Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng hoạt động xuất nhập khẩu, coi đây là hoạt động kinh tế mũi nhọn giúp chúng ta hòa nhập với nền kinh tế thế giới. Trong đó xuất khẩu luôn được đẩy mạnh để hạn chế tình trạng nhập siêu như hiện nay, vươn lên khẳng định thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cơn bão tài chính khởi nguồn từ Mỹ trong năm 2008 đã quét qua tất cả các nước và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Sức mua tại các thị trường lớn giảm sút, kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm của Việt Nam giảm dần và ảnh hưởng đến kim ngạch cả năm. Các nhà kinh tế đã dự đoán rằng năm 2009 sẽ là một năm còn khó khăn hơn nữa đối với nền kinh tế thế giới và có thể phải sang đến năm 2010 mới có dấu hiệu phục hồi. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra định hướng phát triển hoạt động xuất nhập khẩu như sau:
Về xuất khẩu
- Do nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU giảm sút, đồng thời các nước đã lập nên các rào cản thương mại tinh vi nên chúng ta đẩy mạnh việc đa
dạng hóa thị trường, đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường mới như các nước ở Đông Âu và Châu Âu.
- Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp xuất khẩu trên tất cả các mặt: năng lực sản xuất, cơ cấu mặt hàng, giá cả, chất lượng, phương thức phân phối...Từng bước đưa doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và thúc đẩy mối quan hệ hỗ trợ liên ngành giữa các ngành công nghiệp. Trước hết tập trung vào những ngành có sức cạnh tranh cao, các ngành chế biến như da giầy, dệt may, chế biến thủy hải sản…
- Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Về nhập khẩu
Đảng và Nhà nước chủ trương hạn chế tình trạng nhập siêu, thực hiện hạn chế nhập khẩu như kiểm soát việc tiếp cận ngoại tệ theo 3 nhóm hàng: nhóm cần nhập khẩu, nhóm cần kiểm soát và nhóm hạn chế nhập khẩu.
- Kiểm soát chặt chẽ nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng có khối lượng lớn
- Nghiên cứu và triển khai đồng bộ các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để giảm nhập khẩu bằng các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và khu vực FDI đầu tư.
- Tiếp tục duy trì một số công cụ quản lý phù hợp quy định của WTO như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối và mở rộng diện mặt hàng áp dụng; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại kho ngoại quan.
- Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo xu hướng giá cả và thị trường thế giới. Định hướng nhập khẩu sát yêu cầu sản xuất cả về số lượng và thời điểm nhập khẩu.