Tháng Giêng năm Đinh Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767), Trịnh Sâm con trưởng Trịnh Doanh nối ngôi làm chúa.
Lúc bấy giờ có giặc Hoàng Công Chất chiếm động Mãnh Thiên ( phía bắc Hưng Hóa ) cùng mấy châu gần đấy, họp đồ đảng kể hàng vạn người, đi cướp phá vùng Hưng Hóa và Thanh Hóa. Thế giặc rất mạnh, dân tình thực là khổ sở.
Năm Kỷ Sửu (1769), Trịnh Sâm sai Đoàn Hữu Thục thống lĩnh đạo Sơn Tây đem quân tiễu giặc. Đoàn Hữu Thục vâng mệnh tiến vào Thanh Châu đánh động Mãnh Thiên. Đến nơi giặc Chất chết rồi, con là Hoàng Công Toản đem quân chống giữ, nhưng không nổi phải bỏ đồn chạy sang Vân Nam còn đồ đảng tan hết.
Tháng 4 năm ấy, Trịnh Sâm được phong làm Thượng sư Thượng Phụ Tĩnh Vương.
Đến giờ Lê Duy Mật vẫn nương náu ở đất Trấn Ninh chiêu tập binh mã. Trịnh Sâm cho người đem thư sang dỗ về, không được, mới quyết ý dùng binh giẹp giặc.
Ngày 1 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1769) Trịnh Sâm cùng Hoàng Ngũ Phúc thương nghị các mưu chước bí mật để dẹp yên đất Trấn Ninh.
Đến ngày 4 tháng 7 Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt thống lĩnh đất Nghệ An làm Chánh đốc lĩnh đất Thanh Hóa, Hoàng Đình Thể làm Đốc binh đất Hưng Hóa, ba đạo cùng tiến đánh Trấn Ninh. Năm Canh Dần (1770), Lê Duy Mật định cố thủ trong thành không ra đánh. Sau thấy súng nhà Trịnh phá lũy rất hăng biết thế không thể chống nổi quan quân bèn sai chất củi và thuốc súng rồi cùng vợ con tự đốt mà chết. Giặc Trấn Ninh bình.
Khi sắp khởi binh đánh Lê Duy Mật các quan trong ngoài đều lấy làm trở ngại về sự hiểm nghèo, chỉ có Trịnh Sâm là quả quyết thế nào cũng được. Nay được như nhời liệu giặc, ai cũng cho Trịnh Sâm là một danh tướng đủ cả dũng lược.
Trịnh Sâm đi kinh lý phía Tây, tuần thú trấn Thanh Hóa, bái yến lăng miếu Tiên Vương, xem xét qua lại, hỏi han tình hình dân tình, khao thưởng quân sĩ, chỉnh đốn nghi vệ. Xa gần ai cũng hoan nghênh, đi đến đâu dân sự đều đặt hương án, bầy hoa quả, dắt già ẵm trẻ để bái vọng. Ai cũng cho là việc cử hành đặc biệt trong thời đại Trung hưng.
Năm Ất Dậu (1765), chúa Nguyễn là Võ Vương mất. Quyền thần là Trương Phúc Loan chuyên quyền làm nhiều điều tàn ngược, dân tình oán giận trong nước đều không phục tòng.
Lúc bấy giờ, ở xã Tây Sơn ( Quy Nhơn ) có Nguyễn Nhạc khởi binh phản đối chúa Nguyễn. Ông tổ bốn đời Nguyễn Nhạc là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly nguyên quán ở Nghệ An, lúc gặp Trịnh, Nguyễn đánh nhau bị bắt đem vào ấp Tây Sơn.
Nguyễn Nhạc có hai em là Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Ba anh em bàn cải họ Hồ sang họ mẹ là họ Nguyễn, để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm, vì đất xứ Nam là đất chúa Nguyễn.
Nguyễn Nhạc trước kia vẫn buôn giầu không với dân mọi, sau làm biện lại ở Vân Đồn, thường gọi là Biện Nhạc. Vì tính ham mê cờ bạc, tiêu mất cả công thuế, sợ phải tội, bỏ vào rừng làm giặc tục gọi là Man Tù ( Quan trưởng trong Mường ).
Năm Tân Mão (1771), lập đồn trại ở đất Tây Sơn, chiêu tập quân sĩ, đồ đảng một ngày một đông.
Thế Nguyễn Nhạc mỗi ngày một mạnh. Đến năm Nhâm Tỵ (1773) lấy được thành Quy Nhơn làm nơi căn bản rồi tiến quân lên đến đất Quảng Nam. Chẳng bao lâu từ Quảng Nghĩa đến Bình Thuận đều thuộc về Tây Sơn cả.
Đương khi đất xứ Nam, có quyền thần chuyên chính ở trong, giặc Tây Sơn đánh phá ở ngoài, ở xứ Bắc chúa Trịnh là Trịnh Sâm biết tình trạng như vậy bèn nghĩ đến việc đánh Nguyễn, sai Hoàng Ngũ Phúc làm Bình Nam
Đại tướng quân đem hơn 3 vạn thủy bộ vào Bắc bố chính để đánh họ Nguyễn.
Tháng 10 năm Giáp Ngọ (1771), Hoàng Ngũ Phúc đem quân sang sông Linh Giang rồi sai Hoàng Đình Thể đánh lấy được lũy Trấn Ninh. Quân Trịnh bèn phá lũy Trấn Ninh san phẳng làm bình địa. Trịnh Sâm được tin Hoàng Ngũ Phúc phá được lũy Trấn Ninh rồi tự đem đại binh vào tiếp ứng đánh thành Phú Xuân truyền hịch nói rằng quân Bắc vào đánh Trương Phúc Loan chứ không có ý gì khác. Các quan ở Phú Xuân bấy lâu vẫn oán giận chính sách tham tàn của Trương Phúc Loan, bèn mưu bắt Phúc Loan đem nộp chúa Trịnh.
Tuy đã bắt được Trương Phúc Loan rồi mà Hoàng Ngũ Phúc vẫn tiến quân.
Chúa Nguyễn là Huệ Vương biết mưu Hoàng Ngũ Phúc định lừa để lấy kinh thành bèn đốc thủy bộ quân ra cự địch. Hoàng Ngũ Phúc sai bọn Hoàng Định Thể cùng mình tiến binh hai mặt đánh áp lại. Quân Nguyễn vỡ tan, bỏ chạy, quân Bắc chiếm lĩnh được thành Phú Xuân. Chúa Nguyễn cùng các quan tùy thuộc chạy vào Quảng Nam.
Trịnh Sâm đóng ở Hà Trung được tin Hoàng Ngũ Phúc đã lấy được thành Phú Xuân, xiết bao mừng rỡ, sai quan đưa cho Ngũ Phúc một trăn lạng vàng và cho các tướng sĩ 5.000 lạng bạc. Lại phong Ngũ Phúc làm Đại trấn thủ đất Thuận Hóa để lo việc lấy đất Quảng Nam. Song rồi Trịnh Sâm rút về Bắc.
Quân Trịnh lại thẳng đường tiến xuống phía Nam, gặp lúc quân Tây Sơn đã lấy được thành Quảng Nam. Nguyễn Nhạc sai người khách là Tạp Đình làm Tiên phong, Lý Tài làm trung quân còn mình tự làm hậu tập đánh nhau với quân họ Trịnh. Quân của Tạp Đình đều là khách Quảng Đông và người mọi to lớn, khỏe mạnh đánh rất là hăng hái. Quân tiền đội của Hoàng Ngũ Phúc đương không nổi. Ngũ Phúc bèn sai Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng
Cơ đem kỵ binh xông vào trận rồi bộ binh đánh tràn vào. Tạp Định thua chạy. Nguyễn Nhạc và Lý Tài rút quân về Quy Nhơn.
Lúc bấy giờ ở phía Nam quân nhà Nguyễn là Tống Phúc Hợp đem quân đánh lấy lại được ba phủ Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khánh, rồi tiến đánh đất Phú Yên. Ở phía Bắc thì có quân Trịnh đóng ở Quảng Nam. Nguyễn Nhạc ở giữa liệu thế không chống nổi, bèn sai Phan Văn Tuế đem thư và mang lụa ra nói với Hoàng Ngũ Phúc xin nộp đất Quảng Nghĩa, Quy Nhơn và xin làm tiền phu để đi đánh họ Nguyễn.
Hoàng Ngũ Phúc muốn dùng Nguyễn Nhạc để đánh lấy đất Gia Định, bèn làm biểu xin Chúa Trịnh cho Nguyễn Nhạc làm Tiên phong Tướng quân tây Sơn hiệu trưởng.
Nguyễn Nhạc không lo mặt Bắc nữa, sai em là Nguyễn Huệ đem quân đến đánh Tống Phúc Hợp. Quân Nguyễn thua to bỏ chạy. Nguyễn Nhạc đem tin thắng trận ra cho Hoàng Ngũ Phúc, Ngũ Phúc dâng biểu xin Chúa Trịnh phong cho Nguyễn Huệ làm Tây Sơn hiệu tiên phong Tướng quân.
Tháng chạp năm Ất Vị ( Mùi ) (1775), quân Hoàng Ngũ Phúc bị thua bị dịch chết mất nhiều ở Quảng Nghĩa, Ngũ Phúc xin Chúa Trịnh cho rút quân về giữ Thuận Hóa, Trịnh Sâm thuận cho. Hoàng Ngũ Phúc về đến Phú Xuân thì mất. Chúa Trịnh sai Bùi Thế Đạt vào thay và Lê Quý Đôn vào làm Tham thị cùng giữ đất Thuận Hóa.
Từ khi quân Trịnh về Thuận Hóa, đất Quảng Nam lại thuộc về Tây Sơn. Năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Nhạc sai người ra xin Chúa Trịnh trấn thủ đất Quảng Nam. Trịnh Sâm bấy giờ chán sự dụng binh, bèn phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam Trấn thủ Tuyên úy Đại sứ Cung quận công.
Nguyễn Nhạc được phong rồi bèn sai hai em là Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ vào lấy được thành Gia Định và giết được Thái thượng vương và Tân chính vương nhà Nguyễn.
Năm Nhâm Tuất (1778), Nguyễn Nhạc tự xưng Đế hiệu, đặt niên hiệu là Thái Đức, gọi thành Đồ Bản ( Kinh đô cũ của nước Chiêm Thành ngày trước
) là Hoàng đế thành, phong Nguyễn Lữ làm tiết chế. Nguyễn Nhạc ( Nguyễn Huệ ) làm Long nhương tướng quân.
Ngày 13 tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất thọ 44 tuổi, làm Chúa 16 năm, truy tôn làm Thịnh vương, miếu hiệu là Thành Tổ.
CHÍNH TRỊ
Làm quốc sử: Năm Ất Vị ( mùi ) (1775), Trịnh Sâm sai Nguyễn Hoàn, Lê Quý Đôn, Vũ Miện, Ngô Thời Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn và Nguyễn Trạch soạn Quốc sử chép thêm từ đời vua Lê Hi Tôn (1676) đến đời vua Lê Y Tôn (1740), cả thảy sáu quyển, gọi là Việt sử Tục biên.
Năm Đinh Dậu (1777), xong quyển Bình Nam Thực Lục nói về việc giẹp nội loạn, bình được các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa và Trấn Ninh.
Năm Giáp Tý (1780) xong quyển Lê Hoàng Ngọc phổ nói về triều nhà Lê và thế hệ các vua Lê.
Việc đúc tiền: Năm Bính Thân (1776), Trịnh Sâm đã lấy được đất Thuận Hóa rồi, mở thêm lò đúc tiền ở Phú Xuân đúc ra ba vạn quan tiền Cảnh Hưng nữa.
Đời bấy giờ có đúc cả bạc đĩnh để tiêu dùng. Mỗi lạng là 10 đồng. Mỗi đồng giá 2 tiền. Bạc ấy chặt ra tiêu cũng được.