệp sử dụng một hồ sơ tài sản thế chấp, công chứng thành nhiều bản để vay vốn ngân hàng. Doanh nghiệp không trả được nợ thì dẫn đến tranh chấp về tài sản giữa các ngân hàng.

- Chế độ hạch toán kế toán doanh nghiệp thực hiện không nghiêm. Nhiều doanh nghiệp lập nhiều bản báo cáo tài chính khác nhau để sử dụng vào nhiều mục đích như báo cáo cơ quan thuế hay xin vay vốn ngân hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định cho vay.

 Môi trường kinh doanh

Trong điều kiện thị trường hối đoái trong nước chưa phát triển, các doanh nghiệp còn xa lạ với các công cụ phòng ngưà rủi ro như hợp đồng forward, future và option nên hoạt động tín dụng XNK của các ngân hàng còn gặp nhiều rủi ro về tỷ giá.

Bên cạnh đó ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô đã có tác động rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đặc biệt ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong và ngoài nước năm 2008 đã có những tác động rất xấu đối với hoạt động của chi nhánh.

- Do tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ, tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu giảm sút nghiêm trọng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước bị suy giảm đáng kể. Cộng hưởng thêm chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư trong nước đột ngột từ đầu năm 2008 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại, tổn thất trong kinh doanh làm cho năng lực tài chính của doanh nghiệp suy giảm đáng kế. Kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, nền kinh tế hấp thụ vốn chậm và yếu. Vào nửa cuối năm, các ngân hàng liên tục cắt giảm lãi suất, nới lỏng tín dụng để hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp có rất ít phương án khả thi nên tốc độ giải ngân vốn chậm.

- Rủi ro tỷ giá: Tỷ giá ngoại tệ USD/VND đầu năm 2008 có nhiều biến động mạnh, các doanh nghiệp XNK bị thiệt hại nhiều nên phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Do chính sách kiềm chế tỷ giá nên tỷ giá thị trường tự do cao hơn nhiều tỷ giá do NHNN công bố dẫn đến việc cung ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.

- Đầu năm 2008 với chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN, lãi suất của các ngân hàng bị đẩy lên rất cao, chi phí vốn của doanh nghiệp cao nên nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, suy yếu, thậm chí đã dẫn đến phá sản.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng XNK tại ngân hàng TMCP XNK Việt Nam chi nhánh Láng Hạ. (Trang 68 - 70)